Kiểm tra, đánh giá môn Khoa học tự nhiên sao cho hợp lý?

GD&TĐ - Kiểm tra, đánh giá học sinh (HS) môn Khoa học tự nhiên rất đặc thù vì có 2 đến 3 giáo viên (GV) cùng dạy bộ môn. 

Trong giờ học của cô và trò THCS Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh minh họa
Trong giờ học của cô và trò THCS Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh minh họa

Để thực hiện tốt hoạt động này cần có cách triển khai hợp lý, khoa học, từ ra đề đến tổ chức kiểm tra, vào điểm.

Phối hợp ra đề

Chia sẻ về triển khai kiểm tra, đánh giá đối với môn Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Tân An Hội (Mang Thít, Vĩnh Long), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Lập cho biết: Với kiểm tra thường xuyên, khối lượng kiến thức phân môn Sinh học nhiều nhất nên sẽ có 2 bài. Phân môn Hóa học, Vật lý gần như tương đương nên mỗi phân môn có 1 bài kiểm tra.

Đề được thiết kế dưới dạng bài kiểm tra tổ hợp nội dung, kiến thức của 3 phân môn. Đối với kiểm tra định kỳ (giữa kỳ và cuối kỳ), các GV cùng bàn bạc, thống nhất để xây dựng bài kiểm tra đủ 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao và phân chia theo tỷ lệ % để lượng kiến thức kiểm tra phù hợp với nội dung bài dạy. Nội dung đề kiểm tra gồm 2 phần: Trắc nghiệm 40%, tự luận 60%.

“Trong hè, sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn; nghiên cứu phân chia cấp độ nhận thức cho các yêu cầu cần đạt của môn Khoa học tự nhiên từ lớp 6 đến lớp 9. Sau đó, phòng GD&ĐT cũng triển khai tập huấn lại vấn đề này tới GV dạy môn Khoa học tự nhiên trên địa bàn. Do đó, thầy cô đều nắm vững quy trình xây dựng ma trận, đặc tả, ra đề,… kiểm tra định kỳ” - cô Lê Thị Ngọc Dung cho hay.

Với Trường THCS Quản Cơ Thành (Châu Thành, An Giang), theo cô Hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Dung, nội dung kiểm tra môn Khoa học tự nhiên gồm bao nhiêu nhóm môn phụ thuộc vào thời điểm kiểm tra. Khối trưởng họp với nhóm GV liên quan để thống nhất xây dựng ma trận, đặc tả, việc ra đề, số lượng câu hỏi của mỗi nhóm môn - thực hiện trước kiểm tra ít nhất 2 tuần.

Để thuận lợi cho HS, ma trận, đặc tả, câu hỏi kiểm tra được sắp xếp theo trình tự mạch kiến thức của chương trình. Nhóm trưởng bộ môn chịu trách nhiệm tổng hợp phần thực hiện của nhóm môn mình (sau khi thống nhất trong nhóm) chuyển về khối trưởng theo thời gian quy định.

Là Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên Trường THCS Trần Hưng Đạo (Cam Lộ, Quảng Trị), thầy Lê Thế Phúc chia sẻ: Do 3 GV cùng dạy môn Khoa học tự nhiên nên cần thảo luận, thống nhất trong ra đề, chấm bài. Cụ thể, nhóm trưởng xây dựng ma trận đề dựa theo Chương trình Khoa học tự nhiên và khung ma trận đã được sở GD&ĐT gửi tham khảo; thống nhất trong 3 GV dạy và phân công xây dựng đặc tả theo chuyên môn của GV. Dựa trên ma trận, đặc tả đã xây dựng và thống nhất, GV ra câu hỏi theo mức độ của phân môn mình đảm nhiệm. Các câu hỏi sau đó được tổng hợp, làm đề theo đúng thể thức và gửi tổ chuyên môn duyệt.

Tại Trường THCS Tân Phương (Thanh Thủy, Phú Thọ), môn Khoa học tự nhiên do 3 GV có chuyên môn Vật lý, Hoá học, Sinh học cùng đảm nhiệm; trong đó phân công 1 GV làm trưởng nhóm. Cô Hiệu trưởng Lê Thị Thu Thảo cho biết, đầu năm học, nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn cùng nhóm GV dạy Khoa học tự nhiên xây dựng kế hoạch giáo dục môn học, trong đó có kế hoạch kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ.

Căn cứ kế hoạch giáo dục môn học đã thống nhất, được hiệu trưởng phê duyệt; căn cứ thời lượng các chủ đề trong chương trình và tính đến thời điểm kiểm tra, tổ chuyên môn cùng nhóm GV dạy Khoa học tự nhiên xây dựng ma trận đề, bảng đặc tả của các bài kiểm tra định kỳ. Ma trận đề kiểm tra thể hiện rõ đơn vị kiến thức được kiểm tra có tỷ lệ điểm tương ứng với thời lượng các chủ đề đã học một cách hợp lý. Nhà trường phê duyệt ma trận, bảng đặc tả làm căn cứ cho việc biên soạn đề kiểm tra.

Trong giờ học Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội.

Trong giờ học Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội.

Phân công chấm theo chuyên môn giáo viên

Chia sẻ về cách thức tổ chức kiểm tra môn Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Quản Cơ Thành, cô Lê Thị Ngọc Dung cho biết: Trong mỗi học kỳ, ban giám hiệu lên lịch kiểm tra định kỳ cho các môn học (trong đó có môn Khoa học tự nhiên - kiểm tra tập trung toàn khối), thông báo rộng rãi đến HS, phụ huynh HS. Việc tổ chức in sao đề, giám sát tổ chức kiểm tra do ban giám hiệu đảm nhiệm. Khối trưởng phân công việc chấm, sửa bài, trả bài kiểm tra cho HS.

Nếu thời điểm kiểm tra, nội dung kiểm tra có từ 2 nhóm môn trở lên, GV các nhóm môn đều tham gia chấm bài. Các nhóm môn có số tiết dạy nằm trong nội dung kiểm tra nhiều sẽ phụ trách chính việc cộng điểm và nhận xét hay chấm hết phần trắc nghiệm,…

Việc này cũng tùy thời điểm kiểm tra. Ví dụ, kiểm tra giữa kỳ I môn Khoa học tự nhiên 6 có nội dung của 2 nhóm môn là Vật lý (10 tiết), Hóa học (28 tiết). GV dạy phần Vật lý sẽ chấm 100% câu tự luận của phân môn và phần trắc nghiệm của 50% số lớp mình dạy. GV dạy phần Hóa học sẽ chấm 100% câu tự luận của phân môn và phần trắc nghiệm của 50% số lớp mình dạy. Sau đó, cộng tổng điểm bài kiểm tra, nhận xét, phát, sửa bài kiểm tra cho HS.

Với việc nhập điểm, GV phân môn nào dạy nhiều tiết hơn (tính đến thời điểm kiểm tra) sẽ phụ trách chính. Trường hợp số tiết dạy ngang nhau thì phân chia cả 2 (hoặc 3) GV cùng thực hiện. Trước khi nhận xét, đánh giá HS chung cho môn học, các GV giảng dạy cùng môn cùng thảo luận để thống nhất phần đánh giá/nhận xét này.

Tổ chức kiểm tra môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Tân An Hội chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng phân phối chương trình ngay từ đầu năm học; trong đó thời gian kiểm tra giữa học kỳ I vào tuần 9 và 10; kiểm tra giữa học kỳ II vào tuần 26 và 27. Kiểm tra cuối học kỳ tiến hành theo lịch của phòng GD&ĐT. Với chấm bài, thầy Nguyễn Tấn Lập cho biết, cả 3 GV sẽ thống nhất hướng dẫn chấm, tiến hành chấm chung khoảng 5 bài. Sau đó, thầy cô chia nhau chấm. Việc vào điểm, nhà trường chỉ đạo thầy cô nào dạy ít tiết hơn sẽ vào điểm và nhập điểm vào SMAS.

Tại Trường THCS Tân Phương, để chấm bài được chính xác, GV có chuyên môn nào sẽ chấm đơn vị kiến thức thuộc chuyên môn đó. Sau đó, thầy cô cùng trao đổi thống nhất mức độ đánh giá đối với bài làm, đồng thời đánh giá sự tiến bộ của HS. Việc vào điểm sẽ do trưởng nhóm thực hiện và chịu trách nhiệm trước nhà trường.

Về nội dung này, thầy Lê Thế Phúc cho biết, đề có thời gian 90 phút nên Trường THCS Trần Hưng Đạo bố trí kiểm tra trái buổi; coi thi theo phân công của chuyên môn. Với câu hỏi trắc nghiệm, trước khi chấm, 3 GV hội ý thống nhất đáp án, sau đó phân công 1 GV chấm. Phần tự luận, bài làm thuộc lĩnh vực nào thì GV dạy lĩnh vực đó chấm. 3 GV sẽ cùng hội ý trước khi nhận xét. GV chấm phần nào thì nhận xét trên bài làm của phần đó. Phân công 1 GV tổng hợp điểm và nhận xét chung của bài làm. Với việc vào điểm: GV được nhóm phân công vào điểm ở sổ theo dõi HS và trên hệ thống, sau đó nhóm trưởng kiểm tra lại kết quả đã nhập.

“Kết quả cuối năm với môn Khoa học tự nhiên 6, HS Trường THCS Trần Hưng Đạo đạt loại Giỏi chiếm 26,61%; loại Khá chiếm 50,81%; trung bình là 21,77%; yếu 0,81%. Ngoài kết quả điểm số còn thấy rõ sự phát triển các phẩm chất và năng lực của HS. Thông qua hoạt động thực hành, trải nghiệm, HS có cơ hội để huy động, vận dụng kiến thức, kỹ năng trong môn học để giải quyết các tình huống có thực trong học tập, cuộc sống” - thầy Lê Thế Phúc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.