Kiểm tra, đánh giá giữa kỳ: Khó khăn và giải pháp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tùy theo tình hình đội ngũ thực tế, các trường học được trao quyền chủ động trong bố trí GV dạy các môn học mới Lịch sử - Địa lý và KHTN.

Giờ học của học sinh lớp 7A, Trường THCS Trung Hạ, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).
Giờ học của học sinh lớp 7A, Trường THCS Trung Hạ, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Ngoài phương án bố trí một giáo viên đảm nhận dạy toàn bộ môn học, nhiều trường lựa chọn phương án có từ 2 - 3 giáo viên phối hợp với nhau để dạy cùng một môn. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá vì vậy sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Bám sát ma trận đề

Trước khi xây dựng đề kiểm tra giữa kỳ II môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, giáo viên khối 6 - 7 của Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã họp để thảo luận cấu trúc đề theo lượng nội dung kiến thức từng phân môn đã dạy - học. Cô Trần Thị Mai, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên - cho biết: Với khối lớp 6, đến thời điểm kiểm tra giữa kỳ, chương trình học mới chỉ có nội dung kiến thức liên quan đến phân môn Vật lý và Hóa học. Ở lớp 7, các chuyên đề mới tập trung vào nội dung kiến thức môn Hóa.

Vì vậy, trong cấu trúc đề, theo cô Mai, giáo viên sẽ tính toán số lượng câu hỏi, tỷ lệ điểm dựa trên kiến thức phân môn theo chủ đề. Ví dụ như chủ đề 1, phân môn Vật lý có 8 tiết, sẽ nhân với thang điểm 10 rồi chia cho tổng số tiết cả năm của môn để tính trọng số. Ngoài ra, có thêm tỷ lệ cân đối giữa câu hỏi trắc nghiệm và bài tập, chẳng hạn có thể dành 4 điểm cho trắc nghiệm. Môn nào có số lượng tiết học nhiều hơn thì gồm câu hỏi ở mức vận dụng cao nhằm phân hóa học sinh.

Trường THCS Nghĩa An (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) xây dựng cấu trúc đề kiểm tra, đánh giá dựa vào số tiết của từng phân môn để thiết kế số câu hỏi và tỷ lệ điểm số cho phù hợp. Chẳng hạn, môn Sinh có 2 tiết một tuần, môn Vật lý và Hóa học, mỗi môn có 1 tiết/tuần thì số câu hỏi môn Sinh học sẽ chiếm 50% điểm số, với điểm tối đa là 5. Môn Vật lý và môn Hóa học chiếm 50% số điểm còn lại, trong đó, mỗi môn tối đa là 2,5 điểm. Cả 3 giáo viên sẽ phối hợp để ra đề kiểm tra.

Thầy Mai Quang Huy, Tổ trưởng Tổ Tự nhiên, Trường PTDTNT - THCS huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), cho biết: Đối với việc kiểm tra, chấm điểm của môn học Khoa học tự nhiên, 3 giáo viên dựa vào số tiết đã dạy và ngồi lại với nhau phân ra đề bài, để làm sao phổ điểm phù hợp với ma trận đề. “Đề kiểm tra được chúng tôi thiết kế chung trong một tờ đề. Sau khi học sinh làm bài, giáo viên thu về, phần của ai người đó chấm. Sau đó, giáo viên sẽ cộng điểm theo thang điểm 10”, thầy Huy thông tin.

Với đề kiểm tra môn Lịch sử và Địa lý, cô Nguyễn Thị Ngọc Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) - chia sẻ: “Nội dung kiến thức cũng như các chủ đề được sắp xếp gồm 2 phần rõ ràng. Vì vậy, khi xây dựng số lượng câu hỏi của đề kiểm tra, giáo viên sẽ dựa trên tổng số tiết, phân môn nào có số tiết nhiều hơn thì khối lượng kiến thức sẽ tương ứng. Có thể tỷ lệ câu hỏi của các môn sẽ là 60 - 40 hoặc 50 - 50, tùy theo thực tế chương trình dạy – học cho đến thời điểm kiểm tra của từng khối lớp”.

Đây cũng là cách thức xây dựng đề kiểm tra của Trường PTDTBT THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam). Đề thi Khoa học tự nhiên sẽ có 20 câu, phân bố số lượng câu hỏi của mỗi phân môn tùy theo chương trình giảng dạy. Đề thi được sắp xếp theo từng phân môn, hết câu hỏi của môn này rồi mới đến môn khác để đảm bảo sự liền mạch tư duy cho học sinh khi làm bài.

Giờ học của thầy trò Trường TH&THCS thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn, Thanh Hóa).

Giờ học của thầy trò Trường TH&THCS thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn, Thanh Hóa).

Khuyến khích câu hỏi liên môn

Đối với bài kiểm tra môn Lịch sử và Địa lý, học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) làm bài xong phân môn này, thu bài rồi mới làm đến đề của phân môn còn lại. Cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, Hiệu trưởng nhà trường, trao đổi: “Chúng tôi tham khảo cách tổ chức thi môn tổ hợp của Kỳ thi tốt nghiệp THPT để áp dụng. Vì vậy, sẽ có thêm 5 phút để thu bài sau mỗi phân môn. Học sinh làm bài kiểm tra trên 2 tờ giấy riêng biệt sẽ thuận lợi cho giáo viên khi chấm. Giáo viên phân môn nào sẽ nhận bài kiểm tra của phân môn đó để chấm, không phải chấm chung nên không mất thời gian chờ đợi”.

Thế nhưng, với môn Khoa học tự nhiên, đề kiểm tra lại không thể tách rời được như môn Lịch sử và Địa lý. Theo cô Trần Thị Mai, 3 giáo viên Vật lý, Hóa học và Sinh học sẽ ngồi lại để phối hợp chấm bài. “Đề được xây dựng chung, mỗi giáo viên sẽ chấm phần câu hỏi của phân môn theo barem điểm quy định. Sau đó, phân môn nào có số lượng tiết nhiều hơn, giáo viên sẽ đảm nhận luôn phần tổng hợp và vào điểm”.

Tiến độ vào điểm của giáo viên đáp ứng theo yêu cầu của nhà trường, thầy Phạm Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Hạ, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), thông tin đồng thời cho hay: Đối với việc chấm điểm, ban giám hiệu giao cho tổ trưởng chuyên môn giám sát. Tiến độ vào điểm cũng kịp thời, vì các thầy cô đã thống nhất với nhau từ khâu ra đề theo ma trận, thang điểm và đáp án bài thi.

Với đề kiểm tra giữa kỳ, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai khuyến khích những câu hỏi có tính tích hợp, liên môn. “Tuy nhiên, đến bài kiểm tra cuối kỳ, mỗi đề thi đều phải có câu hỏi mang tính chất liên môn, tích hợp. Điều này logic hơn vì đến cuối học kỳ I, dung lượng kiến thức các phân môn trong từng môn vừa đủ để giáo viên có những câu hỏi tích hợp. Câu hỏi liên môn sẽ có tính chất đánh giá, phân loại học sinh” – cô Nguyễn Thị Ngọc Anh khẳng định.

Nhận xét về điều này, cô Lê Thị Hoàng Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (Đà Nẵng) - cho biết: “Việc kiểm tra, đánh giá đều dựa theo nội dung, các chủ đề mà học sinh đã học. Phòng GD&ĐT hướng dẫn nhà trường cần khuyến khích những câu hỏi mang tính chất tích hợp, liên môn, đúng với tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Một nguyên lý, quy luật chung đều đã có nội dung liên môn rồi”.

Thầy Đàm Duy Tuấn, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Trung Hạ, nhấn mạnh: “Đối với những câu hỏi có độ phân hóa thì đưa vào phần tự luận. Như vậy, những câu hỏi mang tính chất phân loại trình độ học sinh thì không xây dựng theo phân môn, mà tích hợp cả 3 môn. Ví dụ: Vai trò của Oxy đối với cuộc sống và tự nhiên như thế nào, trong đó bao gồm cả kiến thức Hóa học, Sinh học và Vật lý”.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ