Khuyến nghị cấm dùng người dưới 18 tuổi làm "osin"

Lao động chưa thành niên là đối tượng dễ bị tổn thương, lạm dụng, chuyên gia của Unicef khuyến nghị bổ sung quy định cấm sử dụng những người này làm giúp việc gia đình.

Chuyên gia của Unicef khuyến nghị Bộ luật Lao động (sửa đổi) nên cấm sử dụng lao động chưa thành niên giúp việc gia đình. Ảnh: Thu Thủy.
Chuyên gia của Unicef khuyến nghị Bộ luật Lao động (sửa đổi) nên cấm sử dụng lao động chưa thành niên giúp việc gia đình. Ảnh: Thu Thủy.

Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) bổ sung nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) là chỉ được làm những công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực và nhân cách. Chủ lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định về việc sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi. Theo đó, người sử dụng lao động phải tuân thủ quy định ký kết hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật và được sự đồng ý của người chưa đủ 15 tuổi, phải có giấy khám sức khỏe xác nhận sức khỏe phù hợp với công việc.

Lao động này chỉ được làm những công việc nhẹ do Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội quy định. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động phải bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập.

Đặc biệt, người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ công việc nghệ thuật, thể dục và thể thao và phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. 

Tại hội thảo tham vấn về những nội dung sửa đổi đối với lao động chưa thành niên, nhiều chuyên gia đồng tình với các quy định trên.

Bà Shelley Casey, chuyên gia của Unicef (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) cho rằng, cần định nghĩa về "công việc nhẹ" phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, là công việc không nguy hiểm đến sức khỏe hay sự phát triển thể lực của người chưa thành niên và không ảnh hưởng việc học tập. 

Bà Shelley Casey đánh giá cao quy định sử dụng trẻ em dưới 13 tuổi để biểu diễn nghệ thuật, thể dục, thể thao phải xin giấy phép cho việc sử dụng lao động trẻ em. Tuy nhiên, trong giấy phép phải quy định số giờ làm việc và đặc biệt nghiêm cấm lao động chưa thành niên làm thêm giờ và làm đêm.  

Tại hội thảo, đại diện Unicef cũng khuyến nghị nên cấm sử dụng lao động chưa thành niên giúp việc gia đình. Bà Shelley Casey cho biết, để phòng tránh rủi ro, một số quốc gia trên thế giới đã xếp công việc này vào nhóm công việc nguy hiểm cho người chưa thành niên.

Một số quốc gia như Philippines, Malaysia cấm người dưới 15 tuổi làm công việc giúp việc gia đình.

Bà Shelley Casey nhấn mạnh: "Lao động chưa thành niên giúp việc gia đình là đối tượng dễ bị tổn thương, lạm dụng. Do đó, nếu cho phép, cơ quan quản lý cần bổ sung các biện pháp bảo vệ an toàn". 

Hiện tại, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) không cấm việc này, tuy nhiên, có nhiều quy định riêng đối với lao động là người giúp việc gia đình, như nghiêm cấm ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là giúp việc gia đình; giao việc cho người giúp việc không theo hợp đồng và giữ giấy tờ tùy thân của người lao động. 

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cũng đồng tình với nội dung cấm lao động chưa thành niên giúp việc gia đình vì môi trường làm việc trong các gia đình tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều vụ việc bạo hành trẻ em làm giúp việc. 

"Lao động chưa thành niên cần được bảo vệ tốt hơn nên giúp việc gia đình cần đưa vào danh mục quản lý chặt chẽ", ông Quảng nói.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.
Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.