Có thể thỏa thuận về nghỉ phép năm
Ngày nghỉ lễ, Tết là dịp mà NLĐ được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương. Tổng số các ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam là 10 ngày, bao gồm: Tết Dương lịch (1 ngày); Tết Âm lịch (5 ngày); Chiến thắng 30/4 (1 ngày); Quốc tế lao động 1/5 (1 ngày); Quốc khánh 2/9 (1 ngày) và Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 - Âm lịch). Lao động là công dân nước ngoài tại Việt Nam, ngoài các ngày nghỉ theo quy định nêu trên, còn được nghỉ thêm 1 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 1 ngày Quốc khánh của nước họ.
NLĐ có đủ 12 tháng làm việc thì được nghỉ hưởng nguyên lương theo hợp đồng là 12 ngày đối với người làm việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành sau khi lấy ý kiến của Bộ Y tế, hoặc NLĐ chưa thành niên, hoặc NLĐ là người khuyết tật; 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành sau khi lấy ý kiến của Bộ Y tế.
NLĐ chưa đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc; Trường hợp do thôi việc, bị mất việc mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ; Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của NLĐ và phải thông báo trước cho NLĐ biết; NLĐ có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần…
Cơ chế thương lượng về ngày nghỉ có hưởng lương
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Trong hệ thống các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có một Công ước 132 về ngày nghỉ lễ. Trong đó nêu số ngày nghỉ có hưởng lương trong một năm cần tối thiểu là 3 tuần làm việc. Việt Nam hiện không cam kết thực hiện công ước này, tuy nhiên số ngày nghỉ có hưởng lương của Việt Nam cũng đã phù hợp với tiêu chuẩn tối thiểu về ngày nghỉ của công ước. Tại Việt Nam, số ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ phép năm là những ngày nghỉ có hưởng lương. Cộng tất cả các ngày nghỉ này, trong một năm NLĐ được nghỉ tối thiểu là 22 ngày được hưởng nguyên lương.
Bà Andrea Prince - Cố vấn trưởng Dự án Quan hệ lao động mới (ILO Việt Nam) cho biết: Các tiêu chuẩn quốc tế của ILO là thiết lập mức tối thiểu mà các quốc gia thành viên cần tuân theo. Trên mức tối thiểu đó, cần có sự thỏa thuận giữa các thành phần xã hội của quốc gia đó. Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu của ILO, vấn đề còn lại các thành phần xã hội có thể thương lượng với nhau, trong đó khuyến khích cơ chế đối thoại 3 bên, để xác lập và thống nhất về số ngày nghỉ lễ, Tết cũng như ngày nghỉ hằng năm.
Để có được tiếng nói mạnh mẽ, thì bộ công ước về thương lượng tập thể là “người gác cổng” để các bên tiếp cận các quyền cụ thể, đàm phán những nội dung mong muốn. Ví dụ, lao động trong các doanh nghiệp hoặc trong các đơn vị công ích của Chính phủ, khu vực hành chính công… nhận thấy cần thiết và quan trọng phải tăng số ngày nghỉ lễ hoặc ngày nghỉ hưởng nguyên lương, thì họ có thể cùng thống nhất với nhau để đưa ra yêu cầu đó.