Buổi tọa đàm tập trung thảo luận các nội dung về cam kết và cơ chế thực thi về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới liên quan đến việc sửa đổi Bộ luật Lao động.
Nội dung cam kết về lao động của Hiệp định thương mại CPTPP và EVFTA không đưa ra tiêu chuẩn riêng, mà khẳng định lại: Tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả bốn tiêu chuẩn cơ bản theo tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), bao gồm: Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, xóa bỏ lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử trong lao động; Nỗ lực tiến tới phê chuẩn những công ước chưa được phê chuẩn; Thực hiện có hiệu quả trong luật và thực tiễn các công ước đã phê chuẩn của ILO; Không vi phạm tiêu chuẩn lao động cơ bản để làm lợi thế cạnh tranh; Không sử dụng tiêu chuẩn lao động cơ bản vì mục đích bảo hộ thương mại...
Chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ là chủ động hội nhập quốc tế thông qua việc tham gia và các FTAs và các tổ chức. Khuôn khổ pháp lý lớn vẫn là chủ trương lớn, nhất quán trong suốt thời gian qua. Hội nhập và thực thi các cam kết quốc tế là xuất phát từ nhu cầu nội tại, vì mục tiêu phát triển của Việt Nam. Một vài khó khăn cụ thể không làm thay đổi xu hướng, quan điểm, chủ trương này vì lợi ích của quốc gia.
Bà Andrea Prince – Cố vấn trưởng Dự án Quan hệ lao động mới (ILO) cho biết: “Trong quá trình ký các Hiệp định thương mại, Chính phủ Việt Nam đã đặt quyền lợi của người lao động vào các điều khoản của Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhằm thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, tối thiểu. Tạo ra sự rõ ràng hơn về cơ chế thực thi cho người sử dụng lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường châu Âu. Cải thiện năng suất lao động, thu nhập, cũng như bảo đảm quyền lợi hơn cho người lao động”.