Khuyến khích trẻ bày tỏ nguyện vọng

GD&TĐ - Em nhỏ nào cũng có ước vọng riêng, có thể lớn hay nhỏ, liên quan đến vật chất hay phi vật chất. 

Khuyến khích trẻ bày tỏ nguyện vọng

Nhiều phụ huynh luôn mong muốn và thậm chí “nhồi” vào tư tưởng con những ước mong to tát – nhưng điều này có khi lại phản tác dụng khiến trẻ phải sống trong “cái áo khoác” quá rộng. 

Tạo cơ hội khuyến khích trẻ bày tỏ mong muốn giúp cha mẹ hiểu được con cái cần gì để có thể đồng hành cùng con…

Cho trẻ cơ hội được giãi bày

Tôi có cô bạn thân đang sống và làm việc tại Nhật. Trong những cuộc “chat” trao đổi với nhau về sự nghiệp “làm mẹ”, cô thường chia sẻ những điều mình tâm đắc.

Cô nói về cách trường học Nhật khuyến khích trẻ em nói lên mong muốn của mình. Trong một buổi dự giờ cuối năm lớp 3 tiểu học của con, cô cùng các phụ huynh được nghe các con mình nói lên tâm tư nguyện vọng “rất trẻ con” và chân thật.

Mỗi con lên trước lớp phát biểu một đoạn ngắn chừng 2 - 3 phút, chủ đề “bạn đã cố gắng làm được điều gì trong năm lớp 3”. Có cậu bé kể mình không tài nào nhớ được bài học, học gì ở trường hôm đó về nhà quên luôn, con đã vật lộn thế nào để nhớ.

Con thì nói lên lớp 3 đổi lớp, bạn cũ sang hết lớp khác, con đã lo lắng thế nào và làm thế nào để quen thân được nhiều bạn mới. Một bé trai kể mình đã cố gắng dậy sớm để đến kịp giờ bóng đá ngoại khóa vào sáng sớm và cố gắng luyện tập thế nào để ghi được bàn thắng.

Cảm động nhất là một cô bé kể về ông ngoại bị ốm, cả nhà đã hết lòng ở bên chăm sóc ông và đã cố nén nỗi buồn khi ông lên thiên đường ra sao. Ông đã cười khi ra đi, hẳn là khi sống ông đã rất vui…

Mỗi bài phát biểu một vẻ, về bất cứ điều gì con quan tâm, muốn nói, không có giới hạn. Rất giản dị, không tô màu cũng chẳng lên gân. Trẻ hồn nhiên kể về những nỗi niềm của mình, về những điều mình tự hào về bản thân theo một cách mộc mạc mà vô cùng đáng yêu. Có sự hồn nhiên, có những niềm vui, có cả nỗi buồn và cả sự khôn ngoan của trẻ nhỏ.

Quan trọng nhất, đó là những tâm tư thật lòng của trẻ mà bố mẹ cần nghe, hiểu và thông cảm cho con, hơn là phán xét hay phủ nhận, hoặc yêu cầu “con phải thế này con phải thế kia”… Câu chuyện của người bạn khiến tôi tự kiểm điểm lại cách nuôi dạy con của mình và nhìn ra xung quanh…

Vai trò quan trọng của cha mẹ

Trong một diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói”, tôi đã nghe được rất nhiều mong ước tưởng như là đơn giản và rất bình dị của trẻ em. Nhưng nhìn vào thực tế mới thấy rằng để giúp các em đạt được những mong ước chính đáng đó không hề dễ chút nào.

Nguyễn Mi Anh – HS lớp 8 Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) - than thở rằng bố mẹ ép em học thêm quá nhiều. “Ngoài giờ học ở trường, hầu như tối nào em cũng phải học thêm. Mục tiêu của bố mẹ là em phải vào được Trường Am hoặc Chuyên Ngữ.

Ngay cả những ngày lễ tết em cũng chẳng thấy vui vẻ gì vì vẫn có một đống bài tập chờ đợi. Nhiều khi em đau đầu muốn nổ tung. Đến lớp thì hay buồn ngủ. Em chỉ muốn được nghỉ học cho đỡ khổ…”.

“Lúc nào bố mẹ em cũng nhắc nhở em rằng ngày trước bố mẹ cực khổ chứ đâu được sung sướng như các con bây giờ. Muốn cái gì cũng có mà chỉ mỗi việc học còn không xong. Nếu bố mẹ quan tâm thì đừng so sánh, yêu cầu là phải học giỏi như con chú Thành, phải giành giải võ thuật như con cô Hạnh…

Giả sử em cũng đòi là bố mẹ phải giống bố mẹ bạn Hà Trang, bạn Hùng Sơn… ở lớp em thì bố mẹ có làm được không?” - Em Hoài Phong - HS lớp 9 Trường Nguyễn Bá Ngọc (Hải Phòng) - bày tỏ nỗi niềm.

Trên thực tế, rất nhiều đứa trẻ mong muốn bố mẹ dành thời gian cho mình dưới nhiều hình thức sinh hoạt... Khao khát đó là cháy bỏng, xuất phát từ những điều các em thiếu thốn hàng ngày. Cũng có những mong ước vượt quá khả năng, điều kiện của cha mẹ hoặc năng lực của trẻ khi có em bày tỏ muốn có điện thoại đắt tiền, laptop, muốn có phòng riêng.

Theo Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Bố mẹ không nên ngay lập tức phủ nhận, hoặc thẳng thừng từ chối mong muốn của con. Ghi nhận những điều con nói, phụ huynh nên giải thích, phân tích, định hướng để giúp con tự điều chỉnh ước mơ cho phù hợp, đồng thời khuyến khích con biết cách nuôi dưỡng và hành động để đạt được ước mơ của chúng. Và ngay chính bố mẹ cũng cần nghiêm túc nhìn nhận và thay đổi, điều chỉnh lại thái độ, hành vi và lối sống của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.