Không nên cổ vũ bằng… rác

GD&TĐ - SEA Games đang diễn ra trên đất nước ta với những cuộc tranh tài khá gay cấn và quyết liệt, đặc biệt là môn bóng đá, cả nam lẫn nữ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tình hình dịch Covid-19 dù đã được Việt Nam kiểm soát tốt, song trên thực tế thì hiện tại dịch vẫn còn nên cổ động viên các nước theo chân đội bóng của mình để “tiếp lửa” như những kỳ SEA Games khác còn rất hạn chế.

Hầu hết trên các sân bóng, nơi có các đội bóng Việt Nam đang thi đấu, cổ động viên đội nhà chiếm áp đảo. Đây cũng là nguồn động viên to lớn cho các tuyển thủ, được ví như cầu thủ thứ 12 trên sân.

Việc cổ vũ cho đội nhà thi đấu ở các giải đấu quốc tế là chuyện bình thường của các đội bóng. Việt Nam cũng không là trường hợp ngoại lệ. Có những nhóm cổ động viên, thậm chí có những cá nhân, luôn luôn có mặt cùng đội bóng “trên từng cây số” để động viên, cổ vũ bằng nhiều hình thức khác nhau.

Hình ảnh dễ nhận thấy nhất của các cổ động viên là mang theo cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ để phất liên hồi kỳ trận suốt 90 phút thi đấu. Có nhóm cổ động viên mang theo cả trống và kèn để “hát” những bài hát quen thuộc mà người Việt Nam ai cũng thuộc nằm lòng.

Không khí trên các sân cỏ, nơi có đội tuyển Việt Nam thi đấu, luôn luôn được hâm nóng nhờ vào sự cuồng nhiệt của số cổ động viên này. Chỗ dựa tinh thần ấy luôn tiếp sức cho các cầu thủ. Đây là điều mà bất cứ một đội tuyển quốc gia nào cũng mong ước khi ra sân thi đấu.

Cổ vũ bằng việc la hét, thét gào, khua chiêng gõ trống làm át đi mọi âm thanh trên sân cỏ là điều mà ai cũng thích thú. Vì nó kích hoạt sự phấn khích đến tột cùng, cả người trên sân cỏ lẫn người trên khán đài lẫn người… xem tivi.

Nhưng sự phấn khích đến mức cuồng nhiệt của các cổ động viên dành cho đội bóng của mình cũng cần phải có giới hạn của nó. Yêu đội bóng của mình không có nghĩa là “thù ghét” cổ động viên đội bạn để rồi ném chai lọ, thậm chí thượng cẳng tay hạ cẳng chân với nhau dẫn đến đổ máu trên các khán đài.

Các trò ăn mừng quá khích như đốt pháo sáng ném xuống sân, ném vật cứng vào nhau gây thương tích cho cầu thủ, thậm chí cả trọng tài, đã từng xảy ra trên các sân cỏ và đã bị khởi tố.

Cơ quan chức năng đã xử lý triệt để hiện tượng hooligan trên các sân cỏ đã góp phần làm trong sạch bầu không khí bóng đá nước nhà thời gian qua. Tuy nhiên, một thứ rác khác lại xuất hiện khi đội tuyển quốc gia thi đấu. Chuyện vừa mới xảy ra trên sân vận động Việt Trì tỉnh Phú Thọ.

Trận bóng đá nam giữa Việt Nam và Philippine tối mùng 8/5 đã để lại những “đống rác” đáng tiếc. Hàng ngàn cuộn giấy vệ sinh đã được các cổ động viên mang vào sân để cổ vũ cho đội nhà bằng việc tung lên trời tạo ra những “dải lụa” trông thật vui mắt.

Thế nhưng, trận mưa hôm đó đã khiến cho số giấy vệ sinh kia mủn ra, bết vào ghế ngồi, vương vãi trên sân, gây khó khăn cho ban tổ chức vì phải huy động lực lượng lớn, dọn 5 giờ đồng hồ mới xong. Đó là chưa kể hàng ngàn chiếc áo mưa tiện lợi cũng bị vất lại ngổn ngang trên sân hôm đó.

Cổ vũ đội nhà là tốt, nhưng cổ vũ bằng các thứ rác như thế, quả là rất phiền cho ban tổ chức. Rất may là các loại rác ấy không còn xuất hiện trong những trận đấu tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.