Báo cáo được công bố dựa trên việc phân tích kết quả của cuộc khảo sát hơn 1.600 câu trả lời từ ứng viên là sinh viên mới ra trường trong cơ sở dữ liệu của VietnamWorks.
Báo cáo cũng cho thấy: Kiến thức được đào tạo vẫn có khoảng cách với thực tế làm việc. Với 61% ý kiến cho biết, kiến thức được trường đào tạo và thực tế làm việc là khác biệt hoàn toàn. Trong đó 32% ứng viên cho rằng phải tự mình tìm hiểu thêm và 29% được công ty đào tạo lại khi đi làm.
39% ứng viên đồng tình rằng, kiến thức đào tạo không có khác biệt nhiều và có thể áp dụng được.
Đặc biệt, việc không có định hướng nghề nghiệp cụ thể là rào cản lớn nhất của ứng viên trẻ khi tìm kiếm việc làm. Bảng khảo sát đưa ra cho thấy 38% ý kiến cho biết họ không có định hướng nghề nghiệp cụ thể nên cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm việc làm.
Ngoài ra, ứng viên trẻ cũng gặp rào cản vì “chưa biết cách tìm việc hiệu quả” và “chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng” đều chiếm 35% ý kiến. Với bộ phận không nhỏ sinh viên cảm thấy thiếu định hướng nghề nghiệp, 67% ý kiến cho rằng nhà trường cần tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp thực tế, bên cạnh việc nhà trường cần giới thiệu việc làm cho sinh viên thông qua liên kết với doanh nghiệp với 66% ý kiến đồng tình.
Bên cạnh tiêu chí hàng đầu về “mức thu nhập và đãi ngộ” với 70% ý kiến lựa chọn, 55% ứng viên cũng quan tâm đến “công việc có phù hợp với năng lực hay không”.
Cùng với đó, tương đồng với những lý do khiến họ quyết định thay đổi công việc, ứng viên trẻ thể hiện sự quan tâm đến “cơ hội thăng tiến, phát triển sự nghiệp” và “cơ hội học hỏi” mà công việc sẽ đem lại, với cả hai tiêu chí đều chiếm trên 50% lượng đồng tình.
Kết quả khảo sát cho thấy, nhân lực trẻ đánh giá cao về “cơ hội học hỏi, tích lũy kinh nghiệm” với điểm trung bình là 3.41 trên thang điểm 5.
Ngược lại, đa số ứng viên lại thể hiện sự không hài lòng với 2 yếu tố là “mức lương” với điểm trung bình 2.95 và “cơ hội phát triển lâu dài” với điểm trung bình là 2.88. Đây cũng chính là hai lý do phổ biến khiến ứng viên thay đổi công việc với 54% ý kiến cho “mức lương thưởng, đãi ngộ thấp” và 47% cho “không có cơ hội thăng tiến”.
Đáng chú ý, “không phù hợp với văn hóa công ty” cũng nằm trong top những lý do ứng viên nghỉ việc với 24% ý kiến.
Ứng viên trẻ không đồng ý với quan điểm “nhảy việc để tăng thu nhập”. Ngoài 81% ý kiến đồng ý “nhảy việc để tránh lãng phí thời gian cho công việc không phù hợp”, 57% ứng viên cho rằng “nhảy việc là cơ hội tiếp xúc nhiều môi trường làm việc”.
Bên cạnh đó, có 56% ứng viên cho rằng tình trạng “nhảy việc” gây ra sự thiếu cam kết với tổ chức. Đáng chú ý, tuy hầu hết ứng viên đều thể hiện sự quan tâm đến mức lương thưởng, đãi ngộ theo những kết quả phân tích ở trên nhưng có tới 57% ý kiến không đồng ý với quan điểm “nhảy việc để tăng thu nhập”.
Ông Gaku Echizenya, CEO Navigos Group Việt Nam, chia sẻ: “Để phát triển nhóm nhân lực trẻ thành lực lượng lao động nòng cốt trong tương lai lâu dài, các doanh nghiệp cần chú trọng chiến lược tăng cường “Trải nghiệm nhân viên” (Employee Journey), từ khâu tiền tuyển dụng, tuyển dụng, gia nhập công ty và thời gian thử việc.
Nhân sự trẻ rất cần được quan tâm về đào tạo và xây dựng lộ trình nghề nghiệp. Trong thời gian trải nghiệm nhân viên này, các yếu tố liên quan đến thương hiệu, chế độ phúc lợi, người quản lý trực tiếp, lộ trình đào tạo, lộ trình công việc… thực sự quan trọng đến sự gắn bó với doanh nghiệp của nhân sự trẻ. Do vậy, chúng tôi đề xuất các doanh nghiệp rất nên quan tâm đến giai đoạn “bản lề” này”.