Hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên: Nhận thức còn hạn chế

GD&TĐ - Giáo dục và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên vẫn còn nhiều vấn đề cần được các bậc phụ huynh, cơ sở đào tạo và xã hội quan tâm. 

Tổ chức cho học sinh tham quan, tiếp cận công nghệ mới là một giải pháp hướng nghiệp hiệu quả
Tổ chức cho học sinh tham quan, tiếp cận công nghệ mới là một giải pháp hướng nghiệp hiệu quả

Theo các chuyên gia, để tư vấn hướng nghiệp hiệu quả, công tác này cần phải được chuẩn bị từ sớm và chu đáo; Xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cho học sinh; Tổ chức tốt công tác thông tin nghề nghiệp, cập nhật thông tin thị trường lao động…

Thiếu hiểu biết về năng lực và nghề nghiệp

TS Đào Công Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội cho biết: Khảo sát mới đây về nhận thức tầm quan trọng của nghề nghiệp, công việc đối với mỗi người trong xã hội và giá trị hoạt động nghề nghiệp của học sinh sau tốt nghiệp THPT cho thấy, gần 96% suy nghĩ về ngành nghề sẽ học sau khi tốt nghiệp THPT;

Hơn 88% có những quyết định về các ngành nghề hoặc trường đại học sau này sẽ dự thi; hơn 36% tin tưởng rằng ngành nghề mà các em đã chọn học là hoàn toàn phù hợp.

Có tới 53% băn khoăn không biết ngành nghề đã chọn có phù hợp hay không, sau này có xin được việc làm đúng nghề đã học không…

“Nhìn chung, tư duy hướng nghiệp ở học sinh đã hình thành rõ nét, song định hướng lựa chọn ngành học sau tốt nghiệp THPT còn mang tính tự phát là chủ yếu, do thiếu sự hướng dẫn của hoạt động tư vấn hướng nghiệp chuyên nghiệp” - TS Đào Công Hải nhật xét. 

Như vậy, khá nhiều học sinh còn thiếu hiểu biết về phẩm chất và năng lực của bản thân, hoặc thiếu hiểu biết về các ngành nghề mà các em đã lựa chọn, điều này dẫn đến sự băn khoăn, chưa biết định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Phân tích lý do chọn ngành nghề, có 2/3 số học sinh chú ý đến sự phù hợp năng lực cá nhân và sự hứng thú, say mê nghề. Chỉ có 1/3 chú ý đến nhu cầu nghề nghiệp của xã hội, đây là một nhận thức sai lệch dẫn đến sự lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp với thị trường lao động.

Về giải pháp cho hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông, TS Đào Công Hải cho rằng, trước tiên cần giúp học sinh thấu hiểu bản thân để lập kế hoạch nghề nghiệp đúng đắn.

Tìm hiểu về nghề, chọn ngành học phù hợp cần phải dựa vào các yếu tố: Sở thích, năng lực, hoàn cảnh gia đình, nhu cầu xã hội. Một cách nữa có thể sử dụng là chọn ngành học bằng sinh trắc vân tay. Nhận thức về cơ hội của bản thân, đánh giá sự phát triển của nền kinh tế tạo ra việc làm cho nghề nghiệp như thế nào; những xu hướng mà cá nhân thấy được trong ngành học của mình…

Xác định kỹ năng tương lai

Xu thế hội nhập đang tác động mạnh mẽ đến lao động - việc làm trong hiện tại và tương lai. Các chuyên gia cho rằng, việc cập nhật thông tin thị trường lao động và xác định những yêu cầu kỹ năng công việc trong tương lai là một giải pháp hiệu quả trong tư vấn hướng nghiệp. Cung cấp những thông tin này cho các bậc phụ huynh và các em học sinh sẽ giúp ích cho sự lựa chọn các ngành nghề sau THPT trở nên rõ ràng và chính xác hơn.

TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Đặc điểm của công việc trong tương lai sẽ là trí tuệ nhân tạo và máy móc điện tử; Kết nối quốc tế; Tính đa ngành, liên ngành; Trách nhiệm xã hội; Giao tiếp đa phương tiện và Phát triển bền vững.

Với những đặc điểm này, việc làm trong tương lai sẽ yêu cầu những kỹ năng mới, trong các ngành công nghiệp đang nổi lên những kỹ năng làm việc với các hệ thống tự động và robot, nắm được các thuật toán để xử lý số lớn (big data), cơ điện tử, IT và kỹ năng giao tiếp.

Theo đó, những kỹ năng cần học là: Kiến thức tạo ra công nghệ bao gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), các kỹ năng cho công nghệ như: Tư duy nhận thức bậc cao, cảm xúc xã hội, tương tác với công nghe…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ