Chương trình môn Khoa học tự nhiên được xây dựng dựa trên quan điểm dạy học tích hợp; phát triển trên nền tảng các khoa học vật lý, hóa học, sinh học, khoa học Trái đất. Môn Lịch sử và Địa lý gồm các nội dung giáo dục lịch sử, địa lý và một số chủ đề liên môn, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hóa, khoa học, tôn giáo... Một trong những khó khăn lớn nhất khi tổ chức dạy học hai môn này, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên, chính là vấn đề đội ngũ, vì hiện phần lớn giáo viên (GV) đều được đào tạo đơn môn.
Khắc phục khó khăn này, tháng 3/2021 Bộ GD&ĐT có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.
Trong đó, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn thực hiện các công việc: Rà soát, sắp xếp đội ngũ phù hợp với thực tế địa phương trên tinh thần bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu môn học; đặt hàng đào tạo để có nguồn tuyển dụng GV cho những môn học mới; bồi dưỡng GV dạy môn tích hợp; bố trí biên chế, hợp đồng lao động phù hợp từng năm theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 không bị động về số lượng và theo cơ cấu môn học, nhất là GV cho môn học mới.
Ngoài tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS, Bộ GD&ĐT đã ban hành các chương trình bồi dưỡng. Trong đó có Chương trình bồi dưỡng GV Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học; Chương trình bồi dưỡng GV THCS dạy môn Khoa học tự nhiên; Chương trình bồi dưỡng GV THCS dạy môn Lịch sử và Địa lý.
Triển khai nội dung này, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch; phối hợp với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để cử GV tham gia tập huấn nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới theo lộ trình phù hợp với thực tế địa phương. Tiến tới mỗi GV có thể đảm nhiệm dạy học toàn bộ môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý theo Chương trình GDPT 2018.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương còn gặp khó khăn. Nguồn ngân sách Nhà nước bố trí hằng năm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức của địa phương còn hạn chế. Có nơi, do số lượng GV đăng ký bồi dưỡng chưa đủ để mở lớp nên phải gộp với chỉ tiêu của năm 2022 hoặc đợi cơ sở đào tạo liên kết với nơi khác. Các cơ sở giáo dục, môn còn thiếu GV, đặc biệt ở trường có quy mô nhỏ, nhiều điểm lẻ, việc cử GV đi bồi dưỡng còn khó khăn. Cũng còn cơ sở giáo dục lúng túng trong bố trí GV thực hiện dạy tích hợp liên môn, môn học mới…
Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm chất lượng và số lượng; bổ sung kịp thời kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học mới để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông là nhiệm vụ quan trọng mà toàn ngành Giáo dục phải tập trung cao độ để thực hiện. Trong đó không thể thiếu tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng. Các địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho đội ngũ nhà giáo được tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Trên cơ sở kế hoạch của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, sở GD&ĐT cần tham mưu ban hành các kế hoạch, dự toán kinh phí cho bồi dưỡng liên môn kịp thời, đúng tiến độ; công tác chỉ đạo, điều hành phải quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên. Tăng cường phối hợp giữa địa phương với cơ sở đào tạo GV để triển khai bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ dạy môn học mới, trong đó có môn tích hợp...
Các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với tình hình thực tế GV hiện có. Có phương án bố trí GV dạy môn học hợp lý, bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường và theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018.