Và tùy tình trạng nặng nhẹ sẽ chỉ định biện pháp điều trị, trong đó có đơn thuốc.
Đây là điều bình thường, chỉ có điều, rất nhiều bệnh nhân, thậm chí cả nhà thuốc cũng phải bó tay hoặc “đoán mò” tên các loại thuốc bởi lý do không thể đọc được vì chữ quá xấu, hoặc không rõ ràng.
Tình trạng này đã tồn tại từ lâu, đến mức một vài tờ báo đã từng có cả tuyến bài phản ánh. Vậy nên “luận giải” điều này như thế nào?
Hiện có hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Luồng thứ nhất cho rằng nguyên nhân là do đặc thù công việc, không phải cố ý.
Đó là khi còn học, sinh viên phải ghi chép rất nhanh để kịp lời giảng. Tiếp đó khi thực tập lâm sàng tại các bệnh viện, bác sĩ điều trị cũng nói rất nhanh, ở mọi thời điểm, kể cả lúc đi, lúc đứng nên nếu không viết ngoáy, viết tắt, không dùng các ký hiệu, ký tự của riêng mình sẽ không ghi được gì.
Đến khi đi làm, thời gian để khám cho mỗi bệnh nhân không nhiều, nhất là ở bệnh viện lớn, số lượng bệnh nhân khám nhiều trong khi số lượng bác sĩ không đủ để đáp ứng, phải làm việc thêm giờ, cường độ cao nên không viết nhanh sẽ không kịp thời gian.
Đặc biệt ở một số chuyên ngành, đơn thuốc về cơ bản không khác nhau nhiều nên có bác sĩ viết theo thói quen, theo quán tính. Lý do nữa là tên các loại thuốc dài và khó nhớ nên bác sĩ vừa phải nhớ, vừa ghi chép để tiếp tục thăm khám cho bệnh nhân tiếp theo - dẫn đến chữ viết ngày càng xấu hơn.
Luồng ý kiến thứ hai thì cho rằng, có những bác sĩ cố tình viết chữ xấu để người khác không đọc được nhằm trục lợi. Cụ thể, các đơn thuốc vẫn được kê đầy đủ nhưng bệnh nhân rất khó mua vì ngay cả các dược sĩ ở nhà thuốc không thể đọc được tên thuốc. Khi đó, để mua được thuốc, bắt buộc phải quay lại bác sĩ đó và chấp nhận mua ở một nhà thuốc mà bác sĩ “gợi ý”.
Như vậy, việc chữ viết trên các đơn thuốc hoặc bệnh án quá xấu, về lý thuyết có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cũng chưa có cuộc khảo sát hay điều tra nào của các cơ quan chức năng về tình trạng này.
Mức độ ảnh hưởng của việc này đến chất lượng khám, chữa bệnh cũng chưa có thống kê cụ thể. Thế nhưng dù nhìn nhận dưới góc độ nào thì việc bệnh nhân hay dược sĩ không thể đọc được bệnh án, được đơn thuốc cũng là điều không nên.
Để chấn chỉnh tình trạng này, hồi tháng 7/2022, Bộ Y tế đã có Thông tư 04/2022 sửa đổi, bổ sung Thông tư 27/2021 và một số thông tư khác trong đó quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử.
Thay thế các mẫu đơn thuốc quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 52/2017/TT-BYT và Mẫu đơn thuốc ban hành kèm theo Thông tư số 18/2018/TT-BYT bằng mẫu đơn thuốc quy định tại các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Về lộ trình thực hiện, Thông tư quy định các bệnh viện từ hạng 3 trở lên hoàn thành trước ngày 31/12/2022. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoàn thành trước ngày 30/6/2023. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 2, Điều 6 Thông tư số 27/2021/TT-BYT đang sử dụng đơn thuốc bằng bản giấy theo mẫu đơn thuốc quy định tại Thông tư số 52/2017/TT-BYT và Thông tư số 18/2018/TT-BYT được tiếp tục sử dụng bản giấy đã in theo lộ trình quy định tại khoản 3, Điều 1 Thông tư này.
Thực tế, ngoài các quy định này, điểm a, khoản 1, Điều 41 Nghị định 117 của Chính phủ cũng đã có chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, nếu không ghi đầy đủ, rõ ràng vào đơn thuốc hoặc bệnh án các thông tin về tên thuốc, số lượng, hàm lượng, liều dùng, đường dùng và thời gian dùng sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng.
Như vậy, chế tài đã có. Vấn đề còn lại là tổ chức và giám sát việc thực hiện như thế nào chứ không nên chỉ ban hành cho có.