Qua đó, 11 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng bị Công an huyện Bảo Lâm khởi tố, bắt tạm giam đều "dưới trướng" của Hà “đen”. Trong suốt 2 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Hà “đen”, 11 đối tượng này thường xuyên vào rừng khai thác gỗ trái phép. Theo kết quả điều tra sơ bộ, nhóm lâm tặc này đã dùng cưa, thuyền vỏ sắt để khai thác gỗ trái phép trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 5 và các cánh rừng nguyên sinh giáp ranh lòng hồ. Sau đó, các đối tượng cùng nhau xẻ thành gỗ hộp rồi vận chuyển về bến thuyền và dùng các phương tiện đưa đi nhiều nơi tiêu thụ.
Trước đó, vào ngày 12-7, Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 3 đối tượng chính vụ phá rừng này về tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng”, gồm: Lê Hồng Hà (48 tuổi, tức Hà “đen”, quê quán huyện Diễn Châu, Nghệ An, hiện ngụ thôn 9, xã Đạm Bri, TP Bảo Lộc); Nguyễn Văn Tuấn (40 tuổi, quê TP Hà Nội, là chủ ô tô tải chuyên vận chuyển gỗ trái phép cho Hà “đen”) và Nguyễn Văn Thành (49 tuổi, quê tỉnh Bình Dương, lái xe tải, hiện ngụ huyện Đăk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông). Trong đó, Hà “đen” là đối tượng cầm đầu của vụ án phá rừng này suốt hơn 2 năm qua. Hiện, Hà “đen” đang bị truy nã trên toàn quốc.
Những cây gỗ dổi to lớn bị lâm tặc đốn hạ tại tiểu khu 390, Lộc Bắc, Lâm Đồng.
Ngày 14-7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo về vụ khai thác rừng trái phép nói trên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo. Báo cáo nêu rõ, sau khi bắt giữ các đối tượng, lực lượng Bộ Công an và cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra hiện trường và phát hiện 37 cây gỗ dổi bị cưa hạ trái phép, với tổng khối lượng 111 m 3 gỗ tròn; đồng thời, bắt giữ 21,9m 3 gỗ xẻ trên xe ô tô.
Những thân gỗ dổi thuộc nhóm 2 nằm la liệt tại tiểu khu 390, Lộc Bắc.
Liên quan đến vụ án phá rừng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã chỉ đạo dừng ngay Dự án khai thác, tận thu lâm sản rừng nghèo để triển khai trồng rừng kinh tế, trồng cao su của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm). Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và các địa phương lân cận. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 10 cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ tại các địa phương nói trên được cơ quan chức năng kiểm tra.
Hiện, UBND tỉnh Lâm Đồng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ đối tượng vi phạm và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng lập biên bản, lấy lời khai các đối tượng lâm tặc để điều tra làm rõ.