Mục tiêu của dự án nhằm mang đến không gian trải nghiệm về chính bản thân các em học sinh từ 13 – 15 tuổi. Đây là mô hình trại hè được thiết kế để xây dựng tư duy của một công dân cầu tiến, tự tin, đồng thời cung cấp những kỹ năng an toàn cần thiết cho tuổi dậy thì.
Mô hình giáo dục bình đẳng giới
Theo khảo sát của dự án, thì có hơn 90% các em học sinh THCS thừa nhận đã từng chứng kiến sự bất bình đẳng giới ở nhà và ở trường học. Điều này cho thấy, sự phát triển của các em đang bị giới hạn ngay chính hai môi trường gần gũi nhất với các em.
Chính vì vậy, VOGE đã phát triển mô hình giáo dục bình đẳng giới, đây là một mô hình trại hè dài 4 ngày, với các nội dung hoạt động tương tác, vui chơi, học tập mang tính giáo dục cao, nhằm giúp các em bổ sung kiến thức cần thiết về giới và học tập bình đẳng giới.
Nâng cao những kỹ năng như: Tranh biện, tự vệ... quan trọng nhất là giúp các em có thể áp dụng những kiến thức được học vào trong cuộc sống hàng ngày.
Hiện nay, có rất nhiều các chương trình trại hè, tuy nhiên Teen Up tin tưởng vào những sự khác biệt so với các chương trình khác, cụ thể: Teen Up quan niệm tôn trọng chính là một kỹ năng mềm và là một kỹ năng cần thiết. Tôn trọng được hiểu là sự tôn trọng gia đình, bản thân, bạn bè, và những người xung quanh.
Đến với Teen Up, các em học sinh sẽ được tham gia những hoạt động đề cao sự tôn trọng như tranh biện, làm việc nhóm...; Teen Up áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến được nghiên cứu, tiếp thu học hỏi từ các mô hình trại hè của nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhóm cũng kết hợp trao đổi cùng các chuyên gia trong nước, để thiết kế chương trình phù hợp với nhóm đối tượng cụ thể tại Việt Nam; Không chỉ học sinh mà ngay cả phụ huynh cũng có thể tham dự, thông qua những hoạt động tương tác trong chương trình, bố mẹ và con có thể hiểu và gần gũi nhau hơn.
Lợi nhuận là sự ảnh hưởng xã hội
Nguyễn Hạnh Nguyên, thành viên của VOGE cho biết: “Đối tượng khách hàng của Teen Up được chia thành hai nhóm, gồm các em học sinh THCS và phụ huynh học sinh. Qua thực tế và khảo sát, các em học sinh lứa tuổi này có rất nhiều băn khoăn, thắc mắc về vấn đề tâm sinh lý, mà không biết hỏi ai, hoặc có những chia sẻ thầm kín muốn nói với bố mẹ nhưng không thể diễn đạt được.
Về phía các phụ huynh cũng rất muốn tâm sự với con, nhưng cũng không biết nên làm thế nào để mở lòng... Dự án Teen Up sẽ giải quyết vấn đề này, khi có thể đáp ứng được nhu cầu chia sẻ của cả hai nhóm đối tượng”.
Teen Up tiếp cận các nhóm đối tượng khách hàng thông qua online và offline. Mới đây, Teen Up đã tổ chức 3 trại hè ở 3 trường THCS trên địa bàn Hà Nội. Online truyền thông qua những phương tiện trên mạng xã hội như facebook với hơn 46.000 lượt theo dõi... Hiện nay, Teen Up đã có một số lượng hơn 300 khách hàng tiềm năng. Chi phí trung bình của một trại hè cho 25 người khoảng 35 triệu đồng, doanh thu từ một trại hè ước khoảng từ 45 triệu đồng, tỷ lệ lợi nhuận trên 21%...
Trưởng nhóm VOGE Nguyễn Thị Tuyết Nhi, chia sẻ: Thành công của Teen Up không chỉ được đo đếm bằng lợi nhuận mà còn là sự ảnh hưởng xã hội dựa trên mức độ hiểu biết về bình đẳng giới của cả phụ huynh và học sinh sau khi trại hè kết thúc.
Phát triển từ một tổ chức phi lợi nhuận trở thành doanh nghiệp xã hội, trong tương lai gần, Teen Up hướng tới mục tiêu trở thành một kênh cung cấp các giải pháp giáo dục bình đẳng giới cho cả trường học và cá nhân. Mở rộng sáng tạo các sản phẩm truyền thông tạo sự lan tỏa lớn hơn về bình đẳng giới.
Ở góc độ là người mẹ, bà Vân Anh - Giám đốc chương trình Giáo dục và Xã hội Hội đồng Anh tại Việt Nam cho rằng: Tiếp cận khách hàng thông qua trường là cách làm hợp lý. Đây là một mô hình tốt, nhưng là các hoạt động ngoại khóa, vì vậy phải gắn bó với nhà trường để phát triển tối đa sự sáng tạo của dự án.