Khoe đúng cách

GD&TĐ - Con của người bạn tôi là một học sinh giỏi, chăm chỉ và luôn đứng tốp 3 của lớp suốt nhiều năm học. Năm lớp 9, cháu đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quận.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dù ít sử dụng mạng xã hội, nhưng vì vui mừng nên bạn tôi đã thông báo tin vui này trên trang cá nhân, chia sẻ cùng người thân, bạn bè. Mỗi phản hồi tán dương, chúc mừng, chị đều khoe con và cháu rất vui. Mọi chuyện sẽ thật tốt đẹp nếu như vòng thi thành phố cháu không giành được giải nào. Chị bạn tôi cũng không ngờ đó lại là một cú sốc, khiến cháu chán nản, học hành giảm sút và không đỗ được nguyện vọng 1 trong kỳ thi vào lớp 10.

Sau này, khi bình tâm trở lại, cháu mới tâm sự, chính những lời tán thưởng, niềm vui sướng, tự hào quá mức của gia đình, người thân khi đó khiến cháu tự tạo áp lực phải tiếp tục đạt giải cao; để rồi khi không được thì thất vọng, tự ti, mất hẳn động lực học tập. Vượt qua được cảm giác này không hề dễ dàng, cũng không thể một sớm, một chiều.

Chuyện khoe giấy khen, thành tích của con sau mỗi kỳ tổng kết năm học đã rất quen thuộc. Muốn khoe những điều tốt, niềm vui cũng là tâm lý hết sức bình thường của con người. Tuy nhiên, chuyện tưởng chừng vô cùng đơn giản, đời thường này đôi khi để lại hậu quả thật đáng tiếc nếu sử dụng không phù hợp. Có một chuyên gia đã ví von rất hay khi liên hệ hành động khoe thành tích của con với việc sử dụng thuốc kháng sinh, từ đó khuyên không thể dùng tùy tiện, nếu “quá liều” chắc chắn sẽ đem đến tác dụng xấu.

Quả là như vậy, ghi nhận thành tích, nỗ lực của con cái là cần thiết; nhưng việc khoe thành tích quá đà sẽ là con dao hai lưỡi, tạo ra tâm lý tự mãn, đồng thời là áp lực với cả cha mẹ và con cái. Áp lực không được thất bại, không thể thụt lùi vô cùng khủng khiếp, đặc biệt lứa tuổi thiếu niên vốn rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra vì áp lực học hành. Chưa kể, đôi lúc việc khoe thành tích còn châm ngòi cho những rạn nứt trong mối quan hệ bạn bè. Con có thể bị bạn xa lánh bởi dị ứng với việc khoe khoang quá đà; hoặc một số bạn kém hơn lại nảy sinh khoảng cách vì không tự tin…

Một thông tin quan trọng nhưng ít người biết, để ý, đó là những quy định liên quan đến trẻ em trong Luật Trẻ em năm 2016. Tại Điều 6 của Luật quy định 15 hành vi nghiêm cấm; trong đó có nghiêm cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Điều 100 của Luật quy định một trong những trách nhiệm của cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình là “bảo đảm để trẻ em thực hiện được quyền bí mật đời sống riêng tư của mình, trừ trường hợp cần thiết để bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”. Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em ghi nhận “kết quả học tập” là một trong những thông tin được cho là bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.

Vậy khoe thế nào là đủ? Trả lời câu này thật khó và không có một mẫu số chung cho mọi người. Bên cạnh thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, chúng ta chỉ có thể tìm ra đáp án từ chính con của mình, bằng việc tôn trọng mong muốn và suy nghĩ của trẻ, đặt lợi ích của con lên hàng đầu. Trước khi khoe thành tích, hãy tìm hiểu xem con có muốn điều đó hay không? Việc này liệu sẽ đem đến những tác động tiêu cực như thế nào? Những cân nhắc ấy chắc chắn sẽ giúp những ông bố, bà mẹ tiết chế niềm vui, sự phấn khích để biết khoe thế nào cho khéo léo, vừa đủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ