Hiểm họa khó lường
Tháng 12/2020 MXH lan truyền thông tin về văn bản của Công an phường Lái Thiêu (TP Thuận An - Bình Dương) về việc truy tìm một bé gái bị bắt cóc trên địa bàn. Nội dung văn bản có đầy đủ họ tên, năm sinh, ảnh chân dung của cháu bé. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sau đó khẳng định thông tin trên là giả, bé gái không bị bắt cóc giống như thông tin lan truyền.
Chị H. (mẹ cháu bé) cho biết: Kẻ xấu lấy hình ảnh con gái của chị trên trang Facebook cá nhân, rồi điền thêm nhiều thông tin không đúng như tên tuổi, số điện thoại… để bịa đặt về vụ bắt cóc.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chị H. đã trình báo cơ quan công an, đồng thời xóa tất cả hình ảnh liên quan đến con gái trên Facebook.
Không chỉ ở Việt Nam, tình trạng kẻ xấu lợi dụng thông tin, hình ảnh con được cha mẹ đăng trên mạng diễn ra ở nhiều nước. Câu chuyện về gia đình anh Ihsan (Malaysia) được báo chí đăng tháng 1/2020 là lời cảnh tỉnh cho bậc cha mẹ thích khoe con. Theo đó, dựa trên thông tin anh Ihsan đăng trên MXH, kẻ lạ mặt đã tiếp cận, gọi đúng tên con gái anh và tìm cách dẫn cháu bé đi. May mắn, giáo viên kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành động trên.
Theo ThS Giáo dục học Đào Thúy Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Cá siêu quậy (Hà Nội), gia đình hiện đại thường chỉ sinh từ 1 đến 2 con nên mọi hoạt động của trẻ là tâm điểm chú ý, được chia sẻ với cả gia đình. Thậm chí, nhiều phụ huynh giải tỏa căng thẳng bằng cách khoe hình ảnh của con lên MXH.
“Cha mẹ coi con cái là cuộc đời nối tiếp, thấy đứa trẻ đáng yêu, có chút thành tích thì tự hào, muốn đăng ảnh con lên cho nhiều người biết. Hành động này có thể gây nguy hiểm cho con. Vì vậy, phụ huynh cần có kiến thức để bảo vệ con em mình”, ThS Nga nói.
Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Thông tin cá nhân của con người từ lúc sinh ra đến khi mất đi thuộc bí mật của cá nhân đó. Việc một đứa trẻ vừa sinh ra bố mẹ đã chụp ảnh, đăng tải lên MXH khá phổ biến.
“Trẻ em dưới 18 tuổi, bố mẹ là người đại diện cho con và có những quyền nhất định. Nhưng không ai được phép xâm phạm đến hình ảnh và thông tin cá nhân của người khác nếu không được sự đồng ý của người đó”, luật sư Tuấn Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo luật sư Tuấn Anh, có phụ huynh không ngần ngại khoe ảnh hở hang, nhạy cảm của con, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Thậm chí, tạo điều kiện cho đối tượng xấu có thể gây ra những vụ bắt cóc, bạo lực, xâm hại…
“Sự vô tư của cha mẹ có thể dẫn đến những hệ quả xấu trong tương lai mà chưa thể lường hết. Đơn giản như vài năm nữa, bạn bè của con có thể nhìn thấy hình ảnh nhạy cảm đó, chúng sẽ trêu đùa, chọc ghẹo đứa trẻ… từ đó dễ hình thành tâm lý xấu hổ, bất mãn của con với cha mẹ”, luật sư Tuấn Anh cho hay.
Vị luật sư đồng thời cho biết thêm: Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em đều quy định liên quan đến quyền nhân thân, thông tin cá nhân, bí mật hình ảnh.
Ngoài ra, Luật An ninh mạng cũng quy định cấm đưa hình ảnh, thông tin không được phép lên MXH. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa phụ huynh nào bị xử phạt vì đăng ảnh con, các quy định gần như mang tính chất phòng ngừa, cảnh báo, định hướng và tạo ra thói quen lành mạnh hơn là xử phạt.
Cần có kỹ năng tham gia MXH
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Bộ LĐ-TB&XH cùng với một số bộ, ngành chuẩn bị trình Chính phủ các nghị định, quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trẻ em. Trong đó, có hành vi tiết lộ bí mật cá nhân, đời tư của trẻ em lên môi trường mạng và trách nhiệm của cha mẹ… Khi các quy định pháp luật ban hành, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, tùy theo mức độ vi phạm để xử lý.
Cũng theo ông Nam, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang hoạt động 24 giờ/7 ngày, với chức năng tiếp nhận tất cả thông tin như bị bạo lực, mua bán, bỏ rơi… đồng thời tư vấn cho cha mẹ cách chăm sóc giáo dục bảo vệ trẻ.
Năm 2017, Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực, một trong những hành vi bị cấm là công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ trẻ.
Ngoài ra, Nghị định 56 của Chính phủ quy định chi tiết thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em bao gồm: Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em... Việc tự ý đăng tải những thông tin trên được coi là vi phạm luật.