“Có nơi đâu bằng phong cảnh Cổ Bôn ta/ Trải bốn mùa đàn độc xướng ca/ Kể trong trấn Thanh Hoa là đệ nhất” - Câu ca xa xưa ấy như nhắc nhớ người nay về một ngôi làng từng nổi danh là đất chữ nghĩa.
Làng Cổ Bôn (tục gọi là Kẻ Bôn) hay còn gọi là Tứ Bôn do bốn làng gộp lại, gồm: Phúc Triền, Ngọc Tích, Kim Bôi, Quỳnh Bôi. Cổ Bôn nay thuộc xã Đông Thanh (Đông Sơn - Thanh Hóa) không chỉ là làng cổ hình thành từ thời văn hóa Đông Sơn với nhiều huyền tích lạ, mà còn là làng văn hiến với truyền thống khoa bảng đúng như câu ca dân gian lưu truyền: Em là con gái Kẻ Bôn/ Đi bán trầu miếng, nuôi chồng đi thi/ Ba năm chồng đỗ kinh kỳ/ Chàng đi ngựa tía, thiếp đi võng đào.
Lễ tục đẹp của làng khoa bảng
Theo sách “Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa”, làng Cổ Bôn có tới 7 người đỗ đại khoa. Truyền thống khoa bảng của ngôi làng này được hun đúc từ nhiều gia đình, dòng họ và được kết tinh từ nhiều thế hệ.
Bởi vậy, việc học hành để đỗ đạt thành tài là mục đích mọi sĩ tử hướng tới, mọi gia đình tập trung nguồn lực. Tục ấy vẫn duy trì thông qua lễ “Triều quan và Khảo thí” diễn ra vào đầu năm mới.
Vào sáng mùng 2 Tết Nguyên đán là thời điểm diễn ra lễ “Triều quan”. Các thành viên trong hội Tư văn khăn đóng áo xếp tập trung ở nhà Thánh lễ Đức Khổng Tử và Thất thập nhị hiền. Sau đó, hội sẽ cử 12 người mặc áo thụng, đội mũ tế, đi giày tế đến gia đình các vị khoa bảng để làm lễ tưởng niệm.
Sau lễ “Triều quan”, vào ngày 16 tháng Giêng sẽ diễn ra lễ “Khảo thí”. Trước đó, vào buổi sáng Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), các gia đình có con đang học tập sẽ làm lễ cúng gia tiên rồi cùng nhau góp tiền, gạo làm cỗ ở nhà thầy, gọi là “cỗ đồng môn”.
Sáng ngày 16, học trò chuẩn bị giấy bút cùng nhau đến nhà Thánh lễ. Các bậc cao niên có học vấn trực tiếp ra đề để học trò thử sức. Ban giám khảo là các vị trong hội Tư văn sẽ nhận bài, rọc phách, chấm điểm, bình xét, xếp giải.
Hệ thống di tích tại Cổ Bôn liên quan đến các vị đại khoa được đánh giá khá hoàn chỉnh. |
Người đỗ đầu trong cuộc khảo thí này và nếu đã đủ 18 tuổi sẽ được kết nạp vào hội Tư văn ngay sau đó. Chính bởi truyền thống tốt đẹp này mà thời phong kiến, làng Cổ Bôn đã trở thành một trong những làng khoa bảng nức tiếng xứ Thanh. Ngoài các vị đại khoa thì những người có công trong việc dạy học cũng được coi trọng, được ghi chép tỉ mỉ để đời sau nhắc nhớ.
Cổ Bôn có bốn làng, mỗi làng lại có vị Thành hoàng làng riêng. Thành hoàng làng Ngọc Tích là Đế Thích, hiệu Đức Thánh cả. Thần phả cho biết, Đức Thánh cả khi xưa đã mộng báo giúp nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Về sau, cũng chính Đức Thánh cả đã phù trợ cho Lê Lợi đánh thắng giặc Minh.
Thành hoàng làng Phúc Triền là Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi - “Bậc danh nho đỗ cao, được ba vua tri ngộ, đức nghiệp và tiếng tăm hơn cả các nho thần đầu đời Trung hưng” (sử gia Phan Huy Chú). Trong khi là Thành hoàng làng Phúc Triền, thì người con của Nguyễn Văn Nghi là Đăng Quận công Nguyễn Khải lại được dân làng Kim Bôi suy tôn làm Thành hoàng.
Cuối cùng là làng Quỳnh Bôi nhận Hắc Bạch Đại vương làm Thành hoàng làng. Đây cũng là vị Thành hoàng làng có liên quan tới Đăng Quận công Nguyễn Khải. Tương truyền, khi Đăng Quận công Nguyễn Khải đem quân đi đánh nhà Mạc, khi nhìn lên ngọn núi đầu làng thấy có con cáo trắng đứng trên tảng đá, trên trời có tán mây trông như ô lọng đang che.
Cho rằng cáo trắng là vị thần hiển linh nên ông đã quỳ xuống khấn nguyện được phù trợ để phò Lê diệt Mạc, và hứa nếu thắng sẽ thờ phụng và tâu xin với triều đình sắc phong. Về sau, Nguyễn Khải thắng trận đã xây bệ thờ thần linh, sau đó triều đình sắc phong cáo trắng là Hắc Bạch Đại vương.
Bia Phúc Khê tướng công tại đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Văn Nghi (dựng năm 1617 thời vua Lê Kính Tông). |
Kẻ nghèo hèn thành người khai khoa
Theo các nguồn tư liệu làng Cổ Bôn và nguồn sử đăng khoa, Hoàng giáp Lưu Ngạn Quang (đỗ khoa Tân Sửu 1481 dưới triều vua Lê Thánh Tông) là người mở đầu cho truyền thống khoa bảng của Cổ Bôn. Khoảng đầu thế kỷ 14, cha của Lưu Ngạn Quang chuyển từ vùng đất Viên Khê về Cổ Bôn với hai bàn tay trắng nên phải đi ở cho các nhà giàu có trong vùng.
Tại đây, ông đã kết hôn với một cô gái làng Dà cũng mồ côi cha mẹ, và sinh ra Lưu Ngạn Quang. Chẳng may người cha mất sớm, trước khi bước vào tuổi trưởng thành Lưu Ngạn Quang phải đi ở hết nhà này tới nhà khác để trừ nợ và dành tiền nuôi mẹ.
Khi trừ nợ xong Ngạn Quang trở về làm thuê cùng mẹ. Nhìn cảnh làm thuê cuốc mướn chẳng ăn thua gì Ngạn Quang nảy ra ý định đi buôn, buôn nhỏ trở thành buôn lớn. Nhưng trớ trêu thay dưới sự đàn áp bóc lột của bọn tham quan ô lại kìm hãm dân lành đã làm ông mất hết vốn. Ngạn Quang quyết chí đi học khi ấy ông 21 tuổi.
Từ khi bọn tham quan cướp gà, Ngạn Quang trở về. Ban ngày đi làm thuê, ban đêm đi học. Khi thì trở về đi buôn tay quả khắp chợ này sang chợ khác, nơi này sang nơi khác. Nhưng vẫn không sao nhãng học hành, hơn nữa lại sáng dạ thông minh, thầy dạy thấy vậy thương tình không lấy tiền công, dân làng ai cũng mến phục. Ngạn Quang được người bán nước cảm thông gả con gái cho. Kể từ đấy vợ chồng yên ổn, ban ngày đi làm, ban đêm dùi mài kinh sử.
Học hết ba năm thì Lưu Ngạn Quang tròn 24 tuổi. Năm đó triều đình mở khoa thi Hương, Ngạn Quang từ biệt mẹ và vợ vác lều chõng đi thi, quả nhiên đỗ ngay Hương cống, sau đó ông tiếp tục lên kinh theo học. Đến kỳ thi Hội, Lưu Ngạn Quang vượt qua một cách dễ dàng để tiến vào thi Đình.
Khoa thi năm Tân Sửu (1481) đời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức thứ 12 Lưu Ngạn Quang ứng thí và đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp). Kể từ ấy sự nghiệp bần hàn của người học trò chấm dứt. Ông đem tài trí ra phò vua giúp nước cứu dân. Nhớ lại cảnh ngày xưa nghèo túng đói rét, giờ đây công thành danh toại, mẹ con, vợ chồng gặp nhau trong một tâm trạng mừng vui trong nước mắt.
Từ khi đỗ ra làm quan, Lưu Ngạn Quang rất mực thanh liêm chính trực, là người vốn xuất thân từ cảnh cơ hàn, lớn lên lại phải chịu bao sóng gió cuộc đời nên ông rất hiểu nỗi cơ cực của người dân thường. Ông suốt đời làm điều phúc đức cho dân, bởi vậy được triều đình trọng dụng và bổ ông giữ chức Giám sát Ngự sử, Lễ bộ Tả thị lang khi mới 25 tuổi.
Để tưởng nhớ công lao, sau khi ông mất đã được nhân dân lập đền thờ. Công lao của ông cũng được sử sách ghi lại trong “Đại Việt sử ký toàn thư” và được khắc tên tuổi trên bia đá Quốc Tử Giám để lưu danh muôn đời.
Một số tư liệu còn khẳng định, Lưu Ngạn Quang cùng với Phan Doãn Chí là những người khai phá làng Thanh Oai. Làng này có tên cũ là Thanh Đàm, sau được Lưu Ngạn Quang đổi tên làng thành Thanh Oai theo tên làng Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, Hà Nội), là một làng có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt.
Sự nghiệp của Hoàng giáp Lưu Ngạn Quang còn được ghi thành 2 câu thơ: Kim bảng thạch bi truyền bất hủ/ Thái Sơn, Bắc Đẩu ngưỡng duy cao (Bảng vàng bia đá truyền mãi mãi/ Công người như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu).
Từ trẻ mồ côi, Lưu Ngạn Quang đã thi đỗ Hoàng giáp – trở thành người khai khoa làng Cổ Bôn. Ảnh minh họa |
Thầy của 2 vua Lê
Sau Hoàng giáp Lưu Ngạn Quang, vị đại khoa thứ hai nổi tiếng không kém chính là Tiến sĩ Nguyễn Văn Nghi. Dưới thời vua Lê Trung Tông, vào năm 1554, ông thi đỗ nhất Giáp chế khoa. Theo sử liệu, ông là người đoan chính, trọng khuôn phép, được chúa Trịnh Kiểm tin cậy giao cho làm Hiệu lý Viện Hàn lâm.
Năm 1556, Lê Anh Tông lên ngôi, Nguyễn Văn Nghi được cử vào cung dạy học cho vua, được vua Lê trọng vọng. Sang năm 1557, ông được thăng chức Cấp sự hộ khoa kiêm quản lý tài chính. Sau đó, ông đổi sang làm Tả thị lang bộ Binh, Tổng ký lục chính dinh.
Năm 1580 thời vua Lê Thế Tông, ông làm Tả thị lang bộ Lại, vào hầu vua trong điện kinh diên, kiêm học sĩ Đông các. Lê Thế Tông còn trẻ, lại được ông giảng dạy, trở thành hoàng đế nhà Lê đầu tiên trở lại nhập chủ Thăng Long sau 66 năm nhà Lê Sơ bị họ Mạc cướp ngôi (1527 - 1593) và hoàn thành công cuộc trung hưng vương triều.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nghi là thầy dạy của 2 vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông. Ảnh minh họa |
Đến nay giới nghiên cứu lịch sử chưa rõ Nguyễn Văn Nghi mất năm nào (có nguồn ghi năm 1595). Sau khi mất ông được truy tặng là Thượng thư bộ Công, gia thăng Thái bảo. Tương truyền, trong một năm đại hạn, người ta cầu ở đền thờ ông được mưa nên vua Lê phong ông làm phúc thần.
Sử gia Phan Huy Chú nhận định về Nguyễn Văn Nghi như sau: “Ông là bậc danh nho đỗ cao, được 3 vua tri ngộ, sự nghiệp và tiếng tăm hơn cả các Nho thần đầu thời trung hưng”.
Con trai Nguyễn Văn Nghi là Nguyễn Khải - người thông minh, mưu lược, được phong đến Binh bộ Thượng thư và là bậc Quốc lão tham gia triều chính. Cháu nội Nguyễn Văn Nghi là Nguyễn Văn Lễ, đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Dần (1602), đời vua Lê Kính Tông, làm tới chức Hàn lâm viện hiệu lý.
Bên cạnh các vị đại khoa và dòng họ Nguyễn nổi danh, làng Cổ Bôn còn nhiều dòng họ, như họ Thiều, họ Cao, họ Lê Khả, họ Lưu, họ La... đóng góp những danh sĩ tài giỏi hay chữ, như Thiều Sỹ Lâm, Cao Cử, Lê Khả Trù, Lê Khả Trinh... Bởi vậy, ngoài 7 vị đại khoa được lưu danh, Cổ Bôn xưa còn có rất nhiều Hương cống, Cử nhân, Tú tài.