Không chỉ nổi danh là làng chữ nghĩa, có nhiều người đỗ đại khoa - làng Bùng, xã Phùng Xá (Thạch Thất – Hà Nội) còn ẩn chứa những nguồn mạch của văn hóa nghìn năm khiến cho sự học đời đời vẻ vang.
Làng Bùng nằm trong vùng văn hóa xứ Đoài, được xem là vùng đất lành, đất thiêng với những danh tích nổi tiếng. Cách làng Bùng không xa là núi Sài Sơn, chùa Thầy gắn liền với Thiền sư Từ Đạo Hạnh, có động Hoàng Xá, có dãy Răng Cưa, có gò Đống Thóc…
Tổ làng là anh hùng chống giặc Lương
Theo thần phả, làng Phùng xưa có tên gọi là An Hoa Trang, sau lại đổi thành làng Bùng do liên quan đến họ của vị Thành hoàng. Vị Thành hoàng đó húy là Phùng Thanh Hòa, quê ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương, sinh ngày 12/11/528 (Mậu Thân). Bố ngài là Phùng Thủy, mẹ là Hoàng Thị Mai.
Phùng Thanh Hòa từ nhỏ đã có thiên tư khác lạ, học một biết mười. Bấy giờ nước ta bị nhà Lương (Trung Quốc) đô hộ, với những chính sách bạo ngược nhằm đồng hoá và bóc lột của cải. Năm 541 (Tân Dậu), Lý Bí khởi nghĩa thắng lợi, dựng nước Vạn Xuân. Trong cuộc nổi dậy của Lý Bí chống nhà Lương, Phùng Thanh Hòa còn trẻ đã mang quân hưởng ứng, được phong làm Hữu tướng quân (Tả tướng quân là Triệu Quang Phục).
Sách “Đại việt sử ký toàn thư” chép rằng, mùa xuân năm 546 nhà Lương sai hai bộ tướng là Trần Bá Phiên và Dương Phiêu mang quân sang xâm lược nước ta. Thế giặc mạnh chống đỡ không nổi, vua Lý Nam Đế phải rút quân về Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc chờ thời. Tại đây vua ra lời kêu gọi các anh hùng hào kiệt ra sức đánh giặc cứu dân.
Phùng Thanh Hoà đã tập hợp thanh niên trai tráng tòng quân theo vua đánh giặc. Ông được vua giao giữ chức hữu Tướng quân cùng với tả Tướng quân Triệu Quang Phục hợp quân tiến đánh giặc Lương. Vua mất, triều đình phân ly. Triệu Quang Phục đưa quân về dựng nghiệp tại đầm Dạ Trạch xưng Vương.
Phùng Thanh Hoà tuổi cao sức yếu giã từ binh nghiệp lui về An Hoa Trang trú ngụ. Tại đây ông đã dạy dân làm ruộng, xây nhà, chỉnh trang làng xóm, mở mang việc học hành. Khi ông mất, để tỏ lòng thương nhớ và ghi nhận công lao, người dân đã lập đền thờ và tôn ông là Thành hoàng làng. Cái tên Phùng Gia Trang được chọn để thay thế An Hoa Trang. Từ đây, âm “Phùng” biến thành “Bùng” và gọi là làng Bùng. Đó cũng là ngôi làng có tên gọi được bảo lưu thuộc hàng lâu nhất nước ta.
Tương truyền, họ Phùng ở ở làng Bùng vốn là dòng dõi Phùng Hạp Khanh (thân phụ Phùng Hưng); Phùng Thanh Hòa, Phùng Hạp Khanh, Phùng Khắc Khoan, 3 nhân vật ở 3 thời đại lần lượt xuất hiện ở làng Bùng chứng tỏ không chỉ nơi đây là đất tổ nghiệp họ Phùng, mà họ Phùng cũng gắn bó với những thăng trầm của làng đúng như tên gọi Phùng Gia Trang thuở xưa.
Đình Phùng Thôn thờ Thành hoàng làng Phùng Thanh Hoà. |
Làng học – làng chữ nghĩa
Phùng Xá nay gồm 2 làng Bùng và Vĩnh Lộc xưa gộp lại mà thành, cả 2 làng đều nổi tiếng làng học - làng nghề. Bởi vậy mới có câu ca: Hỡi cô mà thắt bao xanh/ Có về Bùng Xá với anh thì về/ Bùng Xá có lịch có lề/ Có ao tắm mát có nghề cửi canh.
Là vùng đất làng nên Phùng Xá có nhiều dòng họ đến sinh sống, trong đó có các bậc tuấn kiệt. Sau cụ Phùng Thanh Hòa đến làng Bùng từ thế kỷ thứ 6, thư tịch bi ký còn ghi rõ: Thời Lý có Đại Tư Mã Nguyễn Cảnh Câu; thời Trần có Thị thư Viện Hàn lâm Thám hoa Nguyễn Đăng Đạt; thời Lê có Thái tể Mai Quận Công, Nhị giáp Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Phùng Lĩnh Hầu và Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Vũ Đình Dung (35 tuổi thi đỗ khoa Quý Sửu niên hiệu Long Đức 2 năm 1733, đời vua Lê Thuần Tông, làm quan đến chức Hàn Lâm viện Thừa chỉ).
Thời Lê, ở Phùng Xá còn có một nhà hai cha con kế tiếp đỗ Tiến sĩ: Cha là Nguyễn Nham, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (năm 1715), đời vua Lê Dụ Tung, làm quan đến chức Học sĩ, thự Tham chính Nghệ An. Con là Nguyễn Thì Lượng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh 3 (năm 1731), đời vua Lê Duy Phường. Ngoài ra, số người đỗ Phó bảng, Hương cống, Cử nhân, Tú tài, Sinh đồ cũng khá nhiều.
Theo sách Đăng khoa lục và các văn bia của làng cùng tộc phả các dòng họ thì Sơn Tây xưa có 6 phủ, 70 người thi đỗ Tiến sĩ nho học, riêng Thạch Thất có 25 vị. Tính riêng thời nhà Nguyễn, Sơn Tây có 104 vị thi đỗ Cử nhân, thì Thạch Thất chiếm đến 37 vị. Hương Ngải và Phùng Xá là hai xã có tiếng về học hành của Thạch Thất. Văn bia của làng Hương Ngải còn ghi rõ có 6 vị đỗ Đại Khoa. Tổng có 17 vị Tiến sĩ nho học thì Phùng Xá có đến 8 vị.
Văn chỉ làng Bùng ghi chép tên tuổi các nhà khoa bảng và võ tướng làng Bùng. |
Đặc biệt, làng Bùng vẫn còn giữ được cả Văn chỉ và Võ chỉ. Theo thần phả của làng thì Văn chỉ, Võ chỉ được xây từ thời Lê Chính Hoà (1680 - 1704) để làm nơi thờ Khổng Tử, ghi danh các nhà khoa bảng và võ tướng của làng. Bia Văn chỉ của làng còn ghi lại tên tuổi: Thám hoa sĩ lịch Đô đài ngự sử, Hàn lâm viện kiểm thảo Nguyễn Đăng Đạt. Nhị giáp Tiến sĩ Quốc Tử Giám Tế tửu Thượng thư Bộ hộ, Thái tể Mai Quận công Phùng Khắc Khoan. Đệ tam giáp Tiến sĩ hình bộ Hữu thị lang Phùng Lĩnh hầu Vũ Đình Dung. Bia cũng ghi 12 cụ đỗ trung khoa và 23 cụ đỗ tiểu khoa.
Bia Võ chỉ lưu danh Tiến sĩ Đại Tư Mã Nguyễn Cảnh Câu triều Lý. Đại hành khiển phụ quốc Thượng tướng quân Hương Sơn bá Nguyễn Bá Lân triều Trần. Thái thường tự khanh Hào lưỡng hầu Phùng Khắc Trung triều Lê và 7 cụ có phẩm trật thấp hơn. Bia cũng ghi nhận ở các triều đại có cụ làm đến Tri huyện, kiểm học, làm thầy dạy chữ nho…
Nhìn vào bia Văn chỉ và Võ chỉ có thể thấy sự học ở làng Bùng xưa rất thịnh, thậm chí sự học còn như một nghề: Nghề học – nghề dạy – nghề làm quan. Bởi vậy, những câu ca và cả những giai thoại về sự cần mẫn dùi mài kinh sử của làng Bùng đến nay vẫn lưu truyền, như minh chứng cho một làng văn hiến của vùng đất xứ Đoài.
Người vàng ngửa mặt
Chân dung Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. |
“Khắc Khoan đến Yên Kinh, vừa gặp tiết Vạn Thọ của vua Minh, dâng 30 bài thơ lạy mừng. Anh vũ điện đại học sĩ Thiếu bảo kiêm Thái tử thái bảo Lại bộ Thượng thư nhà Minh là Trương Vị đem tập thơ ấy dâng lên. Vua Minh cầm bút phê rằng: ‘Người hiền tài ở đâu mà không có. Trẫm xem thơ, thấy hết lòng trung thành của Phùng Khắc Khoan, rất đáng khen ngợi’. Liền sai đưa xuống khắc in để ban hành trong nước. Khi ấy, sứ Triều Tiên là Hình tào tham phán Lý Toái Quang viết tựa cho tập thơ…” - Ngô Sĩ Liên chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư”
Đến nay nhắc đến làng Bùng, nhiều người nhớ đến Phùng Khắc Khoan - người con kiệt xuất của làng Bùng, cũng được dân gian yêu mến mà gọi là Trạng Bùng. Phùng Khắc Khoan sinh năm Mậu Tý (1528) trong một gia đình có truyền thống thi thư.
Do được cha rèn cặp nên ngay từ nhỏ, Phùng Khắc Khoan đã nổi tiếng văn hay chữ tốt, 9 tuổi đã biết làm thơ. Đến năm 15 tuổi, Phùng Khắc Khoan sang học với Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông học giỏi, tinh thông cả thuật số. Đến năm Nhâm Tý (1552), khi 25 tuổi ông tham dự kỳ thi nhưng chỉ đỗ Tam trường.
Dù sống trên đất nhà Mạc nhưng không chịu ra thi cử hay làm quan cho nhà Mạc. Đầu đời Lê Trung Tông, Phùng Khắc Khoan theo Lê Bá Ly vào Thanh Hóa tham gia công cuộc phù Lê diệt Mạc, và sống bằng nghề dạy học. Bấy giờ, xứ Thanh tổ chức kỳ thi Hương, ông tham dự và đỗ đầu.
Thái sư Trịnh Kiểm biết ông là người sức học uyên thâm, mưu lược chí lớn nên cho mời tham dự việc triều chính, giữ chức Ký lục ở ngự dinh, trông coi quân dân bốn vệ, và cho tham dự việc cơ mật.
Trong đời Chính trị (1558 - 1571), ông vâng mệnh đi các huyện, chiêu dụ dân di tản các nơi về quê cũ làm ăn. Cuộc đời làm quan của ông nhiều nỗi thăng trầm. Đời Lê Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 3 (1580), triều Lê mở khoa thi Hội, lúc này ông đã 53 tuổi cũng lều chõng đi thi, đỗ Hoàng giáp và được thăng Đô cấp sự.
Giữa tháng Tư năm Quý Tỵ (1593), vua Lê Thế Tông bước lên chính điện tại Kinh đô Thăng Long, sự nghiệp trung hưng của nhà Lê đã hoàn thành. Phùng Khắc Khoan được phong chức Kiệt tiết Tuyên lực, đặc ân Kim tử vinh lộc đại phu, làm chức Tán trị thừa chánh sứ ty các xứ Thanh Hoa; năm 1595, được thăng Công bộ Tả thị lang.
Vua Lê về kinh đô, cùng với việc khôi phục kinh tế, có chuyện lớn là lo việc đối ngoại với nhà Minh. Năm Đinh Dậu (1597) đang lúc làm Tả thị lang bộ Công, Phùng Khắc Khoan được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh. Triều Minh đã nhận hối lộ của nhà Mạc nên không chịu nhận sứ thần của nhà Lê.
Ông viết thư cho Súy ty nhà Minh (quan coi cửa ải) nói rõ nhà Mạc cướp ngôi, mà lại được giúp đè nén nhà Lê, thế là về bè với gian tà, hại người ngay thẳng, lấy gì để tỏ đại nghĩa với thiên hạ.
Người Minh khen là có nghĩa, mới cho sứ thần qua cửa quan để đến Yên Kinh. Khi đến Yên Kinh, Lễ bộ đường (triều Minh) trách về việc người vàng ta đem cống không làm theo mẫu cũ làm cúi đầu, nên lại ngăn không cho sứ vào chầu.
Nhà thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tại xã Phùng Xá (Thạch Thất – Hà Nội). |
Phùng Khắc Khoan biện bạch: “Nhà Mạc cướp ngôi, danh nghĩa là nghịch, nhà Lê khôi phục lại, danh nghĩa là thuận. Nhà Mạc dâng người vàng cúi đầu thay mình, đã là may lắm. Còn như nhà Lê bao đời làm công thần, kiểu người vàng ngửa mặt, quy chế cũ còn đó. Nay lại bắt theo như lệ nhà Mạc, thì lấy gì khuyên việc chiêu an và trừng giới việc trách phạt được”. Việc đến tai vua Minh, cuối cùng lại theo thể thức cũ của nhà Lê.
Dịp này, ông còn đối đáp với sứ thần Triều Tiên về chủ quyền đất nước, chế độ khoa cử và làm thơ xướng họa với Lý Toái Quang. Người Trung Hoa đều khen ông là sứ giỏi. Khi về nước, Thành tổ Trịnh Tùng rất kính trọng chỉ gọi là Phùng tiên sinh mà không gọi tên. Vua Lê Kính Tông lên ngôi, phong ông là Thượng thư Công bộ, sau lại thăng Thượng thư bộ Hộ, tước Mai quận công.