Tại hội thảo góp ý vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gần đây, đại diện một tập đoàn giáo dục tư nhân lớn cho biết đã gặp rất nhiều khó khăn khi tìm đất để xây trường.
Doanh nghiệp này hiện có 17 trường học các cấp với gần 23 nghìn học sinh và nhu cầu mở rộng các cơ sở rất lớn. Tuy nhiên, việc tìm đất xây trường không hề đơn giản vì thiếu thông tin.
Doanh nghiệp phải nhờ các bên giới thiệu và cũng rất khó khăn mới có được thông tin. Bên cạnh đó, chi phí nhận chuyển nhượng đất cho giáo dục hiện quá cao, lên tới 8 - 10 triệu đồng/m2. Điều này dẫn tới có những mảnh đất trị giá hàng trăm tỷ đồng và trở thành rào cản cho nhà đầu tư thuần về giáo dục.
Đáng nói là theo phản ánh của doanh nghiệp, nhiều mảnh đất giáo dục đã được quy hoạch song không còn phù hợp với nhu cầu thực tế. Chẳng hạn, không ít trường hợp theo quy hoạch trong khu vực chỉ có trường mầm non nhưng nhu cầu thật sự lại là trường phổ thông.
Muốn thay đổi quy hoạch thì rất tốn kém nguồn lực và thời gian. Cũng vậy, quá trình đấu giá đất giáo dục cũng nhiều khó khăn và rủi ro, khiến việc tìm đất xây dựng trường học trở thành thách thức lớn với các nhà đầu tư giáo dục.
Khó khăn trong tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục không phải là chuyện mới! Ngoài những vấn đề doanh nghiệp phản ánh ở trên, có một thực tế là quỹ đất dành cho giáo dục rất eo hẹp.
Như tại TPHCM, theo kế hoạch phát triển quỹ đất cho giáo dục, giai đoạn 2023 - 2025 thành phố cần hơn 3,9 triệu m2 để xây dựng trường lớp. Tuy vậy, trong số này chỉ có hơn 418 nghìn m2 đất sạch và hơn 318 nghìn m2 đất có tính khả thi cao trong thu hồi để triển khai đầu tư - chỉ như muối bỏ bể.
Hiện nay, đa số trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố là do chủ đầu tư thuê lại nhà, đất ở của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp thành trường học. Đối với các quỹ đất dành cho giáo dục, nhà đầu tư muốn tiếp cận hầu như đều vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng nên khó triển khai.
Đầu tư vào giáo dục là vô cùng cần thiết và quan trọng, không chỉ để đáp ứng nhu cầu học tập rất lớn hiện nay mà còn vì tương lai của đất nước. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường học; rà soát, kiểm tra các dự án khu đô thị mới, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Cùng với đó, địa phương phải linh động các giải pháp để tăng thêm quỹ đất cho giáo dục, đồng thời quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất giáo dục.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tuy khó thiết kế những điều khoản ưu đãi cho đất giáo dục, song cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nói chung, trong đó các nhà đầu tư giáo dục, thuận lợi hơn nữa trong tiếp cận đất đai.