Thu hồi ‘đất vàng’ để xây trường học, vì sao vẫn chậm trễ?

GD&TĐ - Hàng loạt dự án thu hồi “đất vàng” để xây dựng trường học bị chậm triển khai, gặp nhiều trở ngại.

Thu hồi ‘đất vàng’ để xây trường học, vì sao vẫn chậm trễ?

Cụ thể, tại TP.HCM, sau gần 2 năm kể từ khi có quyết định thu hồi đất, Công ty CP Giáo dục Sài Gòn vẫn chưa trả lại đất cho Nhà nước mà vẫn cho thuê làm điểm tập kết xe khách, trung chuyển hàng hóa.

Khu đất số 419 Lê Hồng Phong có diện tích hơn 11.000 m2, tọa lạc trên 3 mặt tiền đường Vĩnh Viễn - Lê Hồng Phong - Trần Nhân Tôn, quận 10.

Ngày 28/5/2021, UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi khu đất này do Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn (nay là Công ty Cổ phần Giáo dục Sài Gòn) sử dụng, với lý do hết thời hạn thuê đất, không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép gia hạn.

Trước đó, Thường trực UBND TP.HCM đã có kết luận về việc điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu tại khu đất.

Theo kết luận, hiện nay quỹ đất dành cho giáo dục trên địa bàn quận 10 còn thiếu so với quy định và quy hoạch được duyệt, đặc biệt là quỹ đất dành cho trường trung học cơ sở còn thấp, không đáp ứng được nhu cầu phục vụ học sinh trong thời gian tới.

Trong khi đó, khu đất số 419 đường Lê Hồng Phong đến hết năm 2020 là hết thời hạn cho thuê đất. Được biết, sau khi tiến hành cưỡng chế thu hồi lô đất này, UBND TP.HCM sẽ bàn giao toàn bộ diện tích khu đất cho UBND quận 10 để đầu tư xây dựng trường trung học cơ sở đạt chuẩn theo quy định bằng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

Tại TP.Hà Nội, UBND TP đã chỉ đạo rà soát, thu hồi một số dự án chậm tiến độ để lấy quỹ đất xây dựng trường học công lập tại các điểm bức xúc về trường học công lập như: Dự án xây dựng trường học tại ô đất TH1 Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy - quận Thanh Xuân); tại 94 Lò Đúc, 63 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng; tại ô đất ký hiệu số 5 phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy; tại địa điểm xây dựng trường mầm non công lập số 209 Tây Sơn, số 102 Trường Chinh, quận Đống Đa…

Dù đã có quyết định thu hồi đất nhiều năm nay, Công ty Cổ phần giáo dục Sài Gòn vẫn cho thuê làm điểm tập kết xe khách, trung chuyển hàng hóa. (Ảnh internet)

Dù đã có quyết định thu hồi đất nhiều năm nay, Công ty Cổ phần giáo dục Sài Gòn vẫn cho thuê làm điểm tập kết xe khách, trung chuyển hàng hóa. (Ảnh internet)

Liên quan đến khu đất vàng số 6 Đào Duy Anh, UBND TP.Hà Nội cho biết, vào năm 2016, Hà Nội đã có công văn đồng ý đưa khu đất số 6 Đào Duy Anh (do Công ty TNHH Việt Anh đang sử dụng) để sử dụng vào mục đích mở rộng trường tiểu học Phương Liên và cấp đổi một khu đất khác cho Việt Anh.

Đến ngày 20/9/2019, UBND Thành phố đã có Quyết định về việc thu hồi 1.901 m2 đất tại số 6 Đào Duy Anh, phường Phương Liên, quận Đống Đa để giao UBND quận Đống Đa quản lý, chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng trường học công lập.

Trong thời gian qua, do nhu cầu về trường học, cũng như ý kiến cử tri về việc công trình tại số 6 ảnh hưởng trục tâm linh của di tích đền Kim Liên, quận nhiều lần đốc thúc nhưng Công ty Việt Anh vẫn chưa bàn giao.

Hay như tại khu đất 43F-47C phố Ngô Quyền và 36A phố Trần Hưng Đạo có diện tích 1.233,7 m2 nằm ở góc phố giao giữa phố Ngô Quyền và phố Trần Hưng Đạo, gồm 1 tổ chức là nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà và 25 hộ dân sinh sống; có nguồn gốc là thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, được cơ quan phân.

Năm 1993, UBND TP.Hà Nội đã có chủ trương thu hồi đất giao cho Cục Kho bạc Nhà nước (sau giao cho Kho bạc Nhà nước Hà Nội) thực hiện chuẩn bị đầu tư và GPMB xây dựng Kho bạc Nhà nước.

Năm 2014, UBND TP giao cho UBND quận Hoàn Kiếm tiếp nhận khu đất, thực hiện giải phóng mặt bằng để xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu; hiện trạng còn lại 15/25 hộ dân. Quá trình triển khai các hộ dân không đồng thuận, liên tục có đơn thư kiến nghị khiếu nại.

Tính tới thời điểm hiện tại, khu đất 43F-47C phố Ngô Quyền và 36A phố Trần Hưng Đạo đã có 15 hộ dân đã di dời đi nơi khác, 18 hộ còn lại vẫn chưa thể dời đi do còn nhiều bất cập trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Theo phản ánh của người dân số nhà 36A, khu đất này đã được giải phóng từ lâu, vì vậy nếu như nhà ở có xuống cấp cũng không thể sửa chữa. Còn theo UBND quận Hoàn Kiếm, dự án xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu là dự án trọng điểm của quận giai đoạn 2020-2025, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Vì vậy, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ phải triển khai ngay.

Trao đổi về vấn đề này, theo GS Đặng Hùng Võ, để tồn tại nhiều công trình, dự án bỏ hoang, lãng phí tiềm năng “đất vàng” về bản chất cũng gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia nên phải rà soát, bổ sung chế tài pháp luật xử lý tổ chức, cán bộ, cá nhân liên quan.

“Mỗi địa phương cần tự rà soát lại các dự án, công trình bỏ hoang, đề xuất giải pháp xử lý, tìm lối thoát, chấm dứt sự lãng phí. Trường hợp doanh nghiệp lập dự án, ôm đất giữ phần, phải cương quyết thu hồi. Thậm chí truy trách nhiệm cán bộ, tổ chức buông lỏng quản lý, để đất đai bị hoang phí”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.


Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.