Bốc thăm vào trường:

Khi 'đất vàng' không chừa chỗ xây trường học

GD&TĐ - Quy mô dân số tăng nhanh khiến nhiều trường học quá tải, tỷ lệ học sinh trên lớp cao. Thực trạng này khiến các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng phải tìm các giải pháp tình thế đảm bảo chỗ học cho học sinh trong năm học mới.

Trường Mầm non Hoàng Liệt được xây mới.
Trường Mầm non Hoàng Liệt được xây mới.

Xây trường không đáp ứng đủ nhu cầu

Năm học 2022 - 2023, số học sinh tại các thành phố lớn tiếp tục tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn thành phố có hơn 2 triệu học sinh với 2.835 trường, trên 70.000 lớp học. Trong năm 2022, Hà Nội xây dựng thêm 51 phòng học mới, với kinh phí trên 2.800 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học, với kinh phí trên 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tình trạng quá tải trường lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn tại Hà Nội, rõ nhất ở một số quận huyện có tốc độ đô thị hóa mạnh, tập trung nhiều chung cư cao tầng. Điển hình là việc Trường Mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai phải bốc thăm để tuyển sinh do quá tải đã khiến dư luận bức xúc.

Bà Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết: Năm học 2022 - 2023, quận có thêm 5.430 học sinh tương đương 100 phòng học. Tuy nhiên do dân số tăng quá nhanh nên việc xây trường mới không đủ để đáp ứng. Hiện nhiều trường trong quận phải tổ chức cho học sinh học luân phiên cả vào cuối tuần.

Từ nhiều năm nay, Hoàng Liệt trở thành “siêu phường” với dân số hơn 83 nghìn người, hằng năm có khoảng 1.500 - 1.800 trẻ được sinh ra. Hiện phường 2 trường THCS, 3 trường tiểu học, 1 trường mầm non với 4 cơ sở (mỗi cơ sở tương đương với 1 trường mầm non quy mô lớn) nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải.

Tương tự, một trong những tồn tại nhiều năm qua ở TPHCM là số học sinh tăng mạnh qua các năm nhưng số trường, lớp được xây mới rất khiêm tốn, đặc biệt ở quận, huyện vùng ven, khu vực ngoại thành. Đến tháng 9/2022, thành phố dự kiến đưa vào sử dụng 5 dự án với 575 phòng học, trong đó khối mầm non có 210 phòng, tiểu học là 218 phòng, THCS là 147 phòng.

Áp lực tăng học sinh mỗi năm làm gia tăng sĩ số/lớp học; giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, các điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều thu hẹp, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Theo ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, năm học này, quận tăng thêm hơn 9.000 học sinh nên chỉ có 40% học sinh tiểu học, 20% học sinh THCS trong quận được học 2 buổi/ngày. Cá biệt, tại phường Bình Hưng Hòa A với dân số khoảng 120.000 người nhưng chỉ có một trường THCS, 3 trường tiểu học, không có trường ngoài công lập.

Còn tại Đà Nẵng, trong khu quy hoạch khu dân cư Tuyên Sơn (quận Hải Châu) có khu dành riêng cho giáo dục, nhưng sau đó lại chuyển đổi mục đích, phân lô bán nền. Hay như phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) với hàng loạt khu chung cư cao tầng mọc lên nhưng không hề có thêm một trường mầm non công lập nào được xây dựng thêm ở đây.

Khu chung cư Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) tập trung hàng vạn hộ dân đã gây áp lực lên hệ thống trường lớp.

Khu chung cư Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) tập trung hàng vạn hộ dân đã gây áp lực lên hệ thống trường lớp.

Ưu tiên quỹ đất xây trường: Nói đi đôi với làm

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Nhu cầu quỹ đất để xây trường học ở Hà Nội rất lớn. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó khăn, bởi quỹ đất trong nội thành gần như không còn. Do đó, cần ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường công lập trong khu vực nội thành khi di dời trụ sở bộ, ngành, trường đại học - cao đẳng, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy ra khỏi khu vực nội ô thay vì xây chung cư. Với các khu đô thị mới, có cơ chế ràng buộc để các nhà đầu tư dành quỹ đất và xây dựng hạ tầng cho các trường công lập.

Để không xảy ra tình trạng bốc thăm như ở phường Hoàng Liệt vừa qua, chắc chắn cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành, các cấp. Thực tế cho thấy, quy hoạch nhiều khu đô thị ở Hà Nội thời gian qua bị điều chỉnh khiến không gian sống trở nên ngột ngạt. Nhiều khu đất được bố trí làm trường học công lập bằng cách nào đó chuyển sang xây trường tư, thậm chí là nhà ở thương mại.

Để giải quyết tình trạng này, cần cơ chế giám sát minh bạch, chế tài xử lý nghiêm minh, mang tính chất răn đe cao, nhằm loại bỏ “lợi ích nhóm” trong lập và điều chỉnh quy hoạch. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước. Cùng với đó là sự giám sát của nhân dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm.

Còn theo ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, ở địa phương có số học sinh tăng cao, các quận huyện thường điều tiết sang các phường xã lân cận để giảm bớt áp lực. Trong trường hợp này, các phòng GD&ĐT sẽ tính toán để phân tuyến, bảo đảm cho học sinh được đi học trong cự ly gần nhất có thể.

Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ mang tính chất tạm thời, lâu dài phải tính đến giải pháp căn cơ mà một mình ngành GD-ĐT không thể làm được. Việc quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp cũng như quản lý địa bàn dân cư cần thực hiện một cách chặt chẽ và khoa học hơn. Không để các điểm nóng tăng dân số ngày càng trầm trọng mà cần san bớt sang các khu vực khác.

Theo ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), lớp học đông sẽ ảnh hưởng tới chất lượng học tập của học sinh, thêm gánh nặng cho giáo viên. Để giải quyết vấn đề quá tải trường lớp, các địa phương phải khai thác đất đã quy hoạch, có kế hoạch dài hạn, dành quỹ đất cho trường học những năm tiếp theo, đẩy mạnh xã hội hóa GD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ