Khó khăn trong việc chọn top 5 Tri thức trẻ vì Giáo dục

GD&TĐ -Mười công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất trong chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2017 bước vào vòng thi chung khảo và trình bày trước ban giám khảo để chọn ra top 5.

10 công trình bước vào chung khảo.
10 công trình bước vào chung khảo.

Điểm mới của năm nay là trong vòng chung khảo sẽ mời cả các đơn vị báo chí vào để đưa tin và lan tỏa thông điệp chương trình một cách chính xác và ý nghĩa nhất.

Cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục năm nay thu hút 329 công trình, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ trong cả nước.

Trong đó, 171 công trình, sáng kiến đổi mới giáo dục; 84 công trình, sáng kiến sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; 74 công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Ban tổ chức lựa chọn ra 10 công trình tiêu biểu bước vào vòng thi chung khảo. Sau buổi chấm thi này sẽ lựa chọn ra không quá 5 công trình, sản phẩm tiêu biểu nhất để trao giải vào tối 9-11.

Bên cạnh phần thuyết trình công trình, sản phẩm của mình, các tác giả còn được lắng nghe phản biện của Hội đồng giám khảo, ý kiến đánh giá, góp ý của các chuyên gia để tiếp tục phát triển và hoàn thiện sản phẩm của mình.

Trong số 10 công trình tiêu biểu phục vụ cho giáo dục có công trình được sự quan tâm của nhiều đối tượng là công trình “Bảo tàng ảo 3D” của cô giáo Nguyễn Thu Quyên – Giáo viên Lịch Sử trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) và “Sổ tay chống buôn bán người dành cho học sinh” của Lý Phương Anh và Trần Lê Linh Chi (Học sinh đến từ Lạng Sơn).

Năm 2015, sau khi cô Quyên được xem một chương trình giới thiệu về bảo tàng 3D đèn lồng cổ Việt Nam và di sản văn hóa Phật giáo. cô Quyên lên Google tìm ngay cách làm để ứng dụng vào môn Lịch Sử mà cô đang giảng dạy. May mắn khi có em trai cũng đang làm về công nghệ thông tin nên cô Quyên đã nhờ em giúp đỡ.

Cuối cùng cô cũng tìm được tiện ích miễn phí cho phép giáo viên tạo những album ảnh đẹp mắt dưới dạng một phòng tranh 3D. Kiểu dáng và thiết kế phòng rất phong phú, đa dạng. Cô Quyên cũng cho biết ban đầu do chưa quen nên cô phải mất 3 giờ mới làm xong. Thế nhưng, sau khi đưa ứng dụng gần hơn với thực tiễn, học sinh và giáo viên chỉ cần mất 5 phút đã có thể tạo ra bảo tàng 3D cho riêng mình.

“Chỉ cần một cú click chuột, tất cả sẽ được đến với không gian của Ai Cập cổ đại hay Trung Hoa nhiều màu sắc. Học sinh vô cùng thích thú và yêu thích môn học này hơn. Còn giáo viên chỉ việc gom những tư liệu của mình là đã có một bảo tàng 3D”.

Cô Quyên cũng cho biết thêm quan trọng nhất là phải tìm được nguồn tư liệu chuẩn và chính xác trên mạng, sau đó lựa cái nào phù hợp với mục đích bài học để ghép vào. Đến nay, cô Quyên đã xây dựng được nhiều bảo tàng phục vụ cho những nội dung giảng  dạy khác nhau, như về các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề "Hướng về Biển Đông".

Hai nữ sinh Lý Phương Anh và Trần Lê Linh Chi (Trường THPT chuyên Chu Văn An, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đã thiết kế cuốn sổ tay nhỏ gọn, trang bị kiến thức về nạn buôn bán người, kỹ năng phòng tránh cho các bạn đồng trang lứa.

Hai bạn trẻ đã nghiên cứu và tìm hiểu nạn buôn bán người hiện nay và nạn nhân phần lớn là các học sinh đang tuổi đến trường. Phương Anh và Linh Chi đã thiết kế cuốn sổ tay không chỉ nhỏ, gọn, trẻ trung hiện đại mà còn rất dễ nhớ với những câu mệnh lệnh.

Hai bạn trẻ không chỉ tìm hiểu thực tế mà còn “gõ cửa” các cơ quan chức năng như chính quyền, công an để cùng vào cuộc với mình.

Ngoài cung cấp sổ tay trang bị kiến thức phòng chống buôn bán người, hai bạn trẻ còn đưa vào những câu lạc bộ, những chương trình ngoại khóa của trường để giáo dục ý thức nâng cao cảnh giác cho giới trẻ.

Ngoài hai công trình này, tám công trình tiêu biểu khác cũng được đánh giá cao từ Ban giám khảo vì tính ứng dụng vào thực tiễn rất cao.

Ông Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thành viên Ban Giám khảo - nhận định: “Các công trình năm nay đảm bảo được tính mới và có tính sáng tạo. Nhiều công trình có tính thực tiễn áp dụng việc nâng cao chất lượng giáo dục trong tường học. Tuy nhiên vẫn cần được cân nhắc trước khi ứng dụng. Hầu hết các công trình là ứng dụng công nghệ thông tin nên khả năng ứng dụng sẽ rất cao, nhất là trong xu thế hiện nay”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.