Khi nào tiền đến tay?

GD&TĐ - Giữa tháng 7, trên 30 nghìn giáo viên tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hồ hởi với thông tin Thủ tướng đồng ý bổ sung họ vào đối tượng được hưởng gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết sẽ nhanh chóng thảo luận với các bộ, ngành liên quan, sớm có hướng dẫn để các địa phương triển khai và kéo dài thời hạn hỗ trợ đến hết năm 2020. 

Tuy vậy, đến giờ này vẫn chưa có văn bản chính thức nào về việc hỗ trợ cho giáo viên tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Và chắc hẳn là chưa có thầy, cô nào được thụ hưởng chính sách này.

Trên thực tế, gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng kết thúc vào tháng 6 năm nay, nhưng theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 13/7 mới giải ngân gần 11,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho 11,5 triệu người và hơn 9 nghìn hộ kinh doanh. Phần lớn số tiền giải ngân là dành cho hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng; không có mấy lao động mất, thiếu việc làm nhận được gói hỗ trợ này.

Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến cuối tháng 6 mới có hơn 400 người thuộc nhóm đối tượng lao động bị mất/ thiếu việc làm được hưởng gói 62 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, Cục Việc làm cho biết, số người bị giảm thu nhập do mất việc hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc là gần 8 triệu người. Trong khi quá trình giải ngân chậm trễ, người lao động vẫn phải tự mình chịu đựng tất cả những khó khăn do dịch bệnh và suy giảm hoạt động kinh tế gây ra.

Cách đây vài ngày, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất một gói hỗ trợ mới dành cho doanh nghiệp và người lao động khó khăn do dịch Covid-19 với kinh phí 18.600 tỷ đồng. Trong đó, 15.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, người lao động tại khu vực nông thôn vay với lãi suất 3,96%/năm để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm.

Còn lại 3.600 tỷ đồng dành để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm... Cụ thể, đối tượng thụ hưởng là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm, hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng và áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12/2020.

Rất có thể, nhiều thầy cô thuộc diện được hưởng gói hỗ trợ này, nhưng vấn đề quan trọng hơn là khi nào tiền đến tay họ? Chính phủ và các bộ ngành liên quan sẽ làm gì để sự chậm trễ giải ngân - đã diễn ra với gói hỗ trợ lần 1 - không lặp lại?

Vào lúc này, dịch bệnh quay trở lại khiến người dân, doanh nghiệp càng thêm khốn đốn thì ưu tiên hàng đầu của Chính phủ phải là bảo đảm an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.

Theo đó, ở góc độ an sinh xã hội, các chính sách như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất kế sinh nhai phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có. Muốn vậy, chính sách ban hành ra phải kèm theo nguồn lực thực hiện; quy trình. thủ tục phải đơn giản, rõ ràng, không “đánh đố” người thụ hưởng.

Nếu khả năng giải ngân các gói cứu trợ xã hội có thể chậm hoặc gần như bất khả thi do mạng lưới thực thi kém hiệu quả hoặc vì bất cứ lý do nào khác thì cái mất lớn nhất chính là mất niềm tin của người dân. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.