Khâu đột phá để phát triển giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, CBQL GD chính là khâu đột phá, then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục...

Cô trò Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: NTCC
Cô trò Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Đưa ra những đánh giá toàn diện về kết quả ngành Giáo dục triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW sau 10 năm, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục chính là khâu đột phá, then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục”.

Đạt kết quả quan trọng

- Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được sau 10 năm Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) đi vào cuộc sống?

“Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xóa mù chữ; có chuyển biến tốt hơn trong giáo dục phổ thông. Công tác quản lý, quản trị đại học chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng cao. Nhiều cơ sơ giáo dục ngoài công lập có bước phát triển khá cả về quy mô, chất lượng. Ngành GD-ĐT đã quyết tâm phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới công tác quản lý; đổi mới chương trình, SGK phổ thông”.

- Sau gần 10 năm thực hiện, Nghị quyết số 29-NQ/TW được triển khai tích cực, các nhiệm vụ và giải pháp tiến hành khá đồng bộ, đạt kết quả quan trọng. Xin nêu cụ thể một số kết quả mà tôi cho là đáng kể nhất:

Thứ nhất: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong học sinh, sinh viên được chú trọng. Giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật được lồng ghép trong các môn Đạo đức, Giáo dục công dân và trong các môn học/hoạt động giáo dục khác.

Thứ hai: GD-ĐT đã theo định hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Ngành Giáo dục từng bước đổi mới chương trình các cấp học. Xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới hoàn thành vào cuối năm 2018 bảo đảm nội dung tinh gọn, giảm số môn bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn; xây dựng một số môn tích hợp.

Phương pháp dạy học từng bước đổi mới, khắc phục lối truyền thụ một chiều, ghi nhớ máy móc nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Hiện nay, các bộ SGK mới viết theo Chương trình 2018 đã và đang triển khai ở lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10; năm học 2023 - 2024 triển khai các lớp 4, 8, 11. SGK lớp 5, 9, 12 đang được biên soạn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiến hành rà soát, điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp.

Các trường đại học đã công bố chuẩn đầu ra cho từng ngành học và chuyên ngành đào tạo; tăng cường kỹ năng ứng dụng, thực hành; phát triển kỹ năng mềm, chủ động hội nhập. Một số cơ sở đào tạo đại học phát triển nhiều chương trình theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế.

Thứ ba: Hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả GD-ĐT từng bước đổi mới theo hướng xác định phẩm chất, năng lực của người học. Việc đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá đối với giáo dục tiểu học, THCS, THPT được thực hiện vừa định tính, vừa định lượng.

Việc thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học. Bộ GD&ĐT đã tổ chức thành công các Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2023 tại Hoa Kỳ; các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế...

Thứ tư: Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cơ bản tăng về số lượng và nâng cao trình độ đào tạo. Việc bồi dưỡng giảng viên của trường đại học, cao đẳng ở nước ngoài tiếp tục được thực hiện thông qua các đề án đào tạo bằng ngân sách Nhà nước, học bổng Hiệp định và các chương trình học bổng khác. Chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện đúng quy định.

Thứ năm: Công tác quản lý giáo dục từng bước được đổi mới, coi trọng quản lý chất lượng; bước đầu thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Số lượng các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo được quốc tế công nhận và số bài báo quốc tế của các nhà khoa học trong nước ngày càng tăng, từng bước khẳng định vị thế giáo dục đại học của Việt Nam trên bản đồ giáo dục quốc tế.

Thứ sáu: Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là khoa học giáo dục và khoa học quản lý có bước phát triển. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học.

Thứ bảy: Hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo tiếp tục được mở rộng và nâng cao hiệu quả.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ. Ảnh: NVCC

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ. Ảnh: NVCC

Một số tồn tại

- Bên cạnh các kết quả đạt được, theo ông còn những tồn tại, hạn chế gì cần khắc phục khi triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết của Trung ương?

- Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết 29 còn một số hạn chế, yếu kém. Theo đó, GD&ĐT vẫn nặng “về dạy chữ, nhẹ về dạy người và dạy nghề”, nhất là ở vùng sâu, xa, miền núi. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực thấp, chưa đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong học sinh, sinh viên một số nơi chưa đạt yêu cầu. Việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng thiết yếu cho người học chưa đáp ứng yêu cầu của cơ sở sử dụng lao động. Năng lực hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục chưa cao. Quy mô giáo dục ngoài công lập chậm phát triển.

Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chưa đạt mục tiêu đề ra, nhiều nơi làm còn hình thức. Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực yếu. Chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhiều nơi chưa gắn với yêu cầu công việc, chưa gắn đào tạo với giải quyết việc làm.

Năng lực một bộ phận cán bộ quản lý, nhà giáo chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo có nơi chưa hợp lý, thừa thiếu cục bộ, nhất là thiếu giáo viên mầm non, gây khó khăn trong tổ chức các hoạt động giáo dục. Một số hạn chế yếu kém chậm khắc phục và tiêu cực trong giáo dục chưa kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi.

Xin nói thêm, có 2 việc chưa thực hiện được theo Nghị quyết 29. Thứ nhất là: Phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm, khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo. Thứ hai là: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Cô trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Cô trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) trong giờ học. Ảnh: NTCC

5 bài học kinh nghiệm

- Theo ông, những bài học nào có thể rút ra từ 10 năm đổi mới giáo dục?

- Theo tôi, từ thực tế 10 năm triển khai đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29, có thể rút ra 5 bài học sau:

Một là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các ngành, các cấp với giáo dục. Bộ GD&ĐT cùng các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực GD-ĐT nói chung và việc thực hiện Nghị quyết 29 nói riêng. Thực tiễn cho thấy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đối với ngành Giáo dục thì ở đó chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt.

Hai là: Trong công tác quản lý, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng kế hoạch - cơ sở để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu đề ra. Kế hoạch dài hạn 10 năm, kế hoạch năm học cần được xây dựng một cách linh hoạt, khả thi. Chú ý kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ.

Cùng đó, cần tăng cường công tác quản trị nhà trường, chủ động phát hiện vấn đề nảy sinh; bám sát thực tiễn, dự báo diễn biến mới để kịp thời xác định, điều chỉnh một số chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp cho phù hợp trong quá trình phát triển giáo dục. Bảo đảm công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý/kiến nghị xử lý vi phạm phải được thực hiện thường xuyên để phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực.

Ba là: Ưu tiên công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm đội ngũ có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT, có khả năng thích ứng với sự thay đổi; chủ động, tích cực tự học và tham gia bồi dường nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề, thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo.

Bốn là: Tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho GD-ĐT. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực. Ưu tiên đầu tư nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm khả thi, tránh lãng phí về nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.

Năm là: Công tác truyền thông, tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh, chủ động, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, trước hết là của các thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giải đáp các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đổi mới, như vấn đề SGK hiện nay.

Cô trò Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ ngoại khóa. Ảnh: NTCC

Cô trò Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ ngoại khóa. Ảnh: NTCC

Nâng cao chất lượng đội ngũ

- Để thực hiện Nghị quyết 29 hiệu quả trong thời gian tiếp theo cần chú ý tới những nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa ông?

- Về nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, việc quan trọng đầu tiên tôi cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Đặc biệt, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường, gắn với tăng cường giáo dục đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau THCS; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở; xây dựng xã hội học tập. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, hoàn thiện chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Ưu tiên đầu tư phát triển đào tạo một số ngành, nghề quan trọng, nhất là những ngành, nghề có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế-xã hội, hoạch định chính sách phát triển đất nước. Từng bước phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp. Xác định các tiêu chí và từng bước xây dựng hệ thống giáo dục mở. Xây dựng một số trường đại học sư phạm trọng điểm tại các vùng, miền.

Thời gian tới, cũng cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm các điều kiện cơ bản để thực hiện tốt Chương trình GDPT, SGK. Hoàn thiện, thực hiện tốt chế độ, chính sách với giáo viên, sinh viên sư phạm, nhất là tiền lương, tạo động lực cho thầy cô an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Tăng cường sử dụng phương tiện, phương pháp dạy học hiện đại.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong GD-ĐT. Coi trọng quản lý chất lượng, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản lý nhân sự và quản lý tài chính. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong cơ sở giáo dục.

Trong đó, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là khâu đột phá, then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Cần chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên; đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ; sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo con người phát triển toàn diện, chú trọng kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của thời kỳ số hóa; coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát huy giá trị đó trong bối cảnh mới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ