Căn nhà chừng 20m2 mà bà con hàng xóm chung tay xây dựng cho trong những ngày hai vợ chồng mang trọng bệnh |
* Nghị lực của người mẹ khốn khổ
Lần theo địa chỉ giới thiệu của cô Lê Kim Qườn, giáo viên trường THCS Đông Hòa, chúng tôi tìm đến gia đình cô Phan Thị Nô (ấp Hòa, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành - Tiền Giang) vào một bữa trưa oi ả. Đó là một căn nhà chừng 20m2 đã cũ kỹ mà bà con hàng xóm chung tay xây dựng trong những ngày hai vợ chồng mang trọng bệnh. Trong nhà, chỉ kê vẻn vẹn một chiếc giường bé xíu, một chiếc bàn học đã mục nát và mấy chiếc ghế con con. Khi nhắc đến cô Nô “dệt chiếu” thì không ai là không biết đến người phụ nữ đã dốc cạn sức mình lo cho chồng con.
Bác Trần Văn Ba (hàng xóm của cô Nô) cho biết: "Chưa thấy ai khổ như cổ, khổ hết phần khổ của người ta rồi (chồng bị bệnh tâm thần, còn cô bị động kinh). Nhưng cô Nô này đã làm cho nhiều người trong xóm thán phục về nghị lực và ý chí vươn lên, trước khó khăn trăm bề của gia đình đã không gục ngã mà vẫn đứng vậy nuôi ba đứa con ăn học tươm tất như bao bạn bè khác".
Ngôi nhà đã quá cũ kỹ để che nắng che mưa cho một gia đình |
*… Và khát khao vươn lên của ba người con
Sự hy sinh của cô Nô được đáp lại bằng lòng hiếu thảo của các con. Ba đứa con của chị lúc nào cũng siêng năng, chăm ngoan và cố gắng học tập, giúp đỡ mẹ rất nhiều trong công việc gia đình.
Vốn là anh cả trong nhà, cậu bé Nguyễn Hữu Thiện đã sớm ý thức hoàn cảnh khó khăn của gia đình, sau khi tốt nghiệp cấp cấp II (trường THCS Nhị Bình), Hữu Thiện xin mẹ lên thành phố làm việc cho một xưởng gỗ. Tuy công việc vất vả và nguy hiểm vì phải thường xuyên tiếp xúc với khói bụi và hóa chất nhưng Hữu Thiện cũng bám trụ được Sài Gòn 2 năm. Đầu năm 2007, tai nạn lao động bất ngờ ập đến, em bị té gãy tay và nằm viện suốt mấy tuần lễ. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của các thầy cô, bạn bè cũ và bà con lối xóm, sau khi khỏi bệnh Hữu Thiện tiếp tục trở lại con đường học hành. Hiện tại, em là học sinh lớp 124 trường THPT Dưỡng Điềm. Nói với tương lai của mình, Hữu Thiện bộc bạch: “Em sẽ phấn đấu học tốt. Sau này, em sẽ thi vào ngành Kế Toán. Nếu đậu, em sẽ cố gắng vừa học vừa làm để ra trường có việc làm lo cho cha mẹ và các em. Em biết những chuỗi ngày khốn khó của cuộc sống đang chờ đón em phía trước. Nhưng chính mẹ sẽ là động lực để em vững bước trên đường học vấn”.
Chị Phan Thị Nô cùng chồng và hai con |
Khác với anh trai mình, Nguyễn Hữa Đức thì tính trầm và ít nói hơn. Tuy nhiên, em rất chăm ngoan và học tốt. Hiện tại, em học lớp 91, trường THCS Đông Hòa. Sau mỗi buổi đến lớp, Hữu Đức cùng với anh Hai phụ mẹ chăm sóc cho cha, em gái và dệt chiếu. Ngoài ra, cậu bé Hữu Đức còn có năng khiếu đàn cò và đàn kìm. Vì vậy, mỗi khi Thánh thất có lễ hội hay trong xóm có đám tang thì đều nhờ Hữu Thiện giúp đỡ. Nghĩ hè vừa rồi, em còn xin mẹ lặn lội xuống trường Trung cấp Văn hóa & Nghệ thuật Tiền Giang học đàn. Nhận xét về em, cô Hồ Thị Thị Lan (Chủ nhiệm lớp 91) xúc động nói: “Gia đình em Đức rất nghèo. Hôm rồi, để có tiền đóng học phí thì mẹ em ấy phải bán 5 kg gạo của nhà Chùa cho. Tôi rất cảm động…Tuy em ấy ít nói nhưng học rất chăm chỉ”.
Giống như hai anh trai mình, Nguyễn Thị Ánh Kiều rất chăm ngoan và học giỏi. Hiện tại, em là học sinh lớp 72 trường THCS Đông Hòa. Là em út trong gia đình, nhưng không vì thế mà Ánh ỷ lại. Em luôn tỏ ra là một người con chăm ngoan và hiếu thảo. Những lúc cha hay mẹ tái phát bệnh, hai anh đi học thì Ánh luôn là người cận kề chăm sóc từng viên thuốc, thìa nước cho cha mẹ.
Chia tay gia đình, điều làm chúng tôi trăn trở: Liệu nghề dệt chiếu và se nhan với thu nhập bấp bên ấy và sức khỏe của cô Nô có đủ để chăm lo cho chồng và các con ăn học?. Và cô Nô còn cho biết mình đang nợ Ngân hàng Huyện 7 triệu đồng, không biết đến bao giờ mới trả nổi?.
Hiện tại, hoàn cảnh của gia đình cô Nô rất mong nhận được sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm gần xa. Mọi giúp đỡ xin quý vị gửi trực tiếp tới cô Phan Thị Nô theo địa chỉ: ấp Hòa, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành - Tiền Giang (ngã ba Đông Hòa-Quốc Lộ 1A) hoặc Vĩnh Sơn (Đại học Tiền Giang): 0938940588.
Vĩnh Sơn