Khát vọng mùa xuân

GD&TĐ - Năm 1960 với bài thơ “Mồ anh hoa nở”, Thanh Hải đã giành giải Nhất cuộc thi thơ do báo Thống Nhất tổ chức. Giải thưởng ấy đã một lần nữa chứng minh Thanh Hải là một nhà thơ chiến sĩ, nhà thơ cách mạng.

Hoa lê. Ảnh: Thiên Thanh
Hoa lê. Ảnh: Thiên Thanh

Cũng từ đó, nhiều bài thơ của ông đã được bạn đọc nhớ tới. Ngòi bút ấy chỉ dừng lại đến ngày 15/12/1980, khi trái tim ông ngừng đập, kết thúc một cuộc đời gắn bó với cách mạng. Thanh Hải đã viết, ông viết vì sự thôi thúc bên trong, vì tình nghĩa sâu nặng với cuộc sống.

Theo lời kể của Trúc Chi, trên báo Sài Gòn giải phóng, số ra ngày 23/2/2013, khi cơn bệnh kéo đến, nhà thơ lả đi. Bỗng cái nhẹ ấm ấp của bàn tay nắm lấy tay mình, nó như phép màu chuyền hơi thở, chuyền tình yêu cho nhà thơ. Gần suốt cuộc đời bàn tay ấy đã cùng nhà thơ đi qua bao mùa xuân, mùa xuân người cầm súng, mùa xuân người ra đồng, mùa xuân hối hả trong em trong anh.

Phía trước mùa xuân là bốn nghìn năm. Mùa xuân đất nước đi qua như vì sao không ở lại. Nhà thơ tỉnh lại, nhận ra bàn tay của người vừa là người thầy thuốc, vừa là người vợ suốt một năm nay bên cạnh chăm sóc mình. Ông tỉnh hẳn, cảm thấy trong mình một hạnh phúc, một mùa xuân đang ở lại, cùng lúc hồn thơ rung lên một ý thơ nho nhỏ mùa xuân: “Một mùa xuân nho nhỏ/Lặng lẽ dâng cho đời/Dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc”. 

Mấy ngày sau, bài thơ hoàn thành với cái tên thật độc đáo Mùa xuân nho nhỏ. Đến phút giây cuối cùng của cuộc đời, trong bàn tay run run, nhà thơ đặt một trang thơ vào tay người vợ thảo hiền, thả một hơi thở nhẹ nhàng. Sau lễ hạ huyệt, nhạc sĩ Trần Hoàn ngồi một mình trong vườn bên mộ Thanh Hải, đọc bài thơ Mùa xuân nho nhỏ ông hiểu thêm nhân cách một thi sĩ, một chiến sĩ. Cũng trong đêm đó nhạc phẩm ra đời, phát sóng trên đài Tiếng nói Việt Nam. Một nhạc phẩm giai điệu Huế và thơ của một hồn thơ Huế da diết cho khát vọng mùa xuân, một mùa xuân với rất nhiều tầng bậc.

Mùa xuân trên dinh đào Nhật Tân (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Lâm
Mùa xuân trên dinh đào Nhật Tân (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Lâm

Bức tranh mùa xuân thiên nhiên

Bức tranh mùa xuân bắt đầu được mở ra với chiều dài, chiều rộng của dòng sông xanh biếc. Con sông ấy hẳn là sông Hương, con sông của hương thơm, con sông của huyền thoại, con sông của thơ và nhạc, con sông trữ tình của xứ Huế mộng mơ. Giữa dòng sông biêng biếc ấy là bông hoa tím biếc – bông hoa mang sắc tím thủy chung, ân tình của mảnh đất cố đô:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Xuân là thế, dịu dàng mà nồng đượm sắc hương. Bông hoa là có thật, hay chỉ là dáng hình của niềm tin? Niềm hi vọng là sắc màu tím biếc thân quen của quê hương mà mãi in đậm trong tâm tưởng nhà thơ khi đang giằng co giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Có một sự hài hòa, tương giao đẹp đẽ giữa hai sắc màu xanh và tím. Thanh Hải đã đảo động từ mọc lên đầu câu, nhấn mạnh vẻ đẹp tràn đầy sức sống của bông hoa. Bông hoa bé nhỏ, mong manh cựa mình tỉnh giấc, xuyên qua bùn đất để bung cánh, tỏa hương, khoe sắc giữa trời xuân, giữa sông xanh ngọt lành mang theo bức thông điệp của sức sống mùa xuân tươi mới. Thi pháp điểm nhãn, gợi tả ta đã từng bắt gặp trong câu thơ bất hủ của Đại thi hào Nguyễn Du:

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Bức tranh xuân còn rộn ràng âm thanh. Đó là tiếng hót lảnh lót, trong veo của chú chim chiền chiện, cánh chim của đồng quê. Nếu trong nhiều thi phẩm khác ta bắt gặp cánh chim én tung bay thì ở đây Thanh Hải lại chọn cho mình một hình ảnh gắn liền như hơi thở, như da thịt của đất trời quê hương. Bầu trời mùa xuân đong đầy tiếng chim khiến cả không gian xao động, hồn người đắm say. Nhà thơ đối thoại với tiếng chim bằng những ngôn từ rất Huế:

“Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời”.

Thanh Hải đã đón nhận mùa xuân với tất cả sự thăng hoa của tâm hồn, điêu luyện trong ngòi bút. Câu thơ cứ như câu nói tự nhiên không trau chuốt từ ngữ nhưng vẫn mang âm hưởng thi ca. Bốn dòng thơ, ba hình ảnh với bút pháp của Đường Thi, nhà thơ đã khắc họa nên bức tranh mùa xuân rạng ngời sức sống, mênh mông cao rộng mà rất đời, rất thực, rất thơ. Chất thơ bay bổng, chất nhạc vấn vương. Tất cả  tỏa sáng trong tâm tưởng. Để rồi từ đó tiếng chim hót trong trẻo, vang lừng, xa như gần lại rõ ràng, tròn trịa kết thành những giọt sương óng ánh sắc màu đọng lại thành giọt long lanh rơi, rơi mãi. Nhà thơ đã tưởng tượng bằng tất cả rung động của tâm hồn “tôi đưa tay tôi hứng”. 

Người đang hứng những tiếng chim hót cứ như là hứng những giọt mưa rơi. Từ tưởng tượng tác giả chuyển sang cảm giác thật tinh tế và tài hoa. Làm sao có thể hứng những âm thanh không hình dáng, kích thước ấy nhưng thật ra âm thạnh đó đã rót vào trái tim mẫn cảm với cuộc sống tinh tế với mọi âm thanh, sắc màu. Một tâm hồn ngập tràn tình xuân, ý xuân. Gần 1.000 năm trước, Mãn Giác thiền sư trước lúc mất đã trối lại với học trò:

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai

Phải chăng cành mai nở muộn, màu nắng của đời ấy lại có một sự đồng điệu với bông hoa tím của Thanh Hải. Cả hai nhà thơ trước đông tàn của cuộc đời đều quên mình vì tình yêu cuộc sống, gắn bó sâu nặng với xứ sở, đều cảm thấy chết không đáng sợ là không còn sống trong lòng người nữa. Cho nên hai sắc hoa lung linh, đẹp đẽ ấy vẫn mãi tươi mới và rực rỡ trên những dòng thơ.

Du xuân. Ảnh: Thiên Thanh
Du xuân. Ảnh: Thiên Thanh

Mùa xuân đất nước

Tiếp nối mạch cảm xúc về mùa xuân thiên nhiên là mùa xuân đất nước. Cả dân tộc bước vào mùa xuân với khí thế khẩn trương náo nhiệt:

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao

Mùa xuân đất nước gắn với những con người đầy tin yêu: Người cầm súng, người ra đồng – những con người sẽ gánh vác trên vai mình hai trọng trách: Chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và lao động để xây dựng đất nước. Cặp từ láy “hối hả”, “xôn xao” với điệp ngữ “Mùa xuân”, “Lộc”, “Tất cả như...” làm cho câu thơ vang lên với nhịp điệu vui tươi mạnh mẽ khác thường, cảm xúc như trào dâng. Đó là hành khúc vào xuân của thời đại mới. Từ trong hiện tại, nhà thơ nhìn sâu vào quá khứ bốn ngàn năm của đất nước. Đất nước ta, đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại nhưng từ trong hình đất nước phôi thai cho đến tận bây giờ đất nước ta trải qua biết bao cuộc đấu tranh với nhiều mất mát hi sinh để giữ từng thước đất.

“Đất nước như vì sao” là hình ảnh so sánh đẹp, đầy ý nghĩa để biểu lộ niềm tự hào đối với đất nước, khẳng định lòng tin vào sự phát triển không gì ngăn cản nổi “cứ đi lên phía trước”. Ba tiếng “cứ đi lên” thể hiện chí khí, quyết tâm và niềm tin sắt đá của dân tộc để xây dựng một Việt nam giàu mạnh. Soi chiếu với hoàn cảnh ra đời của bài thơ – năm 1980 - thời khắc đất nước phải đối diện với muôn nghìn khó khăn thử thách, ta càng thêm trân quý niềm tin ấy của tác giả. Trước sự đồng hiện của mùa xuân thiên nhiên và mùa xuân đất nước, nhà thơ nghĩ về mùa xuân của đời mình.

Mùa xuân và khát vọng tận hiến cuộc đời 

Sau những suy tư về đất nước là tâm niệm của nhà thơ. Tác giả nguyện cầu được hóa thân. Nếu khổ thơ đầu nhà thơ xưng “tôi” thì ở đây nhà thơ chuyển sang xưng “ta” không phải là sự ngẫu nhiên. Với “ta” vừa là số ít vừa là số nhiều, tác giả có thể nói được cái riêng biệt cụ thể, đồng thời lại nói được cái khái quát, cái chung. Ta vừa là tôi vừa là tất cả chúng ta. Lẽ sống cao đẹp thuộc về tất cả mọi người. Đây là quan niệm, phương châm sống và cống hiến của tác giả mà cũng là của chúng ta. Khát vọng của nhà thơ được làm một “con chim” để dâng cho đời tiếng hót lanh lảnh chào ngày mới, “làm một cành hoa” tỏa hương khoe sắc và làm “một nốt trầm” phẳng lặng, một tiếng nhạc dịu êm neo đậu lòng người, xao xuyến vạn trái tim để nâng đỡ những nốt cao.

Cách chọn hình ảnh như thế vừa tự nhiên, hợp lí theo sự chuyển nghĩa của hình ảnh mùa xuân từ thiên nhiên đến xuân tư tưởng làm cho các tầng lớp trước sau của bài thơ gắn bó với nhau trong một chỉnh thể thống nhất. Lấy cái đẹp của thiên nhiên để thể hiện cái đẹp của lòng người. Con chim, cành hoa vốn nhỏ bé trong đời nhưng sẽ kết tinh thành mùa xuân nho nhỏ, một khá vọng tha thiết, khiêm tốn được sống có ích, tận hiến cho đất nước. Những tư tưởng lớn đã gặp nhau khi mà trong bài hát Tự nguyện nhạc sĩ Trương Quốc Khánh hay Tố Hữu trong Một khúc ca xuân đã khẳng định, thiết tha. Đến đây, nhà thơ không còn cầm bút nữa mà đang ôm đàn, gõ phách hát bài ca mùa xuân, bài ca cuộc sống. 

Tất cả đã thể hiện niềm khát khao sống, khát khao hiến dâng đến khôn cùng của tác giả. Điều đáng nói ở đây là khi sáng tác bài thơ, nhà thơ đang nằm trên giường bệnh. Trong cái tuổi đương xuân của đời người ấy có mấy ai chấp nhận được sự thật là mình sắp lìa khỏi cõi đời với phong thái yêu đời như thế. Phải chăng, Thanh Hải nhận ra cái hữu hạn của cuộc đời con người, có lẽ vì vậy mà muốn được là thiên nhiên, nghệ thuật để bất tử, vĩnh hằng mà cống hiến? Và ở đây có một mối dây liên hệ giữa tiếng hót của chú chim chiền chiện, giữa bông hoa tím biếc của dòng sông quê hương, giữa mùa xuân tinh khôi của đất trời, giữa bản hòa ca vào xuân của đất nước và khát vọng của tác giả. Có lẽ vì thế, một vấn đề lớn lao có ý nghĩa phổ quát là lý tưởng sống cao đẹp của con người lại nhẹ nhàng, thấm nhuần vào lòng người đến vậy.

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

Ai cũng phải sống có ích cho đời. “Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo, khắc sâu ý tưởng “Mỗi cuộc đời đã hóa núi sông ta” (Nguyễn Khoa Điềm). Bỡi lẽ “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu). Sống hết mình thủy chung cho đất nước, đem cả cuộc đời mình phục vụ đất nước cả từ lúc “tuổi hai mươi” đến khi “tóc bạc”. 

Thơ hay là ở cảm xúc chân thành. Thanh Hải đã nói lên những lời “gan ruột” của mình, ông đã sống như lời ông tâm tình. Cũng vì thế khổ thơ cuối là tiếng hát yêu thương. Phải chăng nhà thơ vừa làm thơ vừa hát những câu thơ của mình, hát theo làn điệu dân của quê hương xứ Huế. “Nước non ngàn dặm mình” rồi lại “nước non ngàn dặm tình”. Phải là người nặng sâu với quê hương, với cuộc đời, với những khát vọng về mùa xuân mãnh liệt mới có thể viết lên những vần thơ như vậy. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Không nên bảo quản khoai tây trong tủ lạnh cùng với táo hoặc chuối vì điều này có thể ức chế sự nảy mầm. (Ảnh: ITN)

Có nên ăn khoai tây mọc mầm?

GD&TĐ - Khoai tây mọc mầm có ăn được không là thắc mắc của nhiều người, chuyên gia sẽ giải đáp ngay trong bài viết này.