(GD&TĐ) - Đúng 9 giờ ngày 14 tháng Giêng âm lịch, Ngày thơ Việt Nam lần thứ X chính thức khai mạc tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám để tham dự ngày hội thi ca của dân tộc.
Tới dự Ngày thơ có các đồng chí : Phạm Vũ Luận, Uỷ viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo; Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam; đồng chí Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội khóa XIII; đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lí luận Trung ương; cùng lãnh đạo các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…các tỉnh thành lân cận. Đặc biệt, Ngày thơ năm nay thu hút sự tham dự của hơn 70 nhà thơ quốc tế đến từ 28 quốc gia vùng lãnh thổ Châu Á – Thái Bình Dương, cùng hàng ngàn khán giả yêu thi ca trong và ngoài nước.
Khách yêu thơ |
Phát biểu tại lễ khai mạc ngày thơ Việt Nam lần thứ X, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: “Qua nhiều lần tổ chức ngày thơ Việt Nam ngày càng được nâng cao, mở rộng và trở thành ngày hội văn hóa của người việt trong, ngoài nước. Ngày thơ Việt Nam lần thứ X càng thành công hơn khi Việt Nam vừa tổ chức thành công Liên hoan Thơ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất… Chăm lo cho sự phát triển thơ ca cũng chính là chăm lo cho đời sống tinh thần của mỗi cá nhân, mỗi xã hội và đất nước. Nó là chất keo tạo nên sự gắn kết con người với con người, dân tộc với dân tộc, quốc gia với quốc gia”. Sau lời phát biểu khai mạccủa nhà thơ Hữu Thỉnh, các vị đại biểu và người yêu thơ đã dành một phút tưởng niệm các nhà Thơ Mới đã để lại những thành tựu đáng kể cho nền văn học nước nhà.
Tại ngày thơ Việt Nam, công chúng yêu thơ đã được nghe các nghệ sỹ trình bày 2 bài thơ: “Nguyên Tiêu” và “Cảnh rừng Việt Bắc” của Hồ Chủ tịch. Ngày thơ Việt Nam lần thứ X còn là ngày để tôn vinh 80 năm Phong trào Thơ Mới mà người duy nhất còn lại đến ngày ngay là nhà thơ Xuân Thâm…Sự nối tiếp của thơ ca từ thời kỳ Thơ mới cho đến nay là một minh chứng cho quá khứ và sự đóng góp lớn lao của thơ mới cho sự nghiệp phát triển thơ ca nước nhà . Đây là lễ hội của mùa xuân-và thơ ca. Lễ hội của tri ân và tình yêu thơ ca. Việc nối tiếp thành tựu thơ mới và phát triển trong dòng chảy thơ ca nước nhà là nhiệm vụ hôm nay của những người cầm bút, đặc biệt là của thế hệ các nhà thơ nối tiếp.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X, có sự xuất hiện đầu tiên của dàn cồng chiêng của dân tộc Mường đến từ tỉnh Hòa Bình thể hiện tác phẩm "Đẻ đất đẻ nước". Những câu thơ hay đã được thả lên trời, và những cánh chim bồ câu chao liệng trên sân thơ Văn Miếu –như những tín hiệu của hòa bình đã khiến khán giả yêu thơ thích thú. Những sân thơ, chiếu thơ, những câu lạc bộ thơ đến từ các vùng miền khác nhau của đất nước đã như những cánh chim tụ hội.
CLB thơ |
Hiếm có ở nơi nào trên thế gian này có một đất nước mà “ra ngõ gặp nhà thơ” như ở Việt Nam. Du khách và công chúng yêu thơ trong và ngoài nước đã thực sự coi ngày hội thơ vào rằm tháng giêng như là ngày hội của cái đẹp, của những giấc mơ, của sự tri ân và tình bằng hữu. Với thơ, sức mạnh lớn nhất là xóa bỏ biên giới của lãnh thổ. Chỉ còn lại một tiếng nói chung: cùng tôn vinh và tri ân vẻ đẹp vĩnh hằng của con người, của tạo hóa tự nhiên.Đặc biệt là của hòa bình.
Các nhà thơ quốc tế và các nhà thơ Việt Nam đã giao lưu trong không gian thơ, thấm tình đoàn kết, hợp tác và hữu nghị. Hành trình từ Hạ Long đến Hà Nội từ đầu tháng đến nay là hành trình cùng thơ, vì thơ và vì hòa bình cũng như tình hữu nghị. Về quốc gia mình, chắc chắn các nhà thơ sẽ không thể quên sự thân tình cới mở và lòng mến khách đặc biệt của nhân dân Việt Nam.
Thực tế cho thấy, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng với Việt Nam, bất kỳ không gian nào cũng là không gian của thơ, và bất kỳ ai cũng có thể trở thành thi nhân-miễn là họ thực lòng yêu cái đẹp, cái thiện. Lịch sử cho thấy, từ Vua Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông đến Chủ tịch Hồ Chí Minh- đó không chỉ là các bậc vĩ nhân, là niềm tự hào dân tộc, mà mỗi bậc vĩ nhân đã là một nhà thơ thực sự. Mỗi bậc vĩ nhân đã biến bản anh hùng ca dân tộc thành tác phẩm thơ ca đánh giặc ngoại xâm và xây dựng bờ cõi, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ, xây dựng đất nước phần vinh.
Dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu tiếng cười, yêu thơ ca. Chính thơ ca đã hóa giải muộn phiền và nâng đỡ tâm hồn người trong lúc gian nan, tuyệt vọng. Chính vì vậy, có nhà thơ Việt Nam đã viết: “ Có những phút ngã lòng, tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy”. Đó là sự thật đã được thực tế chứng minh.
Tại sân thơ Văn Miếu, từ đêm 13 tháng giêng đến ngày 14 tháng giêng năm nay, sự xuất hiện của thơ ca và sự tôn vinh cái đẹp vĩnh cửu của thơ là một sự thật hiển nhiên không thể phủ nhận. Điều đó thể hiện ở việc mọi ngả đường tới sân thơ Văn Miếu tấp nập, đông đúc, ở những gương mặt hồ hởi say đắm cùng thơ ca. Họ đến bằng tâm trạng náo nức, bằng những nỗi niềm khác nhau, bằng cả những ký ức của thơ và đặc biệt là tôn vinh thơ ca trong lòng yêu quý mãnh liệt.
Thơ ca không có tuổi. Đó là sự bất tận vĩnh cửu của mơ ước và khát vọng, của sự chiêm nghiệm, của những giấc mơ chưa thể thực hiện được trong cuộc sống đời thường.
Chúng ta sẽ thấy điều đó qua những tập thơ, vần thơ, qua những thư pháp bằng thơ. Qua công chúng yêu thơ. Vì vậy, thơ và vẻ đẹp vĩnh hằng của thơ sẽ vẫn còn nơi trú ngụ trong tâm hồn mỗi người và trên cõi đời này.
Xin trân trọng gửi tới độc giả một số hình ảnh trong Lễ hội thơ năm nay:
Chén trà Thái làm ấm lòng khách thơ |
Góc sân thơ của nhà thơ Văn Thùy |
Nhà thơ Trần Nhương vẽ tốc ký chân dung cho nhà thơ Nguyễn Anh Nông |
phút ngẫu hứng của một nghệ sĩ |
Chiều cùng ngày, tại sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học cho 11 tác giả có tác phẩm đạt giải trong hai năm: 2010, 2011; trao Bằng khen tặng các tác giả có đóng góp cho văn học; Bằng khen tặng các Hội Văn học Nghệ thuật thuộc 11 tỉnh, thành phố tham gia Ngày Thơ năm 2011 và Bằng khen tặng các Câu lạc bộ Thơ…
Nhà thơ Hữu Thỉnh và các tác giả đoạt giải thưởng văn học của Hội Nhà văn VN trong 2 năm 2010 và 2011. |
Phát biểu tại lễ trao giải, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: “Các tác phẩm đoạt Giải thưởng Hội NVVN năm 2010 và 2011 bao hàm cả hai yếu tố quan trọng của giải thưởng: đó là sự khẳng định và sự phát hiện. Sự khẳng định đối với các tác giả đã có tên tuổi trong nền văn học nước nhà như: Nguyễn Xuân Khánh, Trần Đức Tiến, Thái Bá Lợi, Hoàng Ngọc Hiến, Từ Quốc Hoài, Trung Trung Đỉnh, Mai Văn Phấn… và sự phát hiện đối với Đỗ Doãn Phương, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Danh Lam. Mỗi tác phẩm đem đến những vẻ đẹp của sự sáng tạo và ý nghĩa của chủ nghĩa nhân văn sâu sắc cùng với những giá trị bền vững của một tinh thần sống được hiển lộ trong cuộc sống của mọi nhân vật từ một con người vô danh đến nhân vật lịch sử…
Chu Thị Thơm-Phong Lan