“Mùa xuân nho nhỏ”: Gieo những hạt giống của lẽ sống đẹp

“Mùa xuân nho nhỏ”: Gieo những hạt giống của lẽ sống đẹp

Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết trong bài “Một khúc ca xuân”:

“Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

Lẽ sống cao đẹp "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” của nhà cách mạng ấy đã trở thành lí tưởng trong bài ca cuộc đời của biết bao thế hệ. Đó cũng là niềm khát khao cháy bỏng trong tâm hồn nhà thơ Thanh Hải, được gửi gắm qua bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" (11/1980). Bài thơ như những nốt nhạc trầm bổng, những giai điệu ngân nga cất lên tự đáy lòng của một con người tha thiết được góp phần nhỏ bé vào cuộc đời chung rộng lớn.

Mùa xuân là mùa của khởi đầu, thường gợi lên trong mỗi chúng ta niềm khát khao và hi vọng. Phải chăng vì thế mà Thanh Hải lựa chọn mùa xuân để khởi nguồn cảm hứng. Đó là thời điểm thi sĩ nhìn lại cuộc đời để bộc bạch tâm niệm của con người đã gắn bó trọn đời với quê hương, đất nước.

Mở đầu bài thơ như tiếng hát reo vui đón chào một mùa xuân đẹp đã về. Trên dòng sông xanh của quê hương mọc lên "một bông hoa tím biếc” - tín hiệu mùa xuân được đón nhận bằng niềm hân hoan, vui sướng:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

"Giọt long lanh" là giọt sương mai hay giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện? Sự chuyển đổi cảm giác đã khiến âm thanh như mang hình khối, mang màu sắc lấp lánh, tinh khiết. Hình ảnh đó đem lại sự liên tưởng đầy chất thơ.

Giọt âm thanh hay giọt mùa xuân, giọt niềm vui, hạnh phúc? "Tôi đưa tay tôi hứng" là một cử chỉ bình dị, trân trọng, thể hiện sự say sưa, ngây ngất trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời vào xuân. Bấy nhiêu hình ảnh đã làm nên một bức tranh xuân tươi đẹp, đầy sức sống và quyến rũ lạ thường.

Từ mùa xuân của thiên nhiên đất trời, Thanh Hải đã chuyển cảm nhận về mùa xuân của cuộc sống, của nhân dân và đất nước. Nghĩ về con người, nhà thơ liên tưởng đến hai hình ảnh: Người cầm súng và người ra đồng. Phải chăng mùa xuân của đất trời đọng lại trong lộc non đã theo người cầm súng và người ra đồng, hay chính họ đã đem mùa xuân đến cho mọi miền của Tổ quốc thân yêu?

Sức sống của “mùa xuân đất nước” được nhà thơ cảm nhận qua nhịp điệu hối hả, qua những âm thanh xôn xao, qua hình ảnh so sánh rất đẹp:

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước

Nhìn lại chiều dài suốt bốn nghìn năm lịch sử, nhà thơ khẳng định đất nước đã trải qua nhiều gian lao vất vả nhưng luôn vững vàng tiến lên phía trước. Hình ảnh so sánh độc đáo "Đất nước như vì sao" gợi niềm tự hào, lạc quan và niềm tin sâu sắc của tác giả về ngày mai tươi sáng.

Từ cảm xúc về mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước, mạch thơ chuyển tự nhiên sang bày tỏ suy ngẫm và tâm niệm của Thanh Hải với cuộc đời. Đó là mùa xuân trong tư tưởng nhà thơ.

Ta làm con chim hót,

Ta làm một cành hoa.

Ta nhập vào hoà ca,

Một nốt trầm xao xuyến

Điệp từ "ta làm" tạo nên nhịp thơ dồn dập, diễn tả khát vọng cống hiến, khát vọng sống hòa nhập vào cuộc sống của đất nước. Nhà thơ ước nguyện được làm một tiếng chim, một cành hoa để góp vào vườn hoa muôn hương muôn sắc, rộn rã âm thanh, để tô điểm cho mùa xuân đất nước thêm tươi đẹp; nguyện cầu được làm một “nốt trầm xao xuyến” không ồn ào mà âm thầm, lặng lẽ để “nhập” vào khúc ca chung của nhân dân.

Tâm niệm nhỏ nhoi, chân thành ấy được thể hiện bằng những hình ảnh tự nhiên, lời thơ tâm sự nhỏ nhẹ, chân tình mà gợi xúc động sâu xa trong lòng độc giả.

"Mùa xuân nho nhỏ" khẳng định sự cống hiến suốt cả cuộc đời của Thanh Hải. Thái độ "lặng lẽ dâng cho đời” nói lên ý nguyện thật khiêm nhường nhưng hết sức bền bỉ và vô cùng đáng quý vì đó là những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời con người.

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

Dẫu đã qua tuổi xuân của cuộc đời, nhà thơ vẫn khao khát được làm một mùa xuân nho nhỏ trong cái mùa xuân lớn lao của đất nước. Điệp ngữ “dù là” ở đây như lời tự khẳng định, tự nhủ lòng sẽ phải kiên trì, thử thách với thời gian, tuổi già, bệnh tật, để mãi "lặng lẽ dâng cho đời" những gì hữu ích nhất.

Ước nguyện đó đã được nâng lên thành một lẽ sống cao đẹp, không chỉ cho riêng nhà thơ mà cho tất cả chúng ta, cho ngày nay và cho mai sau. Đó là lẽ sống cống hiến, khiêm tốn và hết mình, không kể tuổi tác.

Chúng ta trân trọng và kính phục nhà thơ Thanh Hải khi đọc những vần thơ như lời tổng kết của cuộc đời. "Dù là tuổi hai mươi" khi mới tham gia kháng chiến cho đến khi tóc bạc vẫn lặng lẽ dâng hiến cho đời. Đây là thi phẩm được Thanh Hải sáng tác trước khi nhà thơ qua đời một tháng nên bài thơ giống như "mùa xuân nho nhỏ" cuối cùng ông dành tặng cuộc đời.

Đặt trong hoàn cảnh đó ta mới hiểu hết được tâm nguyện của người chiến sĩ cách mạng đã cống hiến trọn vẹn cho đất nước. Sẽ không bao giờ có cái chết vì nơi tận cùng cũng là khởi thủy cho những mầm sống mới bởi Thanh Hải trước khi sang thế giới bên kia đã gieo vào lòng người đọc những hạt giống của lẽ sống đẹp ở đời.

Với “Mùa xuân nho nhỏ”, Thanh Hải đã góp vào nền thơ hiện đại Việt Nam một bài thơ xuân đẹp. Bài thơ cho thấy một hồn thơ trong trẻo, điệu thơ ngân vang, xúc động. Tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước được Thanh Hải diễn tả sâu sắc, cảm động qua thể thơ ngũ ngôn giàu chất nhạc, để lại nhiều dư ba, xao xuyến.

Thi phẩm đã làm sáng lên quan niệm của nhà thơ trong cuộc sống. Sống dâng hiến mãi là lẽ sống cao cả mà chúng ta cần phải phát huy: Hãy lặng lẽ dâng cho đời "mùa xuân nho nhỏ" của mình để tạo nên mùa xuân mới, mùa xuân lớn của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani. Ảnh: Fatemeh Bahrami/Getty Images

Iran đòi Mỹ bồi thường nghìn tỷ USD

GD&TĐ - Một quan chức cấp cao Iran cho biết Washington phải bồi thường thiệt hại do lệnh trừng phạt đơn phương gây ra cho nước ông trong nhiều thập kỷ.