'Khát' nhân lực mùa du lịch, doanh nghiệp về trường tuyển dụng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều doanh nghiệp du lịch đã tìm đến tận trường để tuyển dụng sinh viên...

Sinh viên tham gia Ngày hội việc làm năm 2023.
Sinh viên tham gia Ngày hội việc làm năm 2023.

Cơ hội cho sinh viên

Theo các cơ sở đào tạo ngành du lịch, để tốt nghiệp, mỗi sinh viên cần trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết. Cùng với đó là quá trình tích lũy vốn kiến thức văn hóa - xã hội thông qua sách vở, hoạt động văn hóa, phong trào… Đặc biệt, ngoại ngữ được coi là “chìa khóa vàng” để các bạn trẻ tiếp cận với cơ hội việc làm tốt hơn.

Với những ai theo học ngành du lịch, trải nghiệm được gặp trực tiếp nhà tuyển dụng là rất đáng quý bởi họ được học, khám phá và có cơ hội hưởng mức thu nhập hậu hĩnh.

ThS Trần Thị Lan, giảng viên Trung tâm Liên kết đào tạo và quan hệ doanh nghiệp, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, nhà trường vừa tổ chức Ngày hội việc làm 2023. Đây là dịp giao lưu, trao đổi thông tin giữa sinh viên, đặc biệt là sinh viên sắp ra trường với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.

Thông qua Ngày hội việc làm, nhà trường đã hỗ trợ sinh viên kỹ năng thực hiện hồ sơ xin việc, phỏng vấn cùng các kỹ năng mềm khác. Ngày hội cũng hỗ trợ sinh viên tìm kiếm nơi thực tập, việc làm bán thời gian và toàn thời gian. Theo ThS Trần Thị Lan, Ngày hội việc làm 2023 có hơn 20 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, thực hiện tuyển dụng, tuyển sinh nhiều vị trí, ngành nghề với mức lương hấp dẫn. Lao động trúng tuyển có thể làm việc tại Việt Nam hoặc làm việc, du học tại các quốc gia trên thế giới như Đức, Nhật Bản, Đài Loan. Đây cũng là cơ hội cho sinh viên của trường tiếp cận được thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề…

“Qua hợp tác, nhà trường thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp về nhu cầu của thị trường lao động. Từ đó, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế cũng như đảm bảo sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên đào tạo, nâng cao chương trình đào tạo, đảm bảo cho sinh viên thực tập có thể đảm nhiệm công việc, “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng. Qua kỳ thực tập, các em làm tốt có thể được nhận vào làm với mức lương tốt, bồi dưỡng thêm kỹ năng để điều hành một bộ phận nào đó trong doanh nghiệp” - ThS Trần Thị Lan cho biết.

Đông đảo doanh nghiệp tham dự ngày hội tuyển dụng.
Đông đảo doanh nghiệp tham dự ngày hội tuyển dụng.

Xu hướng tuyển dụng

Theo ông Đoàn Minh Phú, Tổng Giám đốc Công ty CP Miresto thì số sinh viên của Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội thực tập tại đơn vị khoảng 100 người/năm. Tỉ lệ được giữ lại ở doanh nghiệp khoảng 60 - 70%.

Mức lương tùy theo vị trí, lương cơ bản của nhân viên bếp, phục vụ bàn khởi điểm trên 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, người lao động còn có thêm tiền tip, sản lượng, tiền thưởng… nên thu nhập có thể nâng lên 6 - 7 triệu đồng/tháng. Còn nếu làm việc 1 - 2 năm thì mức lương có thể 10 - 12 triệu đồng/tháng, thậm chí 15 - 20 triệu đồng/tháng. Về lâu dài, mức thu nhập bếp trưởng có thể đạt được 30 - 50 triệu đồng/tháng, quản lý nhà hàng 30 - 60 triệu đồng/tháng, giám sát là 15 - 20 triệu đồng/tháng…

Khi thực tập, sinh viên sẽ học được rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm thực tế. Ví dụ, vị trí đầu bếp học được cách sơ chế, làm chảo… Nếu là phục vụ bàn, các bạn có cơ hội trau dồi kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống. Bên cạnh tự trang bị kiến thức nền, các bạn phải để ý tới thái độ, tác phong nghề nghiệp. “Có thể kỹ năng chưa đủ nhưng nếu thái độ tốt, khách hàng vẫn yêu quý, thông cảm và đến với mình”, ông Phú cho hay.

Về kinh nghiệm, Tổng Giám đốc Công ty CP Miresto khuyên các bạn sinh viên cần bổ sung các kỹ năng giao tiếp với khách hàng. Thứ hai, bạn trẻ nên suy nghĩ và rèn luyện thái độ của bản thân đối với nghề nghiệp đã chọn, từ đó chăm chỉ học hỏi, học thêm từ đồng nghiệp. “Doanh nghiệp, người đi trước luôn luôn sẵn sàng đào tạo, hướng dẫn, nhưng bản thân thái độ đối với nghề nghiệp phải nghiêm túc. Các bạn có chọn đấy là một nghề hay không thì đó chính là điểm quyết định sự thành công”, ông Phú chia sẻ.

Theo vị này, xu hướng chung của doanh nghiệp là tuyển người lao động có kỹ năng, kiến thức và thái độ chuyên nghiệp. Ngoài ra, các bạn sinh viên có lợi thế về tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn cũng được ưu tiên. Bởi nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho khách Âu, Nhật, Hàn. Do đó, yêu cầu về ngoại ngữ đối với nhân viên ngày càng tăng lên.

Ông đánh giá, nguồn nhân lực hiện nay đang thiếu vì nhiều người chọn làm nghề du lịch xong lại đổi nghề khác. Thứ hai, du lịch trong nước chưa quá phát triển. Do vậy, cơ hội việc làm, cơ hội thu nhập tốt có nhưng cũng rất khắc nghiệt. “Các bạn sinh viên còn trẻ nên phải rèn luyện kiến thức tốt, kỹ năng tốt, thái độ tốt thì sau này mới thành công”, ông Phú chia sẻ.

Theo ThS Trần Thị Lan, qua dịch Covid-19, nhiều công ty du lịch đóng cửa, nguồn nhân lực tản mát. Tuy nhiên, nhà trường đã có kế hoạch, chiến lược đẩy nhanh đào tạo nhân lực phục vụ doanh nghiệp. Sinh viên của trường có cơ hội làm việc tại các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng của các tập đoàn lớn ngay trong mùa du lịch 2023. Đây là cơ hội để các em có thể tìm ngay được việc làm trước khi ra trường.

ThS Trần Thị Lan cho biết, hiện tại, hai ngành Quản trị khách sạn và Quản trị du lịch có số lượng việc làm nhiều nhất. Với hai ngành này, sinh viên ra trường có thể tìm được việc ngay.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, hiện nay ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 - 1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, nhu cầu về lao động khối cơ sở lưu trú khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ