Đại dịch covid-19 và cơ hội việc làm cho sinh viên ngành du lịch

GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid đã và đang được kiểm soát tốt, ngành du lịch trong nước cũng như quốc tế dần được phục hồi.

Đây là điểm đáng mừng cho nền kinh tế quốc gia nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn bởi ngành du lịch đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân sự trầm trọng hậu thời kỳ Covid-19, đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao… Liệu đây có phải là cơ hội việc làm lớn cho sinh viên và người làm ngành du lịch?

Du lịch - ngành tiềm năng sau thời kỳ Covid-19

Dễ dàng để nhận thấy rằng, du lịch lữ hành là ngành gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất so với các ngành nghề khác trong thời đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt kinh tế toàn cầu, khiến ngành du lịch sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử và quay trở lại mức phát triển của 30 năm trước. Trong những giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch, thế giới đã ghi nhận 96% các điểm đến áp dụng đóng cửa biên giới hoàn toàn hoặc một phần đối với du khách.

Theo số liệu của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cung cấp, khảo sát số lượng tuyển sinh đối với 15 cơ sở GDNN du lịch được thực hiện vào tháng 9/2021 cho thấy: Đến tháng 9/2021 số lượng tuyển sinh ngành du lịch đã bị sụt giảm 32%; đến hết năm (tháng 12/2021) chỉ bằng 50% so với năm 2019, giảm khoảng 50%. Năm 2019, Việt Nam có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch; năm 2020, gần 80% nhân sự trong lĩnh vực này bị cắt giảm. Năm 2021, chỉ có 25% trong số còn lại làm đủ thời gian.

Tuy nhiên, khi các tình trạng dịch bệnh được kiểm soát, các quy định giãn cách xã hội cũng như hạn chế di chuyển trong nước và trên thế giới dần được nới lỏng, ngành du lịch quốc tế nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã dần dần được phục hồi, cơ hội việc làm đối với ngành quản trị du lịch và lữ hành dần trở nên rộng mở.

“Cơn khát” nhân sự ngành du lịch hậu Covid-19

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), mỗi năm toàn ngành Du lịch cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng học sinh, sinh viên ngành này ra trường mỗi năm khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Chính sự thiếu hụt nhân sự ngành du lịch là một tín hiệu tốt đối với cơ hội lựa chọn việc làm cho người học, người làm với mức lương khởi điểm hấp dẫn và chế độ ưu đãi tốt. Theo đó, ngành học Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành đang dần trở thành xu thế lựa chọn tương đối “hot” của khá nhiều bạn trẻ.

Trước “cơn khát” về nguồn nhân lực Du lịch chất lượng cao, TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhận định, thời gian vừa qua, trong khối đào tạo chính quy, một số cơ sở đào tạo chính quy, trình độ đại học cũng đã kịp thời mở các khoa, ngành đào tạo lĩnh vực du lịch để cung cấp ngay nhân sự chất lượng cao cho ngành du lịch, đón thời điểm du lịch phục hồi hoàn toàn.

Yêu cầu và thách thức mới đối với ngành du lịch

Nhắc đến tầm quan trọng của đội ngũ nhân sự ngành du lịch, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng nguồn nhân lực được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao và hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ du lịch. Đây là một trong những yếu tố chủ chốt giúp kích thích khả năng cạnh tranh trên thị trường du lịch không chỉ ở khu vực nội địa mà còn cả trên thị trường quốc tế.

Trong giai đoạn "bình thường mới", xu hướng lựa chọn địa điểm du lịch và sản phẩm du lịch của du khách sẽ có sự đổi mới, đòi hỏi ngành Du lịch mà trước tiên là đội ngũ nhân lực của ngành cần phải có những thích ứng cần thiết. Một hướng dẫn viên du lịch giờ đây không chỉ đơn thuần thực hiện nghiệp vụ tham gia hành trình tour, giới thiệu, hướng dẫn những trải nghiệm du lịch cho du khách mà còn cần có kỹ năng đảm bảo an toàn phòng chống dịch an toàn, xử lý tình huống kịp thời tạo sự yên tâm, tin tưởng cho du khách trong thời đại hậu dịch.

Giai đoạn phục hồi du lịch hậu Covid-19 mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho mọi người. Tuy nhiên thực tế nhu cầu của du khách, thị trường du lịch đã có những thay đổi, công tác tổ chức tour vì vậy cũng cần phải có sự thay đổi phù hợp để đáp ứng được nhu cầu của du khách ngày nay.

Theo các chuyên gia, để làm tốt công việc du lịch, ngoài nghiệp vụ chuyên môn, hướng dẫn viên du lịch còn phải trang bị cho mình các kiến thức về phòng, chống dịch Covid-19 hay những kiến thức, kỹ năng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với du lịch thông minh, góp phần tạo cho du khách những giá trị trải nghiệm vừa an toàn, vừa thú vị trong suốt chuyến đi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.