Khó cam kết đầu ra
TS Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, cho rằng, trong phát triển du lịch, yếu tố con người luôn là quan trọng nhất. Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố then chốt để tạo ra sự đổi mới và đột phá cho giai đoạn phục hồi và phát triển.
Do vậy, Việt Nam cần quan tâm thích đáng tới công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Đặc biệt, đội ngũ lao động trẻ và tương lai là những nhà quản lý các cấp trong các đơn vị, tổ chức du lịch để đáp ứng những thiếu hụt nguồn lao động trước mắt cũng như có được lực lượng lao động chất lượng cao. Điều này đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong thời gian tới.
“Trước đại dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp du lịch hợp tác rất tốt. Tuy nhiên, với số lượng lớn doanh nghiệp đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, người lao động trong ngành bị mất việc hoặc gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp không thể hỗ trợ sinh viên như giai đoạn trước. Từ đó, nhà trường không thể cam kết đầu ra cho sinh viên ngành du lịch”, bà Hà chia sẻ.
Cũng theo TS Hà, những hình ảnh, thông tin tiêu cực liên tục trên các phương tiện truyền thông hay từ bạn bè người thân đã làm giảm đi động lực và đam mê của sinh viên. Qua đó ảnh hưởng đến chọn lựa công việc tương lai sau này nên gây ra tâm lý e ngại về nghề du lịch cho học sinh và phụ huynh khi chọn trường.
Thực tế, 2 năm qua, lượng tuyển sinh của các ngành đào tạo du lịch sụt giảm khoảng 20 – 30%. Điều đó sẽ làm giảm nguồn cung lao động cho ngành trong tương lai gần.
TS Trịnh Thị Thu Hà đánh giá, tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đội ngũ chuyên gia du lịch chuyên sâu còn ít. Đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục trình độ cao còn thiếu. Bên cạnh đó là liên kết giữa cơ sở đào tạo du lịch với các cơ sở kinh doanh du lịch còn hạn chế. Vì vậy, khả năng cập nhật xu hướng cũng như yêu cầu của ngành du lịch còn nhiều bất cập.
Chưa kể đến việc chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo còn chậm. Chương trình và lịch trình đào tạo không đổi mới, cứng nhắc, không linh hoạt theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Thậm chí, việc thiếu thông tin về nhu cầu đào tạo lao động của doanh nghiệp, địa phương cũng như các chương trình hỗ trợ của Chính phủ đã ảnh hưởng tới hoạt động đào tạo sinh viên tại trường. Từ đó, khó đáp ứng được nhu cầu công tác đào tạo nhân lực du lịch của xã hội.
Lao động còn thiếu và yếu
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội thông tin, nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam trước đại dịch vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Sau đại dịch, phần lớn người lao động chuyển việc. Trong khi, doanh nghiệp hoạt động trở lại còn nhiều khó khăn nên khó có khả năng thu hút lao động trình độ cao do chế độ chưa thực sự phù hợp.
Cùng với đó, lực lượng lao động mới bổ sung từ sinh viên tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học cũng giảm sút trong thời gian tới. Đây là một thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp du lịch khi mở cửa trở lại.
Tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi bối cảnh và xu thế phát triển du lịch của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Vì vậy, xu hướng hay nhu cầu du lịch thay đổi một cách nhanh chóng cần sự thích ứng nhanh và linh hoạt của ngành du lịch. Đặc biệt là lao động trong lĩnh vực này. Do đó, đào tạo lao động cũng cần có sự thay đổi phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.
TS Trịnh Thị Thu Hà cho rằng, lao động ngành du lịch cần nắm được các yếu tố, xu hướng của nghề trong giai đoạn phục hồi. Trong đó, yếu tố an toàn dịch bệnh và thông tin về quy trình bảo đảm an ninh, an toàn điểm đến và bảo đảm cho khách du lịch là mối quan tâm hàng đầu của du khách.
Thậm chí, thói quen sử dụng dịch vụ du lịch của du khách cũng thay đổi. Nhất là nhu cầu về các sản phẩm du lịch có sự thay đổi. Bởi đại dịch đã thúc đẩy sự quan tâm của du khách tới những trải nghiệm du lịch độc đáo và chân thực. Điều này đòi hỏi sự bền vững đối với các sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, xu thế lựa chọn các điểm đến mới, có các hoạt động gần gũi với thiên nhiên, nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa ẩm thực, tránh tiếp xúc đông người đang được ưu tiên lựa chọn. Vì vậy, mỗi địa phương, doanh nghiệp cần dựa vào tài nguyên để xây dựng những sản phẩm du lịch chuyên biệt.
Trước xu hướng mới của ngành du lịch, yêu cầu đối với công tác đào tạo nghề cần chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số. Bên cạnh đó là thái độ, đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành này.
Hơn nữa, cần xây dựng nội dung về kỹ năng, nghiệp vụ du lịch trong bối cảnh mới. Chú trọng nghiệp vụ phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn cho du khách, cập nhật các kiến thức mới về du lịch.
Đồng thời, lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. Thực hiện ứng xử văn minh du lịch, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
“Các cơ sở đào tạo cũng cần chú trọng về kỹ năng số cho sinh viên, lao động và người dân làm du lịch. Từ đó, họ có thể khai thác các nền tảng công nghệ phục vụ du lịch. Qua đó, tăng cơ hội tiếp cận và kỹ năng xây dựng giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng như quảng bá hình ảnh và điểm đến du lịch”, TS Hà nhấn mạnh.