Khách sạn khiến… thời gian dừng lại

GD&TĐ - Nằm sâu trong vùng núi thuộc tỉnh Yamanashi của Nhật Bản, khách sạn Nishiyama Onsen Keiunkan dường như khiến thời gian dừng lại.

Mặt trước của khách sạn Nishiyama Onsen Keiunkan. Ảnh: CNN
Mặt trước của khách sạn Nishiyama Onsen Keiunkan. Ảnh: CNN

Khách sạn lâu đời nhất thế giới này vẫn giữ được những nét truyền thống như sàn trải chiếu tatami, nhân viên mặc trang phục kimono...

Truyền thuyết kể rằng, năm 705 con trai cả gia đình quý tộc quyền lực nhất thời bấy giờ là Fujiwara no Kamatari phát hiện ra suối nước nóng khi lang thang ở khu vực này.

Ngay sau đó, một nhà nghỉ suối nước nóng truyền thống của Nhật Bản (ryokan) được xây dựng. Trong hơn một thiên niên kỷ, nhiều vị khách thuộc mọi tầng lớp đã tới đây, từ những công chức bình thường cho tới các nhà lãnh đạo nổi tiếng. Thậm chí Hoàng đế Naruhito hiện tại của Nhật cũng đến ngâm mình trong làn nước và tận hưởng khung cảnh thôn dã ở đây.

Địa điểm trên từ lâu đã nổi tiếng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, sự nổi tiếng của nó đã tăng lên đáng kể vào năm 2011 khi Sách kỷ lục Guinness thế giới xác nhận Nishiyama Onsen Keiunkan là khách sạn lâu đời nhất thế giới. Giờ đây, vẫn luôn hoạt động để phục vụ khách du lịch nhưng khách sạn vẫn trung thành với truyền thống 1.300 năm tuổi của mình.

Nằm xa vùng phố thị

Đến Nishiyama Onsen Keiunkan không đơn giản. Đầu tiên, du khách đi qua nhà ga Shizuoka nhộn nhịp ở tỉnh cùng tên, sau đó lên tàu cao tốc hướng về phía Đông.

Chuyến tàu kéo dài một giờ mang đến tầm nhìn toàn cảnh núi Phú Sĩ nếu bầu trời quang đãng, những cánh đồng lúa và các ngôi nhà mái ngói cổ xưa. Du khách xuống xe ở Minobu, một ngôi làng chỉ có 11 nghìn dân và đợi xe buýt của khách sạn tới đón.

Minobu nhỏ đến mức quầy bán vé tại nhà ga ở đây chỉ chấp nhận tiền mặt và phát hành vé giấy - một sự tương phản hoàn toàn với sự hiện đại về công nghệ ở Tokyo.

Ở Minobu không có cửa hàng tiện lợi hay quán ăn McDonald's. Thay vào đó, những con phố nhỏ là nơi có các doanh nghiệp địa phương đã hoạt động qua nhiều thế hệ.

Du khách đi ô tô một giờ vào những ngọn núi, cho đến khi khách sạn Nishiyama Onsen Keiunkan hiện ra trong tầm mắt. Nhân viên khách sạn trong bộ kimono truyền thống chào đón du khách, đưa mọi người đến sảnh đợi. Họ đưa cho khách những đôi dép có viết sẵn tên của họ trên một tờ giấy bên cạnh.

Ông Michiyo Hattori, một vị khách đến Nishiyama Onsen Keiunkan để mừng sinh nhật lần thứ 70 của mình, cho biết: “Từ phòng tắm cho đến các tiện ích khác, tôi có thể cảm nhận được sự hiện diện của lịch sử ở đây”.

Nishiyama Onsen Keiunkan có 4 suối nước nóng ngoài trời. Ảnh: CNN

Nishiyama Onsen Keiunkan có 4 suối nước nóng ngoài trời. Ảnh: CNN

Tận dụng sản vật địa phương

Các phòng tiêu chuẩn tại Nishiyama Onsen Keiunkan có 3 phần: 2 khu vực tiếp khách và một không gian sinh hoạt. Những bức tranh cuộn truyền thống của Nhật Bản được gọi là kakejiku treo trên tường, thể hiện hình ảnh thiên nhiên.

Các cửa sổ ở đây lớn đến mức khung cảnh khu rừng trông giống như một bức tranh lớn bao phủ bức tường.

Một dòng sông lớn chảy bên dưới và hơi nước bốc lên chứng tỏ sự hiện diện của suối nước nóng. Ở đây có 6 suối nước nóng - 4 ngoài trời và 2 trong nhà.

Thiên nhiên không chỉ ở bên ngoài mà còn là một yếu tố chính của nội thất: Sàn nhà được làm bằng đá địa phương, bồn tắm được làm bằng gỗ và trang trí bằng cây.

Các món ăn trong bữa tối ở đây được phục vụ với rượu vang sản xuất tại địa phương, sushi, đậu phụ, cá, thịt nướng, lẩu…

Thông thường, mì soba được làm từ kiều mạch, nhưng ở đây, chúng được làm từ quả sồi hái trên cây ở địa phương. Đá dùng để nướng được lấy từ đá núi lửa của núi Phú Sĩ.

Khi khách trở về phòng sau bữa tối, họ sẽ phát hiện ra chỗ ở của họ đã bị thay đổi. Phòng khách bây giờ là một phòng ngủ với những tấm nệm êm ái trải trên sàn.

Không một chi tiết nào bị bỏ qua: Chiếc gối được đặt ở vị trí hoàn hảo để khách có thể ngắm nhìn khu rừng buổi sáng đẹp nhất khi họ từ từ mở mắt sau một giấc ngủ say.

Bữa tối tại khách sạn lâu đời nhất thế giới. Ảnh: CNN

Bữa tối tại khách sạn lâu đời nhất thế giới. Ảnh: CNN

Về ý định mở rộng

Lịch sử lâu đời của Nishiyama Onsen Keiunkan bao gồm nhiều khoảnh khắc ấn tượng. Nơi đây đã trải qua những trận hỏa hoạn lớn vào năm 1909 và 1916. Một tảng đá to đã phá hủy một trong những ngôi nhà của khách sạn vào năm 1925. Một cơn bão mạnh đổ bộ nơi đây vào năm 1982. Kết quả là tòa nhà chính của khách sạn đã di chuyển ba lần.

Người quản lý hiện tại của khách sạn là Ryokan Kenjiro Kawano. Ông tin rằng vị trí vắng vẻ của khách sạn đã giúp doanh nghiệp này tồn tại suốt những năm qua. Bất chấp sức hút của nó, chưa bao giờ khách sạn có ý định mở rộng.

Ông Kawano làm việc tại khách sạn lần đầu năm 1984 khi 25 tuổi và đảm nhận nhiều công việc khác nhau như sửa tường và lắp ráp máy tính trước khi trở thành quản lý.

Những thập kỷ ông Kawano làm việc tại khách sạn này đã tạo nên mối liên kết bền chặt giữa ông và người tiền nhiệm. Tuy nhiên, người quản lý thứ 53 của khách sạn không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

“Một ngày nọ, tôi được gọi đến văn phòng của người tiền nhiệm và ông ấy nói rằng tôi sẽ tiếp quản công việc kinh doanh” - ông Kawano kể - “Tôi cảm thấy áp lực rất lớn khi tiếp quản một địa điểm lịch sử như vậy. Tôi mất 6 tháng để chấp nhận lời đề nghị”.

Quản lý Kenjiro Kawano của khách sạn. Ảnh: CNN

Quản lý Kenjiro Kawano của khách sạn. Ảnh: CNN

Những thách thức mới

Một trong những thách thức của khách sạn gồm việc duy trì truyền thống đồng thời điều chỉnh để đáp ứng làn sóng du khách mới, trong đó có nhiều người nước ngoài. Hiện nay nhân viên khách sạn có thể nói các ngôn ngữ khác nhau, gồm tiếng Anh.

Ông Kawano cho biết, nhiều khách sạn đã thích nghi với thời hiện đại bằng cách cho phép mang giày vào trong và thêm giường vào phòng. Tuy nhiên, đó là sự điều chỉnh mà ông không muốn thực hiện.

Thay vào đó, ông để những chiếc đệm được đặt làm riêng với kích thước lớn hơn để phù hợp với nhóm khách hàng mới đến từ phương Tây.

“Chúng tôi dự định giữ nguyên việc khách cởi giày ở cửa. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng khách của chúng tôi trải nghiệm truyền thống mà chúng tôi đã gìn giữ trong nhiều năm. Tôi cảm thấy nhiệm vụ của mình là làm cho khách sạn này tồn tại. Khi chuyển nhượng khách sạn cho quản lý thứ 54, tôi sẽ hoàn thành nghĩa vụ của mình”, ông Kawano nói.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.