(GD&TĐ) - Năm học 2012 - 2013 diễn ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, kinh tế vẫn tiếp tục suy giảm tác động trực tiếp đến từng gia đình, nhà trường, thu nhập thực tế của cán bộ, giáo viên.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thăm phòng thực hành tin học Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) |
Được sự quan tâm của Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự góp sức của toàn xã hội, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực quyết tâm cao, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với chính quyền địa phương và gia đình, khắc phục khó khăn, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động và các phong trào thi đua, hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra trong năm học với nhiều kết quả đáng trân trọng.
Những khởi sắc trong năm học vừa qua với sự nỗ lực của toàn hệ thống được Tổng tư lệnh ngành – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định chính là điều kiện, nền tảng giúp ngành Giáo dục cũng như xã hội triển khai mạnh mẽ, đồng bộ đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trên cơ sở của Nghị quyết Trung ương.
PV: Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả của năm học 2012 - 2013?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Có thể nói, năm học 2012 - 2013 đã đạt được rất nhiều kết quả cụ thể. Cá nhân tôi khái quát tâm đắc mấy điều sau đây:
Học sinh ngày càng được phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập Ảnh: T.Thanh |
Thứ nhất, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết hội nghị Trung ương tiếp theo, sau một quá trình học tập, nghiên cứu triển khai, bàn bạc thảo luận trong toàn ngành, trong năm học 2012 - 2013, chúng tôi đã cụ thể hóa trong nhận thức về việc đổi mới mô hình phát triển của GD-ĐT, chủ yếu dựa trên sự phát triển về quy mô và số lượng sang mô hình phát triển mới, trước hết tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả GD-ĐT.
Trong năm học 2012 - 2013, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có nhiều phiên thảo luận, trên cơ sở đó đưa ra những chủ trương, dự kiến, quyết sách; những quyết định cũng được đưa trên cơ sở thảo luận rộng rãi trong toàn ngành và trên các diễn đàn xã hội. Ví dụ, điều chỉnh lại mô hình đánh giá chất lượng; điều chỉnh lại mục tiêu và nhiệm vụ; điều chỉnh lại hệ thống các công cụ đánh giá chất lượng, đánh giá hiệu quả, đánh giá sự phát triển của GD-ĐT; có những chỉ đạo trong việc giảm thiểu mức độ tăng quá nóng của giáo dục ĐH; chỉ đạo trong việc đổi mới chương trình nội dung sách giáo khoa phổ thông...
Tâm đắc thứ 2 là những đổi mới trong tổ chức quản lý GD-ĐT. Chúng tôi tiếp tục có sự tách bạch sâu sắc, triệt để hơn giữa quản lý nhà nước về GD-ĐT với quản lý các cơ sở đào tạo. Giao cho địa phương và các nhà trường nhiều quyền chủ động hơn, cụ thể hơn trong việc triển khai nhiệm vụ và cân đối các mục tiêu nhiệm vụ với những nguồn lực của mình.
Cơ quan quản lý nhà nước mà trước hết là Bộ GD&ĐT chủ yếu tập trung vào quản lý nhà nước, đầu tiên là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoặc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục ban hành. Ngành Giáo dục cũng tập trung nhiều hơn vào công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, trước hết là cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sau nữa là đội ngũ giáo viên. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, khen thưởng, biểu dương các điển hình tiên tiến. Đó là hai nét mới mà chúng tôi tâm đắc.
Về kết quả, có thể nói, trong năm học vừa qua, chất lượng GD-ĐT được giữ vững, ổn định và có những bước phát triển.
PV: Đối với từng bậc học cụ thể, kết quả đáng ghi nhận trong năm học vừa qua là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Có thể nói khái quát kết quả từng bậc học như thế này: Ở bậc học mầm non, việc triển khai phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, chuyển các giáo viên mầm non ngoài công lập vào biên chế, điều chỉnh một số nội dung dạy cho học sinh trước lớp 1 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của bậc học này trong năm học 2012 - 2013.
Với bậc học phổ thông, năm học 2012 - 2013, trên một nửa số tỉnh thành trong cả nước đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ chương trình tiếng Việt mới, nhất là ở các tỉnh có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, vùng nhiều đồng bào dân tộc. Với kinh nghiệm đã có, cộng với việc tiến hành tập huấn một cách bài bản, kỹ lưỡng, chất lượng học tiếng Việt của học sinh, nhất là học sinh vùng dân tộc đã có cải thiện rõ rệt. Các cháu không bị tái mù chữ, không nói ngọng, không viết sai câu khi học chương trình này. Điều đó, không chỉ đảm bảo cho chất lượng dạy tiếng Việt mà cả chất lượng giáo dục tiểu học có nền móng vững chắc và có điều kiện để nâng cao chất lượng.
Đối với cấp học THPT, việc đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá thi cử đi vào cụ thể, sâu sát hơn. Chúng ta đã có giảm tải, rồi giảm thiểu việc bắt học sinh học và nhớ máy móc, cùng với đổi mới thi cử, trên cơ sở đó giúp chất lượng dạy học phổ thông đi vào thực chất và đúng hướng hơn.
Cùng với đó là việc khuyến khích học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học, đưa dạy học ở trường phổ thông gần với hoạt động của các trường ĐH. Chúng tôi tạo cơ chế để các giáo sư, những nhà khoa học đầu ngành ở các viện nghiên cứu và các trường ĐH tham gia hướng dẫn, trước hết là học sinh, sau là giáo viên các trường phổ thông nghiên cứu khoa học. Kết quả, trên thực tế, nhiều học sinh đã nhận được giải thưởng cao trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học ở tầm quốc tế. Điều này không đơn thuần chỉ là giải thưởng mà còn tạo nên một làn gió mới trong cách dạy, cách học, gắn việc dạy học với thực tiễn đời sống.
Với thi học sinh giỏi, chúng tôi tiếp tục hội nhập thi học sinh giỏi Việt Nam với thi học sinh giỏi quốc tế. Từ đó dẫn đến cơ cấu, chất lượng giải học sinh Việt Nam nhận được bền vững, ổn định, cũng như nhiều hơn về số lượng; đồng thời cũng góp phần thúc đẩy đổi mới cách dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá ở phổ thông.
Năm học 2012 - 2013, toàn ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng Ảnh: Thiên Minh |
PV: Thưa Bộ trưởng, với giáo dục ĐH, những việc làm cụ thể và những định hướng nào giúp tạo nên sự thay đổi căn bản đối với bậc học này?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Giáo dục ĐH trong 2012 - 2013 nổi lên những nét lớn đáng chú ý:
Thứ nhất, về quy mô, số lượng các trường mới thành lập được điều chỉnh theo hướng giảm đi. Mới đây, quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ hai, việc tăng cường tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các nhà trường, cụ thể là hiệu trưởng các trường ĐH được tăng cường hơn.
Thứ ba, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, những vi phạm của các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước được chú ý thực hiện kiên quyết, mạnh mẽ và triệt để hơn. Trước hết là để lập lại kỷ cương, kỷ luật, sau đó là để đảm bảo quyền lợi của người học, giúp người học được học tập trong một môi trường tốt, được nhận một tấm bằng thực chất, vừa là yêu cầu của xã hội, vừa là mong muốn của người học.
Một nội dung nữa là vấn đề triển khai Luật Giáo dục ĐH, việc soạn thảo các văn bản, nghị định, thông tư để đưa Luật Giáo dục ĐH vào cuộc sống được tiến hành khẩn trương, có chất lượng hơn. Vấn đề đào tạo liên thông, liên kết, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, đào tạo chính quy tại nhà trường cũng như đào tạo tại chức tại các cơ sở bên ngoài đã được chấn chỉnh, điều chỉnh theo hướng nâng cao chất lượng trên cơ sở nâng cao trách nhiệm của các nhà trường, của cán bộ quản lý, của thầy cô giáo cũng như trách nhiệm của người học.
PV: Với những kết quả đáng khích lệ năm học 2012 - 2013 đã đạt được, Bộ trưởng có thể cho biết những định hướng sẽ triển khai trong thời gian tiếp theo?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Những kết quả đạt được trong những năm học vừa rồi là hết sức quan trọng, tuy nhiên đó vẫn chỉ là bước đầu. Trong thời gian tới, chúng tôi cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan hữu quan của Chính phủ khẩn trương hoàn thiện Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" để làm thủ tục trình Bộ Chính trị, đưa ra Trung ương họp trong kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Đồng thời với những nhiệm vụ này, chúng tôi cũng phải hoàn tất những nội dung cụ thể của Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa năm 2015. Trên cơ sở những ý kiến của Trung ương sắp tới về Đề án đổi mới căn bản toàn diện, chúng tôi sẽ hoàn thiện đề án này. Và trên cơ sở của hai Đề án này, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai các chương trình, công việc cụ thể, nhằm đổi mới một cách căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo của chúng ta, trước hết là giáo dục phổ thông. Với giáo dục ĐH, do có đặc điểm liên quan đến cơ chế tự chủ nhiều hơn sẽ được đề cập riêng.
Như vậy, những kết quả, thành tựu GD-ĐT đạt được trong những năm vừa qua cũng như năm học 2012 - 2013 sẽ là điều kiện nền tảng giúp ngành cũng như xã hội triển khai một cách mạnh mẽ, đồng bộ việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trên cơ sở của Nghị quyết Trung ương.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Năm học 2012 - 2013, những con số 13741: Số trường mầm non cả nước (tăng 404 trường); 15.361: Số trường tiểu học (tăng 24 trường); 10.647: Số trường THCS (tăng 37 trường); 2.708: Số trường THPT (tăng 39 trường); 300: Số trường PTDTNT (tăng 6 trường); 569: Số trường PTDTBT (tăng 100 trường); 73: Số TTGDTX cấp tỉnh; 642: Số TTGDTX cấp huyện; 10.877: Số TTHTCĐ (tăng 51 trung tâm). |
Hiếu Nguyễn (thực hiện)