Kết luận số 91-KL/TW: Cơ sở quan trọng để đẩy mạnh đổi mới giáo dục khoa học

GD&TĐ - Việc ban hành Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW cho thấy Đảng luôn quan tâm đến GD-ĐT...

Sinh viên Trường ĐH Phenikaa. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Phenikaa. Ảnh: NTCC

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp nhất quán, toàn diện, đồng trục để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bước phát triển mới về tư duy chiến lược

- Theo Giáo sư, việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW có ý nghĩa như thế nào đối với đổi mới giáo dục, đào tạo?

- Việc ban hành Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW cho thấy Đảng luôn quan tâm đến GD-ĐT; khẳng định mạnh mẽ chủ trương “phát triển GD-ĐT là quốc sách hàng đầu”. Kết luận này còn đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển GD-ĐT; thể hiện quyết tâm, định hướng chiến lược đối với giáo dục, cũng như tầm nhìn để phát triển bền vững đất nước trước mắt và lâu dài trong bối cảnh mới, liên tục có những thay đổi, thách thức.

Bên cạnh đó, những đánh giá về kết quả đạt được và nêu rõ hạn chế, bất cập trong Kết luận 91 cho thấy một cách toàn diện “bức tranh” giáo dục sau một chu trình/giai đoạn đổi mới. Đây là cơ sở quan trọng để có thể đề xuất các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới giáo dục Việt Nam một cách khoa học, khả thi.

- Kết luận này có những bước tiếp nối, phát triển như thế nào so với Nghị quyết 29? Theo ông, đâu là nội dung đáng quan tâm nhất để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 trong Kết luận số 91-KL/TW?

- Kết luận 91 nêu rõ những thành tựu đã đạt được và khẳng định đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đạt những kết quả, thành tựu đáng ghi nhận.

Các vấn đề về phổ cập giáo dục, chất lượng giáo dục, đội ngũ nhà giáo và đầu tư cho giáo dục… đều có sự chuyển biến và cần tiếp nối để cải tiến, tạo nên bước tiến xa hơn nữa. Trong Kết luận đã định hướng bao quát và trọng điểm các vấn đề liên quan đến đổi mới giáo dục. Thế nhưng, nếu phải phân tích và đối sánh để chọn lựa một số nội dung đáng quan tâm nhất, có thể đề cập đến những vấn đề sau:

Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; coi GD-ĐT là “quốc sách hàng đầu”, sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Bảo đảm vai trò chủ đạo của Nhà nước, đồng thời thu hút sự tham gia tích cực của xã hội trong phát triển sự nghiệp GD-ĐT. Đầu tư cho GD-ĐT là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội…

Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục… Đồng thời, kịp điều chỉnh tăng mức chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế…

co so quan trong de day manh doi moi giao duc khoa hoc (2).jpg
GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Hướng dẫn thực hiện theo định hướng cụ thể, có điểm đến

- Kết luận số 91-KL/TW đặt ra 8 nhiệm vụ, cũng là 8 giải pháp. Giáo sư nhìn nhận thế nào về các nhiệm vụ giải pháp này?

- Có thể khẳng định, các nhiệm vụ - giải pháp trong Kết luận số 91-KL/TW tiếp nối những luận điểm quan trọng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Các nhiệm vụ, giải pháp trải từ quan điểm chung về mặt quản lý, đến cơ sở pháp lý để thực thi; những vấn đề chung nhất về đảm bảo chất lượng và định hướng phát triển về con người, cơ sở vật chất, tài chính cũng như định hướng đột phá về hội nhập quốc tế trong GD-ĐT…

Khó có thể khẳng định giải pháp nào quan trọng nhất bởi đây là hệ tư tưởng nhất quán và các giải pháp mang tính toàn diện, đồng trục để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nước ta.

Tôi cho rằng cần tiếp cận Kết luận này ở việc tổ chức thực hiện, bởi trong Kết luận số 91-KL/TW hướng dẫn việc tổ chức thực hiện theo định hướng rất cụ thể, có điểm đến. Điều cần bảo đảm là các cấp nghiên kỹ về Kết luận số 91-KL/TW cũng như có báo cáo, đánh giá mang tính định lượng và có các minh chứng để đảm bảo việc thực hiện thật sự khoa học, hiệu quả.

- Ông tâm đắc gì về điểm mới trong Kết luận số 91-KL/TW, nhất là từ góc nhìn của nhà nghiên cứu và hoạt động nghiên cứu khoa học?

- Như đã khẳng định, trong Kết luận số 91-KL/TW, các vấn đề cơ bản để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đảm bảo trọn vẹn cơ sở để nước ta đổi mới giáo dục. Điều này không chỉ ở quan điểm chung mà cả các vấn đề định hướng về pháp lý, cũng như giải pháp mang tính gợi mở nhiệm vụ thực thi cho từng cấp.

Từ góc nhìn nghiên cứu, tôi cho rằng cần nghiên cứu sâu Kết luận này và cụ thể hóa thông qua các chương trình hành động cụ thể ứng với vai trò, vị trí cũng như nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở này, có thể bảo đảm thực thi Kết luận một cách hiệu quả, toàn diện.

Về hoạt động nghiên cứu khoa học, các vấn đề đột phá cũng được đề cập khá cụ thể và có tính hiện đại, cập nhật. Cụ thể, các nghiên cứu về cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục có liên quan, chiến lược phát triển giáo dục và các quy định đổi mới về quản lý giáo dục và đào tạo, quản trị nhà trường theo bối cảnh mới là những chủ đề khoa học hấp dẫn, đầy thách thức.

Hoặc các vấn đề về phát triển giáo dục thường xuyên, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, giảm tỷ lệ mù chữ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh phân luồng, tăng số lượng học sinh sau THCS, THPT vào giáo dục nghề nghiệp; sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông… cho thấy nhiều nhiệm vụ nghiên cứu vẫn tiếp tục hoặc phải thực hiện trong bối cảnh mới.

Điều cũng cần quan tâm là ở nhóm nhiệm vụ 4. Nhiều giải pháp về nghiên cứu khoa học được đề cập như: Đầu tư nguồn lực và cơ sở vật chất… hướng đến đột phá gắn đào tạo với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng giải pháp, hướng đến đề xuất cơ chế, chính sách đột phá đầu tư nguồn lực cho các ĐH quốc gia, ĐH vùng, cơ sở giáo dục ĐH xuất sắc,… cơ sở giáo dục trọng điểm.

Đặc biệt, đầu tư nâng cao tiềm lực, hoàn thiện các quy định liên quan đến nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục ĐH theo hướng thuận lợi, tháo gỡ nút thắt, rào cản, tính đến đặc thù độ trễ và rủi ro trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo… cho thấy đây là điểm đến cần quan tâm để sự đầu tư tạo hiệu quả đích thực theo hướng phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn GS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.