Chuyển biến trong đổi mới quản lý giáo dục, quản trị nhà trường

GD&TĐ - Ngành Giáo dục thực hiện hiệu quả đổi mới quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu quả.

Cô trò Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Cô trò Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đồng thời, đẩy mạnh tự chủ, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch.

Nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của cơ sở giáo dục

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo và tăng cường các hoạt động để thúc đẩy các cơ sở giáo dục thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, giáo dục đại học theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT đã ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch biên soạn tài liệu, xây dựng học liệu điện tử; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản trị chuyển đổi số cho cán bộ quản lý trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và phổ thông có học sinh bán trú đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018...

Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã chủ động thực hiện phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục trong thực hiện nhiệm vụ.

Đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đã thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục; đồng thời, chủ động tìm hiểu, áp dụng các mô hình, cách làm mới để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Công tác quản trị tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên đã có nhiều chuyển biến tích cực và từng bước được hoàn thiện theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.

Một số địa phương đã triển khai hiệu quả công tác tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc.

THCS Nam Từ Liêm1.jpg
Học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Quản lý nhà trường theo hướng quản trị từng bước có hiệu quả

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, tư duy về quản lý nhà trường theo hướng quản trị đã được thực hiện từng bước có hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên sáng tạo trong dạy học; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho đổi mới quản trị nhà trường.

Hệ thống phần mềm quản trị nhà trường, quản lý hồ sơ điện tử của giáo viên và học sinh được triển khai; đồng thời, tích hợp dữ liệu của các cơ sở giáo dục với cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục, triển khai chữ ký điện tử tại các cơ sở giáo dục.

Các cơ sở giáo dục đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông; đảm bảo tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tổ chức trong nhà trường. Phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học. Nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học.

Triển khai hệ thống quản trị cơ sở đào tạo, hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học; tích hợp các dịch vụ trực tuyến và kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu trên hệ thống HEMIS của Bộ.

Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của một số cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị nhà trường, chưa chủ động chuyển hướng từ quản lý sang quản trị nhà trường; chưa phát huy được vai trò của công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường.

Hội đồng trường tại một số cơ sở giáo dục đại học còn chậm được kiện toàn và chưa phát huy đúng vị thế so với kỳ vọng theo quy định của Luật Giáo dục đại học; các cơ quan chủ quản chưa thật sự chủ động đổi mới trong phương thức quản lý làm hạn chế quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ đổi mới quản trị nhà trường còn hạn chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ