Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025:

Dồn lực cho chu kỳ đổi mới, chất lượng Giáo dục

GD&TĐ - Năm học 2024 - 2025 có vị trí đặc biệt khi Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở các lớp học.

Cô và trò Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) sẵn sàng bước vào năm học mới. Ảnh: Xuân Phú
Cô và trò Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) sẵn sàng bước vào năm học mới. Ảnh: Xuân Phú

Đây cũng là năm đầu tiên tổ chức tuyển sinh lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Các địa phương dồn lực, với quyết tâm cao nhất để khép lại thành công một giai đoạn, làm nền tảng cho chu kỳ mới tiếp tục đi vào chiều sâu chất lượng.

Ông Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh: Chuẩn bị chu đáo nhất cho 2 kỳ thi đổi mới

Năm học 2023 - 2024, ngành GD-ĐT tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Qua đó, ngành đã đánh giá toàn diện kết quả sau 10 năm đổi mới và đề ra nhiều giải pháp quan trọng tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

don luc cho chu ky doi moi chat luong (4).jpg
Ông Nguyễn Thế Sơn.

Cũng trong năm học này, các nút thắt, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 từng bước được tháo gỡ; những khó khăn về thiếu giáo viên các cấp học dần khắc phục. Toàn ngành được bổ sung gần 28.000 biên chế giáo viên năm học 2023 - 2024, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đây là những nỗ lực đáng kể của ngành Giáo dục.

Với Bắc Ninh, tỉnh đã thực hiện việc rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp với thực tiễn địa phương. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm cả về số lượng và chất lượng.

Tỉnh thực hiện tuyển dụng theo biên chế được giao bổ sung; hợp đồng giáo viên còn thiếu so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT; triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ đội ngũ giáo viên các cấp đi học đảm bảo đạt Chuẩn giáo viên theo Luật Giáo dục 2019. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn ổn định, đạt nhiều kết quả tích cực. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, điểm bình quân các môn xếp thứ 5/63 toàn quốc; tỷ lệ học sinh dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia đoạt giải xếp thứ 2 toàn quốc; có 3 học sinh dự thi khu vực và quốc tế (1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Đồng).

Năm học 2024 - 2025, sở GD&ĐT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Đặc biệt, để chuẩn bị tốt nhất cho học sinh lớp 9, lớp 12 trong 2 kỳ thi đổi mới - kỳ thi tuyển sinh vào 10, thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018, sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thực hiện đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2024 - 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập; đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Triển khai tốt kế hoạch xây dựng trường “xanh - sạch - đẹp - an toàn” trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh năm học 2024 - 2025.

Đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trên cơ sở Quy chế tuyển sinh THPT Bộ GD&ĐT ban hành, sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh Bắc Ninh sớm ban hành Kế hoạch tuyển sinh THPT trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính phù hợp, liên thông trong triển khai Chương trình GDPT 2018 ở THCS và THPT; xây dựng cấu trúc đề thi tuyển sinh, hệ thống ngân hàng câu hỏi, đề thi phù hợp, triển khai đồng bộ với công tác dạy và học.

Đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, sở GD&ĐT tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về phương án tổ chức kỳ thi của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp, lựa chọn môn thi (ngoài các môn bắt buộc); từ đó xây dựng phương án dạy và học phù hợp với năng lực, nguyện vọng của học sinh. Cùng đó, tăng cường vai trò đội ngũ giáo viên cốt cán nhằm triển khai đồng bộ tới toàn bộ giáo viên trong việc giảng dạy, xây dựng chuyên đề, ngân hàng câu hỏi ôn tập cho học sinh. Quan tâm tới kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh công tác dạy và học kịp thời, hiệu quả.

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế: Khai thác tối đa lợi thế vùng đất cố đô

don luc cho chu ky doi moi chat luong (3).jpg
Ông Nguyễn Tân.

Nếu nói về thành công của năm học 2023 - 2024, trước hết phải nhắc đến việc đổi mới giáo dục tiếp tục đi vào chiều sâu, toàn diện, đồng bộ theo hướng phát huy ưu điểm của chương trình, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm phát huy tính tích cực sáng tạo, tối ưu hóa phẩm chất, năng lực người học.

Các nhà trường, địa phương phát huy thế mạnh đặc thù vùng miền, địa phương và có cơ chế chính sách riêng phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục phát triển tiếp cận xu thế phát triển chung của đất nước, khu vực và quốc tế. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục mang lại thành quả quan trọng.

Với Thừa Thiên Huế, Bộ Chính trị có Nghị quyết xây dựng tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, trên nền tảng phát huy các giá trị văn hóa di sản cố đô, trong đó phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa du lịch và khoa học công nghệ thành 4 trung tâm lớn của cả nước và khu vực.

Đây là lợi thế lớn, giúp trong những năm học vừa qua và năm học 2024 - 2025, Thừa Thiên Huế có nhiều điều kiện để khắc phục những khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất trường lớp, tiếp tục phát huy yếu tố truyền thống trong dạy và học - đặc biệt là truyền thống khoa bảng của địa phương.

Từ đó, tạo phong trào và khí thế thi đua sâu rộng tích cực lan tỏa trong đội ngũ giáo viên, học sinh, cộng đồng, nhân dân, xây dựng môi trường giáo dục tích cực, kiên định định hướng và mục tiêu dạy thật học thật, phấn đấu thực hiện hoàn thành nhiệm vụ năm học với nhiều chỉ số phát triển giáo dục tiếp tục nằm ở tốp đầu quốc gia.

Ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới giáo dục, đặc biệt tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ hiệu quả Chương trình GDPT 2018; Chương trình giáo dục mầm non mới. Chú trọng các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, áp dụng triệt để đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá.

Phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người dạy và người học thông qua khai thác tối đa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào công tác quản lý, dạy và học. Tăng cường kết nối nhà trường với xã hội, phụ huynh qua nền tảng Hues. Ưu tiên bố trí nguồn lực và có chính sách phù hợp đối với giáo dục những vùng còn khó khăn, đặc biệt là hai huyện miền núi A Lưới, Nam Đông và huyện có học sinh vùng đồng bào dân tộc; bảo đảm các vùng đủ điều kiện để thực hiện tất cả nhiệm vụ về đổi mới giáo dục.

don luc cho chu ky doi moi chat luong (1).jpg
Cô, trò Trường THCS - THPT Ban Mai, Hà Nội. Ảnh: NTCC

Đặc biệt coi trọng yếu tố con người, ngành Giáo dục Thừa Thiên Huế sẽ quan tâm động viên kịp thời, khơi dậy niềm tự hào về ngành, nghề trong đội ngũ nhà giáo. Lan tỏa, khuyến khích giáo viên tích cực đổi mới, sáng tạo; cũng như thường xuyên tăng cường hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ trong chuyên môn để giáo viên cùng đồng hành, chủ động giải quyết tốt các nội dung về đổi mới giáo dục.

Khai thác tối đa ưu điểm của Chương trình GDPT 2018, khuyến khích và tạo môi trường để giáo viên, học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo thông qua nhiều hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, các chương trình giáo dục địa phương… Nhân rộng mô hình trường học xanh, trường học an toàn, trường học hạnh phúc… Nuôi dưỡng và hình thành cho học sinh nhiều phẩm chất đáng quý, yêu nước, tự tôn, tự hào và trách nhiệm với bản thân, quê hương, đất nước.

Thừa Thiên Huế cũng tiếp tục quan tâm bồi dưỡng chất lượng mũi nhọn đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao; song song với tăng cường chú trọng chất lượng đại trà, công tác phổ cập, xóa mù, phân luồng sau tốt nghiệp THCS, THPT, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, đặc biệt chú ý đến sự sẵn sàng trong nhận thức, để học sinh, giáo viên, phụ huynh và xã hội chủ động đồng hành thực hiện các kỳ thi chuyển cấp và tốt nghiệp THPT theo chương trình mới đúng yêu cầu và chất lượng.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông: Đẩy mạnh thanh tra, đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý giáo dục

don luc cho chu ky doi moi chat luong (5).jpg
Ông Phan Thanh Hải.

Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục Đắk Nông từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên đạt nhiều thành tựu đáng kể. Chương trình GDPT 2018 được triển khai hiệu quả ở các cấp học. Chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục nâng lên. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh đạt 98,68%, cao hơn năm 2023 là 1,15%.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, toàn tỉnh có 23 học sinh đoạt giải; đặc biệt, 1 học sinh của tỉnh được tuyển chọn vào đội tuyển Olympic quốc gia dự thi khu vực và quốc tế.

Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục Đắk Nông quán triệt thực hiện tốt nhiệm vụ năm học và triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu của kế hoạch năm học 2024 - 2025; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, kỷ cương. 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm học 2024 - 2025 đã được ngành Giáo dục xác định.

Theo đó, 3 vấn đề được đặc biệt chú trọng, quyết tâm chỉ đạo, thực hiện trong năm học mới là tiếp tục hoàn thành mục tiêu Chương trình GDPT 2018 hiệu quả; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn và đẩy mạnh chuyển đổi số.

Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cơ chế, chính sách đặc thù về GD-ĐT của địa phương, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới GD-ĐT. Đồng thời, quan tâm hai điều kiện quan trọng nhất để bảo đảm chất lượng giáo dục là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Cụ thể, tỉnh thực hiện có hiệu quả kế hoạch về thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo cho giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Tiếp tục phối hợp với cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh mở lớp nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội, bình đẳng về quyền được nhận hỗ trợ của Nhà nước đối với người học ở trường công lập và ngoài công lập. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho mầm non, tiểu học và bảo đảm thiết bị tối thiểu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; ưu tiên các huyện, địa phương còn khó khăn về kinh tế, địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai và vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Ngành Giáo dục tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý giáo dục; tăng cường phối hợp thanh tra Nhà nước của tỉnh, các huyện, thành phố trong công tác thanh tra giáo dục. Xử lý nghiêm và công khai đối với các vi phạm nhằm tác động vào cả hệ thống. Cùng đó, tăng cường công tác kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục; tăng cường giám sát việc thực hiện các giải pháp cải tiến chất lượng trên cơ sở kết quả tự đánh giá; tích cực đưa hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trở thành hoạt động chuyên môn chủ yếu trong quản lý nhà trường.

Bà Nguyễn Thúy Hà - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp: Quyết tâm, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới

don luc cho chu ky doi moi chat luong (2).jpg
Bà Nguyễn Thúy Hà.

Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp tuy còn không ít khó khăn nhưng đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần cùng toàn ngành Giáo dục cả nước hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Năm học 2024 - 2025, Bộ GD&ĐT đưa ra chủ đề năm học “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng GD-ĐT”. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm của năm học và thực hiện thắng lợi chủ đề trên, tôi cho rằng, toàn ngành Giáo dục phải quyết tâm và quyết liệt trong triển khai.

Trong năm học 2024 - 2025, bên cạnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, ngành Giáo dục Đồng Tháp - Đất Sen hồng còn tổ chức đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển giáo dục tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025; đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ và chỉ tiêu lĩnh vực giáo dục theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành thực hiện sơ kết chu kỳ đầu tiên của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết của Quốc hội… Để hoàn thành khối lượng công việc nhiều như trên đòi hỏi công chức, viên chức, người lao động phải quyết liệt trong chỉ đạo, quyết tâm trong thực hiện ngay từ những ngày đầu của năm học.

Ngành Giáo dục Đồng Tháp tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan và UBND huyện/thành phố rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập phù hợp với Quy hoạch tỉnh và các địa phương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bố trí biên chế học sinh/lớp bám sát quy định của Bộ GD&ĐT và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đảm bảo việc học tập của con em nhân dân trên từng địa bàn.

Địa phương quan tâm bố trí cán bộ quản lý và giáo viên đảm bảo cho việc dạy học ở các cơ sở giáo dục. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Từng bước nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tương xứng với bằng cấp và đảm bảo năng lực để thực hiện nhiệm vụ.

Trên cơ sở những việc làm được, hạn chế và yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tổ chức rút kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp, biện pháp khả thi để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT. Đồng thời, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, học viên, bảo đảm an toàn trường học.

don luc cho chu ky doi moi chat luong (6).jpg
Cô và trò Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) chuẩn bị cho ngày khai giảng. Ảnh: Xuân Phú

Trong đó, tập trung vào mục tiêu rút ngắn khoảng cách đối với các chỉ tiêu, mục tiêu còn thấp hơn mặt bằng chung khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Tổ chức rà soát lại toàn diện công việc, biện pháp và giải pháp đã chỉ đạo, triển khai thực hiện đối với dạy học ngoại ngữ ở các ngành học, cấp học trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Tập trung phân tích và đánh giá các hạn chế, yếu kém; phân tích nguyên nhân khách quan (nguồn lực đầu tư) và chủ quan (cách làm, năng lực quản lý, dạy học) để có giải pháp, biện pháp khắc phục.

Ngành Giáo dục sẽ đề nghị UBND tỉnh, phối hợp UBND các huyện, thành phố tăng cường hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và từng bước thực hiện chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, từng bước đồng bộ với lộ trình chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT và tỉnh.

Trên cơ sở các quy định của Trung ương và tỉnh, tiếp tục phân cấp mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với thực hiện công khai theo quy định. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục theo hướng đa dạng về hình thức, nội dung và đối tác.

Bên cạnh hợp tác để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật..., quan tâm việc hợp tác để nâng cao tầm nhìn, năng lực cho nhà giáo và cán bộ quản lý. Triển khai chương trình đảm bảo cơ sở vật chất đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đã được HĐND tỉnh thông qua đúng tiến độ để từng bước tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục. Phối hợp với sở, ngành có liên quan và UBND huyện, thành phố tham mưu, triển khai mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.

Công tác tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT sẽ được quan tâm thực hiện đúng quy định, bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn. Đồng thời, triển khai bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn và bồi dưỡng thay sách cho nhà giáo và cán bộ quản lý. Cử nhà giáo, cán bộ quản lý đi đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo kế hoạch của UBND tỉnh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực toàn ngành. Đồng thời, toàn ngành tích cực, chủ động tham gia góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng với mong muốn tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện.

Khối lượng công việc nhiều, yêu cầu chất lượng công việc cao và mang tính đặc trưng chuyên môn sâu nên cần sự quyết liệt, quyết tâm và cả “tầm” của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành để thực hiện đạt và thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2024 - 2025. - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp Nguyễn Thúy Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.