Chào năm học mới 2024 - 2025:

Kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo

GD&TĐ - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh:

Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong ngày khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong ngày khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh: NTCC

Toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, thầy, cô giáo tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề; khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thách thức, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai

Theo Thủ tướng, giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính nền tảng trong việc hình thành và phát triển con người. Qua đó, góp phần quyết định sự vận động, phát triển của xã hội. Giáo dục đào tạo là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong 3 đột phá chiến lược cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Thủ tướng khẳng định, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, lĩnh vực đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng các thế hệ người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững.

“Chúng ta đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển giáo dục đào tạo, với tinh thần lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển. Đây là quan điểm xuyên suốt”, Thủ tướng ghi nhận.

Tán thành với báo cáo kết quả năm học 2023 - 2024, Thủ tướng nhận thấy, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tập trung triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả quan trọng; trong đó có 10 điểm sáng nổi bật:

Thứ nhất, công tác tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết số 29) được tập trung thực hiện và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91 ngày 12/8/2024.

kien tri muc tieu doi moi can ban toan dien giao duc dao tao (1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Trong đó, có một số điểm mới quan trọng như: Lương nhà giáo được ưu tiên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng;

Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu xa, biên giới, hải đảo;

Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; Bảo đảm đủ trường, lớp học giáo dục mầm non, phổ thông, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục;

Tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn.

Thứ hai, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm. Hệ thống quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện được ban hành tương đối toàn diện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới. Trong đó, đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Thứ ba, quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên phát triển, đảm bảo tốt nhất quyền lợi học tập của học sinh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân và yêu cầu đào tạo nhân lực của đất nước.

Thứ tư, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định, bước đầu đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra. Trong đó, đổi mới phương pháp giáo dục ở tất cả cấp học, cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến; phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học.

kien tri muc tieu doi moi can ban toan dien giao duc dao tao (2).JPG
Quang cảnh Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025. Ảnh: Xuân Phú

Thứ năm, công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật.

Cùng với đó, giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện khó khăn được chú trọng phát triển. “Tôi khuyến khích việc này và sẽ chỉ đạo các tỉnh tập trung xây dựng trường bán trú, nội trú. Đây là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước để các em được tiếp cận bình đẳng với giáo dục”, Thủ tướng bày tỏ.

Thứ sáu, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia; khoa học, kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia, quốc tế; thi Olympic quốc tế, khu vực đạt kết quả cao.

Đồng thời, tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông và hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi; tạo động lực, truyền cảm hứng trong xã hội.

Thứ bảy, đào tạo giáo dục đại học ngày càng được chú trọng và cải thiện rõ rệt về chất lượng. Khung trình độ quốc gia Việt Nam tiếp tục được triển khai hiệu quả. Đồng thời, tập trung chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực mới như công nghiệp chip bán dẫn, AI; hình thành nhóm hợp tác liên minh các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam.

Thứ tám, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho thí sinh.

Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm ngày càng minh bạch hơn; tăng cường tính thuận tiện cho cơ sở đào tạo và thí sinh. Qua đó, góp phần tiết kiệm nguồn lực xã hội, đánh giá được đúng năng lực của thí sinh.

Thứ chín, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tiếp tục bổ sung chỉ tiêu biên chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về số lượng theo quy định. Chất lượng đội ngũ giáo viên có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tăng ở tất cả cấp học.

Thứ mười, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Hầu hết cơ sở giáo dục đào tạo đã kết nối Internet tốc độ cao, triển khai phần mềm quản trị cơ sở giáo dục trên nền tảng dữ liệu, công nghệ số.

Chuyển đổi số đã tác động rất lớn đến thói quen, quy trình, phương pháp quản trị của cơ sở giáo dục. Triển khai các ứng dụng số hoá dựa trên cơ sở dữ liệu được đẩy mạnh.

kien tri muc tieu doi moi can ban toan dien giao duc dao tao5.jpg
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học môn Tiếng Anh theo Chương trình mới. Ảnh minh họa: INT

Ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý

Nhìn nhận về nguyên nhân kết quả đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh, việc đầu tiên là thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước; nỗ lực, quyết tâm cao, cố gắng rất lớn của toàn ngành Giáo dục; phối hợp hiệu quả giữa các ban, ngành và phối hợp cả Trung ương với địa phương.

Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, Thủ tướng chỉ rõ, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là: Việc triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ có lúc, có nơi, chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện của một bộ phận cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về vai trò, ý nghĩa của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Mặt khác, trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế; cơ chế chính sách cho phát triển giáo dục, đào tạo còn bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhận định, công tác phát triển giáo dục, đào tạo phải bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, chia sẻ của nhân dân.

Ngoài ra, quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về giáo dục, đào tạo phải thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước và nhu cầu của người học.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo và quản trị các nhà trường cần được chú trọng, nâng cao hiệu quả; bám sát thực tiễn, chủ động phát hiện vấn đề phát sinh và kịp thời giải quyết.

Ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, trách nhiệm, tâm huyết và tận tụy, thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục đào tạo có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, tránh lãng phí; đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường hợp tác công tư. Công tác thông tin, truyền thông cần được chú trọng hơn nữa để góp phần tạo đồng thuận xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kiến nghị; phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực, gây bức xúc xã hội.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho phát triển giáo dục, đào tạo.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, những ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như: Chip bán dẫn, hydrogen, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo (AI) tác động toàn diện tới mọi mặt trong ngành Giáo dục như: Chương trình giáo dục, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức… Yêu cầu cấp bách nâng cao năng suất lao động để tiếp cận thị trường việc làm 4.0 và gỡ bỏ rào cản để hướng tới hội nhập toàn cầu, tham gia vào chuỗi cung ứng nguồn nhân lực toàn cầu.

Theo Thủ tướng, năm học 2024 - 2025 kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; đồng thời bắt đầu thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo.

kien tri muc tieu doi moi can ban toan dien giao duc dao tao7.jpg
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong ngày hội khoa học. Ảnh minh họa: INT

Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng cơ bản đồng ý và yêu cầu Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung triển khai thực hiện; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm:

Thứ nhất, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới (trường lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn...); tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày 5/9, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Đặc biệt, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Thứ hai, tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị, trình Chính phủ ban hành trong quý III/2024.

Thứ ba, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục, đào tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục. Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo và các quy hoạch giáo dục, đào tạo.

Thứ tư, tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thứ năm, năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Thứ sáu, đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Thứ bảy, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và tư; thúc đẩy hợp tác công tư; đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo do tình hình kinh tế, xã hội còn khó khăn, còn tác động của đại dịch Covid-19.

Thứ tám, xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp, hài hòa với hoàn cảnh đất nước, các ngành khác; đồng thời thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” và phù hợp, hợp lý, hiệu quả với thực tiễn.

Thứ chín, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Trong đó, đề nghị Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số.

Toàn ngành khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thách thức

Giáo dục đào tạo cần được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững. Thủ tướng nhấn mạnh, để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cùng với sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục; cần sự quyết tâm, nỗ lực và hành động của mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, mỗi phụ huynh, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và toàn xã hội.

Thủ tướng đề nghị, chúng ta hãy ghi nhớ và cùng thực hiện tốt những lời căn dặn của Bác Hồ: Đối với thầy cô giáo, Bác căn dặn: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành...; Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực…; Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công..., phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu”.

Đối với phụ huynh, Bác mong: “Các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, từ kinh nghiệm thực tiễn công tác chỉ đạo, điều hành thời gian qua, Thủ tướng đề nghị, chúng ta cần xác định rõ và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm - chủ thể; Thầy, cô giáo là động lực; Nhà trường làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền tảng.

Thủ tướng phân tích, học sinh, sinh viên không những chỉ tiếp thu kiến thức mà còn chủ động, tích cực rèn luyện “Đức - Trí - Thể - Mỹ”, ý chí vươn lên, hoài bão, ước mơ, khát vọng cống hiến.

Thầy, cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải gương mẫu trong rèn luyện, luôn khích lệ, động viên, tạo động lực, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên. Nhà trường được xác định là bệ đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, điều kiện học tập, môi trường an ninh, an toàn, bình đẳng và thuận lợi cho học sinh, sinh viên.

Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc, chỗ dựa tinh thần, vật chất, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thấu hiểu khó khăn, thách thức với từng lứa tuổi của học sinh, sinh viên. Xã hội là nền tảng, tạo môi trường trong lành về pháp lý, văn hoá, đạo đức, kiến thức, tạo ra xã hội học tập, nhất là trong điều kiện phát triển xã hội số, công dân số.

Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung triển khai hiệu quả phương châm nêu trên; ưu tiên bố trí nguồn lực, nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học; đánh giá rõ kết quả hằng năm để rút kinh nghiệm và tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới.

Thầy, cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức, mà phải gương mẫu trong rèn luyện, khích lệ, động viên, tạo động lực, truyền cảm hứng cho học sinh.

Trước thềm năm học mới, Thủ tướng chúc toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, thầy, cô giáo luôn phát huy tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái.

Chúc các thầy giáo, cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”; chúc học sinh, sinh viên luôn là con ngoan, trò giỏi, thực hiện thành công những ước mơ, hoài bão, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.