Rất nhiều ý kiến bày tỏ tán thành và hoan nghênh tinh thần đổi mới, cởi mở của Bộ GD&ĐT khi đưa ra quy định này. Các ý kiến cho rằng, quy định phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và bối cảnh thực tiễn.
Không còn dập khuôn, cứng nhắc; tới đây, các trường được tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục, thậm chí giao quyền tự chủ đến từng giáo viên, tổ bộ môn trong thiết kế bài học, nhằm phát huy tinh thần sáng tạo trong mọi hoạt động giáo dục. Điều này sẽ tạo nên sự cộng hưởng và thăng hoa trong dạy – học của thầy – trò.
Thực tế cho thấy, các trường ngày càng chủ động và sáng tạo hơn trong tổ chức hoạt dộng giáo dục cũng như đổi mới phương pháp dạy - học. Minh chứng rõ nhất, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, điện thoại trở thành một trong những phương tiện hữu hiệu và là “cứu cánh” cho thầy – trò khi phải chuyển đổi sang phương thức dạy – học trực tuyến.
Một cô giáo vùng cao hồ hởi đón nhận thông tin: Học sinh được phép sử dụng điện thoại trên lớp học để phục vụ học tập - như vừa có được chiếc chìa khóa “vạn năng”. Bởi với cô, đây là cơ sở quan trọng để xây dựng và phát triển “lớp học thông minh”, “lớp học xuyên biên giới”. Còn học sinh tiếp nhận quy định này như vừa được mở cánh cửa tri thức mới.
Nhưng cần hiểu tường minh rằng, học sinh chỉ được dùng điện thoại trong giờ học nếu được giáo viên cho phép, đặc biệt phải dùng điện thoại vào mục đích học tập. Vì thế, việc sử dụng điện thoại được coi như thiết bị hỗ trợ hoạt động học tập; tất nhiên giáo viên sẽ có những quy ước về những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp và trong giờ học.
Ai cũng hiểu, sách giáo khoa không còn là phương tiện duy nhất để thầy – trò dạy – học. Học sinh có thể học tập thông qua nhiều phương tiện khác nhau. Chương trình mở, học liệu mở; do đó, điện thoại được xem như phương tiện hỗ trợ các em trong học tập.
Nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục, xu hướng dạy học di động (mobile learning) đang là cơ hội học tập mở cho cả thầy và trò. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là có thể dạy – học theo theo nhu cầu cá thể hóa, với không gian học tập không giới hạn. Qua đó, giúp các em hình thành và phát triển kỹ năng số - kỹ năng không thể thiếu trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.
Tuy nhiên, cho phép học sinh sử dụng điện thoại với yêu cầu các em phải có điện thoại là hoàn toàn khác nhau. Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học tập do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định. Việc này sẽ được giáo viên hướng dẫn cụ thể, phù hợp với nội dung học tập.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, cần vận dụng linh hoạt quy định trên và không nên áp dụng một cách hình thức và máy móc. Nói như ông Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), cần đặt hiệu quả bài giảng của giáo viên, hiệu quả học tập, hiểu biết, áp dụng bài học của học sinh là trên hết; không nên mải mê trình diễn công nghệ mà quên đi điều này.