Hội thảo trực tuyến “Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên”

GD&TĐ - Trường ĐH Luật TP.HCM vừa tổ chức thành công hội thảo quốc tế “Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên” thông qua hình thức trực tuyến.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm xác định những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến việc hoạt động chưa hiệu quả của hệ thống tư pháp hình sự Việt Nam đối với người chưa thành niên; đề xuất các giải pháp cải cách pháp luật và thực hiện pháp luật, chủ yếu trên cơ sở so sánh với các quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế về tư pháp đối với người chưa thành niên.

Hội thảo thu hút 34 bài tham luận của các nhà nghiên cứu trong và ngoài  nước, trong đó có 10 bài tham luận được đưa ra để trình bày, thảo luận.

Đặc biệt, vấn đề tư pháp đối với người chưa thành niên của Ấn Độ, Canada và kinh nghiệm giải quyết của các nước để từ đó rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam rất được các chuyên gia, nhà nghiên cứu quan tâm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, Phó trưởng ban tổ chức thường trực cho biết: Hội thảo quốc tế với chủ đề “Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên” là diễn đàn trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên giữa các nhà nghiên cứu, những người thực thi pháp luật trong nước và quốc tế.

Từ đó, các chuyên gia pháp luật sẽ cùng nhau đánh giá hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên của Việt Nam; đưa ra các đề xuất, giải pháp cải cách pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên của Việt Nam.

PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM
PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM

"Hiện nay, việc thẩm vấn và tranh tụng còn đang trong quá trình chuyển đổi khi áp dụng đối với người chưa thành niên, mô hình nào bảo vệ được quyền cho người chưa thành niên thì vẫn chưa có câu trả lời.

Bên cạnh đó, việc thẩm vấn không đúng có thể đặt người chưa thành niên vào hoàn cảnh không được bảo vệ và có nguy cơ bị xâm hại nhiều hơn.... Do đó, hội thảo có ý nghĩa rất lớn trong việc bổ sung, tháo gỡ những vướng mắc của  luật khi áp dụng trong thực tế", PGS.TS Trần Hoàng Hải nhấn mạnh. 

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – Trưởng khoa Luật Hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, Phó trưởng ban tổ chức, Trưởng ban chuyên môn của hội thảo cho rằng cách tiếp cận của hệ thống tư pháp hình sự người chưa thành niên cần phải là một cách tiếp cận toàn diện.

Có nghĩa là việc bảo đảm quyền của người chưa thành niên cần phải được quy định trong tất cả các ngành luật: luật hình sự, luật tố tụng hình sự, thi hành án hình sự.

"Cách tiếp cận toàn diện này đòi hỏi chúng ta phải chú ý đến vấn đề quyền của người chưa thành niên phạm tội, quyền của những người chưa thành niên là nạn nhân hoặc là nhân chứng.

Kinh nghiệm của nước ngoài rất hữu ích để Việt Nam tham khảo, chúng ta nên lựa chọn những hạt nhân hợp lý, phù hợp để xem xét việc hoàn thiện luật quốc gia", PGS.TS Phương Hoa chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.