Trong mắt Marty Berman, Carol Berman không phải là vợ mà là một phụ nữ kỳ lạ đang giả mạo Carol. Chồng bà bắt đầu la hét, gọi tên và tìm kiếm Carol mặc dù bà ngồi đối diện. Marty Berman là một luật sư thông minh, mẫn cán và làm việc chăm chỉ suốt cuộc đời mình. Nhưng ở tuổi 74, ông bắt đầu có dấu hiệu mất trí nhớ, mặc dù thành thạo cả về toán học và kỹ thuật nhưng giờ đây Marty thậm chí không thể trừ được những con số đơn giản. Bà Carol đã đưa chồng đến gặp bác sĩ và chồng bà được chẩn đoán mắc hội chứng Capgras - một tình trạng tâm lý khiến người ta tin rằng những người thân của mình bị thay thế bởi người giả mạo.
Hội chứng Capgras
Hội chứng Capgras hay hoang tưởng Capgras là một chứng bệnh lạ gây rối loạn nhận diện. Người mắc phải hội chứng này thường có ảo tưởng sai lầm về những vấn đề, con người, sự vật xung quanh họ. Căn bệnh này được đặt theo tên của nhà khoa học tìm ra nó - Joseph Capgras (sinh năm 1873 mất năm 1950). Vào năm 1923, Joseph Capgras và đồng nghiệp của mình lần đầu tiên mô tả căn bệnh này trong bệnh án về một phụ nữ có tên A mắc chứng bệnh có những triệu chứng tương tự và được xếp vào mục hoang tưởng như: Luôn cho rằng chồng, con, hàng xóm của mình bị bắt cóc và thay thế bởi một bản sao y hệt. Ngoài ra, bệnh nhân còn nhận là con cháu trực hệ của vua Louis XVIII, nữ hoàng Ấn Độ. Năm 1942, nhà khoa học Capgras gặp trường hợp một cô gái luôn khẳng định bố ruột mình là kẻ mạo danh. Sau đó, Capgras kết luận những ảo tưởng này đến từ cảm xúc mà người bệnh dành cho bố khiến cô ám ảnh. Vài năm sau, Capgras đã đổi tên căn bệnh thành hội chứng Capgras.
Lý giải của các nhà khoa học
Trước năm 1936, 15 trường hợp bệnh nhân nữ được ghi nhận mắc các triệu chứng của căn bệnh này, do đó người ta cho rằng hội chứng Capgras chỉ xuất hiện ở nữ giới. Nhưng sau đó bệnh nhân nam cũng được ghi nhận mắc các triệu chứng tương tự. Năm 1980, các chuyên gia thống kê có đến 1/3 số trường hợp mắc hội chứng Capgras là nạn nhân của tai nạn giao thông hay những chấn thương tâm lý nặng nề. Điều này khiến Hội chứng Capgras được chuyển từ rối loạn tâm lý sang rối loạn thần kinh. Nhiều trường hợp mắc Capgras sau khi mắc bệnh Alzheimer do sự tích tụ bất thường trong não của các protein. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, Hội chứng Capgras phổ biến ở bệnh nhân mất trí nhớ thể Lewy khiến họ có ảo tưởng đôi hoặc phân ly của chứng tâm thần phân liệt. Khi đó, nhận thức của người bệnh vẫn còn khả năng nhận diện khuôn mặt nhưng phần cảm xúc nhận diện khuôn mặt bị tổn thương gây ra hoang tưởng cho người bệnh.
Một nghiên cứu tiến hành năm 2014 dành cho các bệnh nhân rối loạn tâm thần ở bệnh viện đã xác định được 73 (chiếm 14,1%) mắc chứng ảo giác Capgras trong tổng số 513 bệnh nhân. Điều này cho thấy số lượng người mắc chứng ảo giác này càng ngày càng tăng.
Phương pháp điều trị
Các nhà khoa học cho rằng, liệu pháp hành vi nhận thức - một loại tâm lý trị liệu bằng cách nói chuyện có thể giúp bệnh nhân nhận thức được những niềm tin của bản thân mình là không chính xác. Sau nhiều lần thuyết phục, Marty Berman đã chấp nhận vợ mình là có thật và dần dần chấp nhận khuôn mặt của người vợ. Các chuyên gia tâm thần học khác cũng áp dụng phương pháp điều trị bằng thuốc chống loạn thần và thuốc chống trầm cảm. Theo Giáo sư về tâm thần học và hành vi con người, Paul Malloy, Đại học Brown: “Sau khi điều trị bằng các loại thuốc này, bệnh nhân mắc chứng capgras đã không còn trong trạng thái ảo tưởng liên tục, họ có thể nhớ ra khuôn mặt người thân của mình”. Tuy nhiên, đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị dứt điểm căn bệnh Capgras.