Nghiên cứu mới của Đại học Bang Sao Paulo (Brazil) chứng minh rằng thói quen lười ăn thịt, cá và các thực phẩm giàu đạm khác của một số phụ nữ có thể ảnh hưởng lớn đến con trai họ tận 70-80 năm sau. Đó là nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở người con trai có thể tăng thêm vài lần.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học The Journal of Gerontology: Series A.
Chế độ ăn của mẹ khi mang thai và cho con bú ảnh hưởng rất lớn đến tương lai sức khỏe của bé.
Với nam giới bình thường, ung thư tuyến tiền liệt đã là loại ung thư đáng sợ, có tỉ lệ mắc lên đến 1/8 đàn ông. Với người có mẹ ăn thiếu đạm khi mang thai, nguy cơ mắc loại ung thư này tăng vọt lên 33% khi người con trai đó được 70-80 tuổi và tăng đến 50% nếu mẹ của họ vẫn ăn thiếu đạm khi cho con bú.
Giáo sư Luis Justulin Junior, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, phân tích: "Sự tiếp xúc với chế độ ăn ít protein từ trong bụng mẹ làm suy yếu sự phát triển của tuyến tiền liệt".
Thí nghiệm đối chứng trên chuột cho thấy những con chỉ ăn lượng protein chiếm 6% khẩu phần cho thấy các con chuột con sinh ra thường nhẹ cân, nhiều cơ quan phát triển kém và mức độ hormone thay đổi. Khi các con chuột con này lớn lên ở tuổi tương ứng với giai đoạn cao tuổi ở người, mức hormone sinh dục nam testosteron và cả hormone sinh dục nữ estrogen vốn tồn tại một ít trong cơ thể nam giới, bị giảm đến 6 lần.
Như các nghiên cứu trước đó đã chứng minh, hormone sinh dục suy yếu, nhất là testosterone cũng là một yếu tố thúc đẩy ung thư tuyến tiền liệt.
Các nhà khoa học khuyên phụ nữ trong giai đoạn mang thai và cho con bú nên ăn ít nhất 17% protein trong khẩu phần. Để đạt được mức này, hãy tăng cường các thực phẩm bổ dưỡng, có hàm lượng đạm cao. Ăn nhiều thịt, cá, hải sản, trứng, sữa…, tức những món giàu đạm, vốn là lời khuyên phổ biến cho thai phụ và người đang cho con bú. Nghiên cứu trên cho thấy bạn càng nên tuân thủ lời khuyên đó hơn.