Thầy cô giáo luôn tận tình hướng dẫn
Bắt đầu từ 19h00 tối, khi các gia đình đã lên đèn, các học viên lại cùng nhau đến lớp học đặc biệt vào buổi tối, đó là lớp xóa mù chữ. Tham gia lớp học với mong muốn biết đọc, biết viết có thêm kiến thức, vận dụng làm ăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Thế nhưng, để có thể duy trì lớp học xoá mù chữ trong suốt mấy tháng qua, các thầy cô giáo, những người thành lập lớp học đã gặp không ít gian truân mới có được thành quả như ngày hôm nay. Họ phải đến từng nhà vận động, giải thích về ý nghĩa quan trọng và lợi ích của việc học tập, biết đọc, biết viết để động viên, khuyến khích bà con tham gia lớp học.
Ở tuổi 55, bà Dương Thị Bắc (xóm Bầu 1, xã Văn Yên ) vẫn ngày ngày kiên trì tới lớp học. Dù tuổi đã cao, nhưng bà nghĩ, mình phải là tấm gương để các thế hệ sau noi theo, không chỉ là học tập mà còn cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
“Mắt tôi đã kém, trí nhớ cũng không còn tốt nữa nên việc học chữ khá khó khăn. Nhưng biết đây là việc nên làm và được cô giáo hướng dẫn tận tình nên mấy tháng qua tôi đã biết viết, biết đọc. bà Bắc nói.
Còn đối với bà Nguyễn Thị Sáu, sinh năm 1966 ở xóm Bầu 1, xã Văn Yên, phấn khởi khi được tham gia học chữ. Mặc dù đã gần 60 tuổi nhưng bà Sáu vẫn chưa thành thạo tiếng Việt.
Bà Sáu chia sẻ: Mặc dù tuổi này đi học cũng rất ngại nhưng tôi quyết tâm học để biết cái chữ cho đỡ khổ. Trước kia nhà có 7 anh em, nghèo không có tiền để đi học nên thiệt thòi lắm. Giờ đi học được cấp đầy đủ sổ, bút, không mất học phí thì cớ gì không học.
Bên cạnh đó, các cô giáo trực tiếp dạy chúng tôi luôn tận tình chỉ bảo, thường xuyên quan tâm, động viên, nhờ đó chúng tôi lại càng có thêm động lực trên hành trình đi tìm con chữ.
Giáo viên trường Tiểu học Văn Yên tặng hoa cho các học viên nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10. |
Lên rừng hái lá dong tặng cô giáo
Cô giáo Lê Thị Mong, giáo viên trường Tiểu học Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trên cơ sở khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi đã soạn giảng giáo án, lựa chọn phương pháp dạy phù hợp để học viên dễ tiếp thu nhất. Do học viên là những người lớn tuổi, lại có hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi luôn dành sự quan tâm, gần gũi, thân thiện với học viên, chia sẻ khó khăn bằng cách tâm sự với họ để họ bớt mặc cảm.
Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, vận động bà con tới lớp, các cô giáo cũng thường xuyên khuyến khích, thông qua việc tặng những món quà nhỏ để tiếp thêm động lực cho học viên.
Cũng theo cô Mong, việc dạy chữ cho học trò đã khó, nhưng dạy chữ cho đối tượng cao tuổi còn khó hơn gấp nhiều lần, do khả năng tiếp thu cũng hạn chế. Bởi vậy, để giúp bà con biết đọc, biết biết, không chỉ là khắc phục khó khăn, lòng yêu nghề, mà hơn hết là tình cảm gắn bó với vùng đất, bà con nơi đây.
Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua, chúng tôi vô cùng xúc động không phải nhận được những bó hoa tươi thắm hay những món quà đắt tiền mà là chúng tôi được các học viên lên rừng hái lá dong mang đến tặng.
Những chiếc lá dong được rửa, lau sạch lớp bụi, sắp xếp cẩn thận, quấn chặt bên ngoài bằng lạt cây giang. Các học viên không biết chúc cầu kỳ, mà chỉ mang đến và nói tặng hai cô mang về gói bánh
Dù món quà rất bình dị, giản đơn nhưng qua đó mới thấy được sự quan tâm, tình cảm trân quý mà các học viên dành cho những giáo viên đứng lớp. Đây cũng là động lực để mỗi giáo viên có thêm niềm tin, tiếp tục cố gắng nỗ lực truyền dạy kiến thức.” Cô Mong chia sẻ.
Như vậy, việc mở các lớp xoá mù chữ không riêng huyện Đại Từ mà các địa phương trong tỉnh cũng duy trì nhiều năm nay. Mở lớp học xoá mù chữ cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS giúp bà con chưa được đi học hoặc chưa hoàn thành chương trình tiểu học được học tập để biết đọc, viết và làm những phép tính căn bản nhất. Qua đó giúp họ thuận lợi hơn trong giao tiếp, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.