Xây dựng niềm tin tạo động lực khuyến khích học viên tham gia lớp học xoá mù chữ

GD&TĐ - Từ nhiều năm nay, sau những buổi đi nương, bà con người DTTS tại xã vùng cao Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn lại đến lớp học xoá mù chữ.

Xây dựng niềm tin tạo động lực khuyến khích học viên tham gia lớp học xoá mù chữ.
Xây dựng niềm tin tạo động lực khuyến khích học viên tham gia lớp học xoá mù chữ.

Lớp học đặc biệt

Cứ hết buổi, tiếng đánh vần học bài của những học sinh không phải là con trẻ, họ là chính những người đã làm bố, làm mẹ thậm chí đã lên chức ông, bà lại vang lên giữa núi rừng vùng cao.

Tận mắt chứng kiến các thầy cô giáo ân cần cầm tay nắn từng nét chữ cho học viên ở lớp học xóa mù chữ, mới thấy được nhiệt huyết, sự tận tụy với nghề. Trong đêm tối, ánh điện như sáng hơn, càng làm rõ những ánh mắt học trò nhiều độ tuổi.

Hình ảnh từng tốp người già, người trẻ ở vùng cao cầm mang theo sách bút, có người địu cả con cháu rảo bước đến điểm trường để tham gia lớp xóa mù chữ đã tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp.

Ai cũng mong được biết chữ, biết đọc để sau này tiếp thu những kiến thức, truyền dạy văn hóa của dân tộc, vận dụng làm ăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Chị Bàn Thị Pham, 47 tuổi, người dân tộc Dao, là học viên của lớp xoá mù chữ được tổ chức tại thôn Khuổi Bốc cho biết: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sống trong cảnh mù chữ, cuộc sống nhiều khi gặp rất nhiều khó khăn. Gần đây, được cán bộ vận động, chị đã đăng ký tham gia lớp học tại nhà văn hóa thôn.

“Tham gia lớp một thời gian, tôi đã có thể ghép vần đọc được một số từ đơn giản. Tôi đang mong sau hết khóa học này, tôi sẽ đọc và viết được nhiều hơn nữa”. Chị Pham cho biết.

Còn đối với chị Triệu Thị Phấy, người dân tộc Dao, học viên lớp xoá mù chữ thôn Khuổi Bốc chia sẻ: Ngày xưa gia đình không có điều kiện để đi học nên tôi không biết chữ, nên làm cái gì cũng khó, cũng vấp, nhờ có lớp xóa mù chữ này, giờ tôi đã biết đọc, biết viết, cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn”.

Các học viên vượt khó tham gia lớp học xoá mù chữ.

Các học viên vượt khó tham gia lớp học xoá mù chữ.

Thực hiện "3 cùng"

Những lớp xóa mù chữ thường kéo dài 3-6 tháng, từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Để mở được lớp xóa mù chữ, chính quyền địa phương và giáo viên phải vận động bà con nhiều lần, thậm chí giáo viên phải thực hiện "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với họ để giữa 2 bên hiểu và tin tưởng nhau trước khi tới lớp; động viên học viên đến lớp nhất là vào mùa.

Việc dạy chữ cho học sinh vùng cao vốn đã gian nan, lại dạy cho những người lớn tuổi là cả một sự vượt khó, kiên trì của những người đứng lớp. Bởi vậy, để "gieo" được con chữ, không chỉ là khắc phục khó khăn, lòng yêu nghề, mà hơn hết là tình yêu với vùng đất, đồng bào nơi đây của những thầy, cô giáo vùng cao.

Cô Hoàng Thị Niệm - giáo viên xoá mù chữ thôn Khuổi Bốc, xã Xuân La chia sẻ: "Chúng tôi cố gắng, kiên trì cùng bà con lao động, học tập để bà con đến được gần hơn với con chữ. Để duy trì sĩ số lớp học, tôi cũng thường xuyên trao đổi với cán bộ thôn, cán bộ xã thực hiện tốt công tác dân vận giúp người dân tin tưởng, gần gũi, hiểu được việc học chữ rất có ích, từ đó họ sẽ xóa bỏ tâm lý e ngại, chịu khó đến lớp.

Ngoài ra, để khuyến khích bà con tham gia lớp học đầy đủ, ngoài giáo án đặc biệt chuyên dụng cho chương trình xóa mù chữ, Trung tâm học tập cộng đồng các xã còn chuẩn bị vở, bút, bảng phấn cho bà con.

Bà Quách Thị Tấm, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Pác Nặm chia sẻ: Nhằm tạo động lực cho đồng bào DTTS tích cực tham gia các lớp học xóa mù chữ, huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn) đã triển khai nghiêm túc nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách cấp tỉnh, chương trình MTQG và các nguồn khác theo quy định. Trong đó, theo Nghị quyết 19/2022/NQ-HĐND tỉnh ngày 10/12/2022, quy định mức chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ, giai đoạn 2021-2025 là 2 triệu đồng/ người sau khi hoàn thành 9 tháng học tập.

Đồng thời, học viên tham gia các lớp học xóa mù chữ được hỗ trợ học phẩm theo quy định (Quyết định số 1991/QĐ-UBND ngày 17/10/2022 của UBND tỉnh phê duyệt danh mục học phẩm hỗ trợ cho học sinh các lớp xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2030).

Các lớp học xóa mù chữ được hỗ trợ kinh phí thắp sáng ban đêm 900.000 đồng/lớp/ giai đoạn (9 tháng) học tập, ứng với hỗ trợ 100.000 đồng/lớp/tháng; đồng thời hỗ trợ cho người tham gia hoạt động tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp; phụ cấp cho người làm công tác chủ nhiệm lớp xóa mù; hỗ trợ mua sổ sách theo dõi quá trình học tập và văn phòng phẩm cho lớp xóa mù chữ; chi tiền công đối với những người tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.