Phát huy vai trò của trung tâm học tập cộng đồng
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc, có 200 xã, phường, thị trấn (trong đó có 88 xã khu vực III và 108 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I và khu vực II). 83% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, có 7 dân tộc chủ yếu là Nùng, Tày, Kinh, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông ….
Tính đến tháng 12/2022, số người chưa biết chữ mức độ 1 trên địa bàn tỉnh là 62 người trong độ tuổi 15 – 25 chiếm 0.05%; 766 người trong độ tuổi 15 - 35 chiếm 0,27% dân số; 5665 người trong độ tuổi 15 - 60 chiếm 1,00% dân số.
Số người chưa biết chữ mức độ 2 là 102 người trong độ tuổi 15 - 25 chiếm 0,09%; 1821 người trong độ tuổi 15 - 35 chiếm 0,65%; 23354 người trong độ tuổi 15 - 60 chiếm 4,13%.
Số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1: 3/200, tỷ lệ: 1,500%; số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2: 197/200, tỷ lệ 98,50%;
Số huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1: 0/11, tỷ lệ: 0%; số huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2: 11/11, tỷ lệ: 100%; toàn tỉnh duy trì đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.
Để công tác xoá mù chữ hiệu quả, tỉnh Lạng Sơn, ngoài việc mở các lớp chuyên đề, trung tâm học tập cộng đồng còn là đơn vị tiên phong, chỉ đạo hoạt động xóa mù chữ trên địa bàn xã.
Trung tâm học tập cộng đồng thực hiện điều tra, khảo sát, huy động người dân tham gia học xóa mù chữ; sắp xếp đầu tư cơ sở vật chất lớp học; phân công nhiệm vụ tới các tổ chức, đoàn thể, đơn vị trường học trong công tác mở lớp dạy học xóa mù chữ.
100% các lớp xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh là do trung tâm học tập cộng đồng chủ trì, phối hợp với các đơn vị trên địa bàn đặc biệt là trường tiểu học trên địa bàn thực hiện tổ chức mở lớp và quản lý lớp.
Hiện Sở GD&ĐT đã trang bị 200 trang thông tin điện tử cho 200 trung tâm học tập cộng đồng; ban hành Quy chế hoạt động của trang thông tin điện tử lưu trữ cơ sở dữ liệu, dạy học xóa mù chữ ngành giáo dục tỉnh.
Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn phòng GD&ĐT, trung tâm học tập cộng đồng khai thác, lập kế hoạch tổ chức các lớp xóa mù chữ, lập hồ sơ thanh quyết toán; chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức dạy học xóa mù chữ, cách tuyên truyền, huy động người dân tham gia học; hướng dẫn sử dụng trang thông tin điện tử thực hiện lưu trữ cơ sở dữ liệu, dạy học xóa mù chữ
Theo chia sẻ của ông Ngô Văn Hiền, trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn): “Ngoài những chỉ đạo mà ngành giáo dục đưa ra, công tác xoá mù chữ cũng được phòng Giáo dục chúng tôi rất chú trọng. Chúng tôi đã vận dụng nhiều hình thức để tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ tham gia lớp xoá mù chữ”.
Ông Ngô Văn Hiền cũng cho biết thêm, năm 2023, Phòng GD&ĐT Văn Quan đã mở được 8 lớp xoá mù chữ với 92 học viên tại 5 xã gồm Trấn Ninh, Tri Lễ, Liên Hội, An Sơn, Lương Năng. Sau một thời gian tổ chức dạy học, các học viên đã biết đọc, biết viết, biết tính toán. Để có được kết quả đó, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng từ giáo viên về hưu, học sinh, thanh niên, hội phụ nữ… để tham gia vào công tác xoá mù.
Lạng Sơn tổ chức tập huấn công tác dạy xoá mù chữ. |
Đẩy mạnh công tác xoá mù
Để công xoá mù chữ hiệu quả, ngành Giáo dục tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về tầm quan trọng của hoạt động xóa mù chữ trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững tỉnh nhà.
Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục tại địa phương. Tập trung, huy động các lực lượng trên địa bàn tham gia hiệu quả công tác điều tra, rà soát người mù chữ và tái mù chữ.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả các lớp xóa mù chữ, thực hiện quản lý chặt chẽ hoạt động dạy học, duy trì sĩ số, hồ sơ của các học xóa mù chữ; tăng cường dự giờ, thăm lớp, kiểm tra chất lượng học tập của học viên lớp xóa mù chữ (khả năng đọc, viết, tính toán và kiến thức khoa học) của học viên trực tiếp tại lớp, đảm bảo hiệu quả lớp học.
Quan tâm chi trả đúng, đủ chế độ hỗ trợ học viên, giáo viên, cán bộ tham gia công tác tổ chức, quản lý, giảng dạy các lớp xóa mù chữ kịp thời theo quy định tại Nghị quyết, Thông tư và các văn bản hướng dẫn của cấp trên.