Hiệu quả lớp xoá mù chữ ở Thái nguyên

GD&TĐ - Để giúp bà con biết đọc, viết, các thầy cô giáo đã tổ chức mở lớp dạy chữ cho học viên ở xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Hiệu quả lớp xoá mù chữ ở An Khánh.
Hiệu quả lớp xoá mù chữ ở An Khánh.

Làm tốt công tác tuyên truyền

Theo chân các cô giáo trường Tiểu học và THCS An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên tới lớp dạy học xoá mù chữ cho bà con địa phương, mới thấy được sự cố gắng, kiên trì của các thầy cô giáo và sự nỗ lực vượt qua khó khăn của các học viên.

Được sự quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các tổ chức đoàn thể, của Trung tâm học tập cộng đồng xã An Khánh, sự chỉ đạo sát sao của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Từ, lớp xoá mù chữ được tổ chức tại nhà văn hoá xóm Thống Nhất xã An Khánh triển khai từ ngày 18/9/2023, các học viên độ tuổi từ 30 tuổi đến 50 tuổi. Thời gian học từ 19 giờ 30 phút đến 23 giờ các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6, thứ 7 hàng tuần.

Để lớp học đạt được hiệu quả tốt nhất, Trường TH và THCS An Khánh đã làm tốt công tác tham mưu với địa phương trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học viên. Đồng thời, nhà trường đã sắp xếp và phân công giáo viên có kinh nghiệm để tham gia dạy lớp xóa mù chữ. Tạo điều kiện thuận lợi về bàn ghế, các thiết bị dạy học, sách giáo khoa, vở viết, thời gian, địa điểm học để học viên thuận tiện khi tham gia học.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, giáo viên trường TH và THCS An Khánh, người trực tiếp phụ trách giảng dạy các học viên lớp xoá mù chữ cho biết: Trong năm 2023 học kì 1 các học viên theo học lớp xoá mù chữ sẽ được cung cấp kiến thức môn Toán, Tiếng Việt lớp 1; học kì 2: là môn Toán, Tiếng Việt, TN&XH lớp 2 thực hiện theo chương trình GDPT 2018. Thực hiện theo kế hoạch 161/KH-UBND ngày 29/5/2023 của UBND huyện Đại Từ về Kế hoạch thực hiện công tác mở lớp xoá mù chữ trên địa bàn huyện Đại Từ.

Cũng theo cô Thuý, do các học viên tham gia học đều đã lớn tuổi, chính vì vậy việc vận động đối tượng trong độ tuổi ra học lớp xóa mù chữ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của gia đình học viên còn gặp nhiều khó khăn, một số gia đình thuộc diện hộ nghèo, bên cạnh đó việc dành thời gian cho học tập của học viên còn ít vì là trụ cột chính trong gia đình.

Để có thể vận động các học viên đi học đầy đủ, thời gian qua các giáo viên phụ trách lớp đã phải dùng nhiều phương pháp khác nhau như: Tích cực động viên, khích lệ để học viên thấy được lợi ích và giá trị từ việc biết đọc, biết viết, qua đó ứng dụng hiệu quả vào trong đời sống.

Cô giáo tận tình dạy học viên cách viết chữ.

Cô giáo tận tình dạy học viên cách viết chữ.

Tích cực đổi mới phương pháp dạy học

Quá trình giảng dạy, giáo viên phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học, thường xuyên áp dụng các kĩ thuật dạy học tích cực, học thông qua chơi vào tiết dạy nhằm phát huy tính tích cực chủ động của học viên.

Anh Từ Văn Hải, người dân tộc Sán Dìu (SN: 1973) xóm Tân Tiến, xã An Khánh, huyện Đại Từ cho biết: Trước đây do gia đình đông con, không có tiền đi học nên tôi không được đến trường. Bởi vậy, khi tham gia lớp xóa mù chữ này, dù trời mưa hay giá rét, tôi cũng chưa bỏ học 1 buổi nào.

Nhờ lớp xoá mù chữ được tổ chức tại nhà văn hoá xóm, đi lại rất gần, thời gian học vào buổi tối nên tôi có thể tranh thủ hoàn thành các công việc rồi tới lớp cùng các học viên khác. Các cô dạy tốt lắm nên lúc nào tôi cũng đi, không nghỉ. Biết chữ giúp ích cho cuộc sống mình nhiều lắm, đi ra ngoài đường có thể đọc được thông tin từ xung quanh.

Còn đối với anh Nguyễn Văn Dũng, xóm Thống Nhất, xã An Khánh, huyện Đại Từ, tham gia lớp học xoá mù chữ đã giúp anh biết tính toán cơ bản, nhờ đó anh có thể ứng dụng vào trong buôn bán, chăn nuôi.

Kết thúc thời gian học, các học viên được kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đánh giá vì sự tiến bộ của học viên, coi trọng sự động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học viên theo thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ