Vận động giáo viên về hưu tham gia giảng dạy công tác xoá mù chữ

GD&TĐ - Để đẩy lùi tình trạng mù chữ trong dân, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan dùng nhiều cách trong đó có vận động giáo viên về hưu tham gia giảng dạy.

Học viên tham gia lớp xoá mù chữ ở huyện Văn Quan, Lạng Sơn.
Học viên tham gia lớp xoá mù chữ ở huyện Văn Quan, Lạng Sơn.

Huy động mọi nguồn lực tham gia công tác xoá mù

Theo chia sẻ của ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn), hàng năm Phòng Giáo dục luôn chú trọng xây dựng kế hoạch thực hiện công tác xóa mù chữ, triển khai đồng bộ đến các trường, các xã trong toàn huyện.

Đồng thời, Phòng phối hợp với các đơn vị thực hiện rà soát số lượng người chưa biết chữ trong độ tuổi 15-60 tuổi trên địa bàn. Sau khi có số lượng cụ thể, Phòng xây dựng kế hoạch, kết hợp với địa phương tuyên truyền, vận động người dân tham gia lớp học xoá mù chữ.

Giáo viên giảng dạy lớp xoá mù chữ là các thầy cô giáo cấp tiểu học, THCS và mầm non. Họ là những người có trách nhiệm, tâm huyết và phương pháp giảng dạy dành riêng cho việc xóa mù.

Phòng giáo dục cũng vận động thầy cô giáo về hưu tham gia phong trào xoá mù chữ trên tinh thần tự nguyện, lan tỏa tinh thần hiếu học cho người dân trên địa bàn.

Ông Ngô Văn Hiền cũng cho biết thêm: “Quá trình triển khai lớp xoá mù chữ, chúng tôi cũng được sự hỗ trợ, quan tâm của tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, ngoài những các chính sách của Trung ương, tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia dạy lớp xóa mù; hỗ trợ thiết bị, máy móc cho học viên được học và ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ người học cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, ông Ngô Văn Hiền cũng thẳng thắn chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai xoá mù chữ như tình trạng tái mù dễ diễn ra sau khi người dân đã tham gia học lớp xóa mù chữ giai đoạn 1.

Để hạn chế tình trạng trên, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan thực hiện các giải pháp như duy trì các lớp xoá mù giai đoạn 1, mở lớp giai đoạn 2 cho học viên. Giáo viên giao bài tập cho học viên sau khi kết thúc khóa học;

Huy động lực lượng là người thân của người học để giúp đỡ học viên tiếp tục đọc thông, viết thạo, tính toán và ứng dụng khoa học vào sản xuất.

Khai giảng lớp xóa mù chữ ở xã An Sơn.

Khai giảng lớp xóa mù chữ ở xã An Sơn.

Tạo động lực cho học viên

Năm 2023, Phòng GD&ĐT Văn Quan đã mở được 8 lớp xoá mù chữ với 92 học viên tại 5 xã gồm Trấn Ninh, Tri Lễ, Liên Hội, An Sơn, Lương Năng. Sau một thời gian tổ chức dạy học, các học viên đã biết đọc, biết viết, biết tính toán.

Lớp xoá mù chữ còn là nơi để người học tham gia giao lưu, thực hành Tiếng Việt, đồng thời, là cơ hội để các học viên học hỏi kỹ thuật đẩy mạnh phát triển kinh tế.

“Nhiều học viên của chúng tôi chia sẻ, sau khi họ biết chữ đã mạnh dạn đến ngân hàng làm thủ tục vay vốn phát triển kinh tế. Hay những nụ cười hạnh phúc khi có thể tự mình gửi tin nhắn, gọi điện cho con cái học xa”, ông Ngô Văn Hiền cho biết.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 tuổi từ 15-60 của cả nước lần lượt là 98,55% và 96,70%

Giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động được 79.280 người ra học xoá mù chữ. Riêng 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã huy động được 53.965 người ra học (chiếm 68% trong tổng số người tham gia học xoá mù chữ của cả nước).

Trong đó có 33.344 người theo học lớp xoá mù giai đoạn 1 (với 27.890 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 86,2%) và 21.621 người theo học lớp xoá mù giai đoạn 2 (với 16.197 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 74,9%).

“Các lớp xoá mù chữ chúng tôi hướng đến không chỉ giúp người dân chưa biết chữ có thể đọc thông, viết thạo và biết tính toán mà từng bước hình thành năng lực ngôn ngữ, năng lực toán học và phát triển năng lực khoa học tự nhiên vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống”, ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.