Phải chăng mô hình hỗn hợp (nửa trong lớp- nửa trực tuyến) sẽ là chìa khóa giúp đào tạo trực tuyến đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong giáo dục- Đây cũng là một nhận định đáng chú ý của chuyên gia nghiên cứu về giáo dục quốc tế.
Xu hướng đào tạo trực tuyến xuyên quốc gia
Theo Rachel Merola (Nghiên cứu viên cao cấp của Cơ quan Nghiên cứu Giáo dục ĐH Không biên giới), học từ xa, MOOC (khóa học trực tuyến đại chúng mở) cùng với các mô hình đào tạo trực tuyến và hỗn hợp đã mang lại những cơ hội học tập xuyên biên giới, không cần đi du học. Điều này đang bộc lộ những yếu tố là thay đổi hoạt động GD xuyên quốc gia.
Khảo sát dữ liệu liên quan nhằm nắm bắt quy mô thị trường, đặc biệt tại các nước có đông du học sinh đến và các nước đông người du học nhất, qua đó tìm kiếm các bằng chứng cho thấp phải chăng sinh viên đang có xu hướng chuyển sang du học trực tuyến.
Tại Mỹ, ĐH Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã công bố hợp tác xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến với trị giá đầu tư 60 triệu USD có tên là edX, nhằm cung cấp những khóa học trực tuyến cho sinh viên trên khắp thế giới, với một tham vọng mà họ gọi là: “Cách mạng giáo dục toàn cầu”. Dự án edX của hai cơ sở giáo dục nổi tiếng thế giới trên đây mở ra các khóa học tương tác trực tuyến, giúp bất kỳ ai, dù đang ở đâu trên khắp thế giới đều có thể tham gia học.
Tại châu Âu, giữa các quốc gia trong khu vục này có nhiều hợp tác đa quốc gia về e- learning. Điển hình là dự án xây dựng mạng xuyên châu Âu EuropePACE. Đây là mạng E- learning của 36 trường ĐH hàng đầu châu Âu, thuộc các quốc gia như Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Anh, Pháp cùng hợp tác với công ty E- learning hàng đầu của Mỹ là Docent nhằm cung cấp các khóa học về lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, con người, phù hợp với nhu cầu học của các SV ĐH, sau ĐH và các nhà chuyên môn ở châu Âu.
Còn ở Anh, cơ sở đào đạo Open University là nơi tiên phong với mô hình đào tạo từ xa. Mô hình Coursera của Stanford mới đang ở giai đoạn thử nghiệm. Bước đầu Coursera đã thu hút sinh viên từ 190 quốc gia theo học, ngoài sinh viên từ Anh, chủ yếu còn có sinh viên của Mỹ, Brazil, Nga, Ấn Độ đăng ký học.
Trong khi đó, tại châu Á và trong khu vực ASEAN, mặc dù e- learning vẫn đang trong tình trạng mới phát triển, chưa có nhiều thành công, do các quy tắc, luật lệ khá bảo thủ, sự ưa chuộng hình thức đào tạo truyền thống của văn hóa châu Á, vấn đề ngôn ngữ không đồng nhất, cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, nền kinh tế lạc hậu ở một số quốc gia. C
ác quốc gia châu Á đang dần thừa nhận tiềm năng của đào tạo trực tuyến, một số quốc gia châu Á có nền kinh tế phát triển cũng đang nỗ lực phát triển e- learning.
Học trực tuyến vẫn cần kết hợp với học trực tiếp
Giáo dục trực tuyến có nhiều ưu thế so với giáo dục truyền thống: Giáo dục trực tuyến cho phép đào tạo mọi lúc mọi nơi, truyền đạt kiến thức theo yêu cầu, thông tin đáp ứng nhanh chóng. Học viên có thể truy cập các khóa học bất kỳ nơi nào, bất kỳ lúc nào.
Theo Ủy ban Ngân sách ĐH (UGC), Ấn Độ có 26,5 triệu sinh viên ĐH năm 2014- 2015. Công ty nghiên cứu Technavio ước tính hiện có 5,42 triệu HS/SV học từ xa, sẽ tăng khoảng 10% vào năm 2019. 100/140 công ty E- learning ra đời trong 3 năm qua ở Ấn Độ cho thấy sự phát triển của lĩnh vực đào tạo trực tuyến.
Các trường ĐH như MIT, Harvard cung ứng các chương trình trực tuyến qua hệ thống EdX và Ấn Độ là quốc gia có số SV học trực tuyến qua hệ thống EdX nhiều thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, theo Rachel Merola, đào tạo trực tuyến gia tăng không có nghĩa là SV lựa chọn học trực tuyến thay cho học trong lớp (kiểu truyền thống).
Trung Quốc có hệ thống GD ĐH lớn nhất thế giới, tăng trưởng gấp 6 lần trong thập niên qua, lên tới 33 triệu SV. Theo tập đoàn nghiên cứu Ambient Insight vào cuối năm 2014 Trung Quốc đã có 5,28 triệu (khoảng 16%) số SV học trực tuyến. Ước tính doanh thu từ E- learning của Trung Quốc lên tới 5,8 tỷ USD vào năm 2015, chiếm 22% chỉ tiêu toàn hệ thống GD (số liệu này là với các cấp học, chưa tính riêng bậc ĐH).
Với ứng dụng CNTT trong giáo dục từ xa, đào tạo trực tuyến là xu thế tất yếu của thời đại. Việc ứng dụng CNTT, triển khai đào tạo trực tuyến ở mỗi cơ sở đào tạo tùy thuộc vào mục đích, cách thức tổ chức và mức độ đầu tư, nhưng nhìn chung đều mang lại lợi ích xã hội.
E- learning là phương pháp học tập có nhiều ưu điểm, song bên cạnh đó còn có những khó khăn, thách thức. Điều đó thể hiện từ trong việc học tập cho đến công tác giảng dạy, quản lý đào tạo học trực tuyến luôn đòi hỏi trang thiết bị học tập, làm việc cũng như kỹ năng, phương pháp thực hiện.
Đòi hỏi đó từ phía người học cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc đào tạo trực tuyến chỉ mới phát triển tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành phố lớn, chưa đi được đến các vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, đối với giảng viên, trình độ công nghệ của phần nhiều giảng viên còn chưa phù hợp với đào tạo trực tuyến. Giảng viên lớn tuổi có kinh nghiệm chuyên môn thì phần lớn ngại sử dụng công nghệ.
Thêm nữa, sự phát triển liên tục của lĩnh vực CNTT và truyền thông, các thiết bị có thể sử dụng cho học tập như máy tính, điện thoại, máy tính bảng... liên tục nâng cấp, phát triển, đòi hỏi công nghệ phục vụ đào tạo trực tuyến và hệ thống học liệu cũng phải thường xuyên được nâng cấp và phát triển cho tương thích. Đây là thách thức lớn đối với những cơ sở đào tạo không đầu tư chuyên sâu ứng dụng CNTT trong đào tạo.
TS Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) đã nêu e- learning có không ít nhược điểm. Riêng về ý thức tự giác thì người học Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ thường chưa có ý thức tự giác học tập cao; trong khi nhược điểm của đào tạo trực tuyến là sự tương tác với giảng viên để hỏi đáp những vấn đề một các trực tiếp. Theo TS Bạch Tuyết, “Internet tạo ra khả năng vô song trong việc mở rộng cơ hội học tập, nhưng nó đưa ra nhiều thách thức với mô hình học tập truyền thống tại các trường ĐH”.
Nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, dù có những ưu điểm và là một loại hình đào tạo của thời đại mới, nhưng e- learning không thể thay thế được phương pháp dạy- học truyền thống. Trong khi e- learning bổ sung rất tốt cho phương pháp học truyền thống, do e- learning có tính tương tác cao dựa trên công nghệ đa phương tiện, tạo điều kiện cho người học trao đổi thông tin dễ dàng hơn, cũng như đưa ra nội dung học tập phù hợp với khả năng và sở thích của từng người.
Tuy nhiên, GD - ĐT không chỉ là trang bị cho người học kiến thức mà còn bao gồm cả GD nhân cách con người. “Trong giờ học, người học không chỉ theo dõi kiến thức bài giảng của người thầy mà còn phải là người khơi dậy những ước mơ, lý tưởng, niềm đam mê cho người học, mà điều này thì học trực tuyến ảo trên mạng Internet là không thể thực hiện được. Vì vậy, phương thức học truyền thống là không thể thay thế được, nhất là đối với các bậc học phổ thông”- TS Nguyễn Thị Bạch Tuyết nhấn mạnh.
Rachel Merola cũng chỉ ra: Còn quá sớm để kết luận đào tạo trực tuyến là động cơ dẫn dắt SV du học. Các chương trình đào tạo trực tuyến không được công nhận là rào cản cho sự phát triển đào tạo trực tuyến nói chung. “Phải chăng mô hình hỗn hợp (nửa trong lớp- nửa trực tuyến) sẽ là chìa khóa giúp đào tạo trực tuyến đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong giáo dục ĐH xuyên biên giới”- Rachel Merola nhận định.