Biểu hiện của sự bùng nổ học trực tuyến
Trên các trang mạng, thời gian gần đây, bạn đọc có thể bắt gặp nhiều clip, bài giảng tiếng Anh trực tuyến. Phần lớn những tựa đề dạy tiếng Anh qua mạng khá thu hút sự chú ý của người vào mạng Internet (để học tập, giải trí, hay đọc tin tức), từ những tựa đề trực diện “quảng cáo”: “Bạn muốn con mình giỏi tiếng Anh- ngay tại nhà?”; “Thử tài tiếng Anh với 5 câu trắc nghiệm tình huống giao tiếp”; “Học tiếng Anh qua màn song ca của cặp bố con Mỹ”; Hoặc hút người vào xem clip với tựa đề kiểu như “Hot girl Youtube chỉ cách nói “Tôi xin lỗi” trong tiếng Anh”; “Hot girl Youtube chỉ những lỗi tiếng Anh hay bị phát âm sai”… Những hình thức, bài viết, clip luyện nghe- nói hay học ngữ pháp tiếng Anh có thể nói đang bùng nổ trên mạng Internet. Cùng với sự phát triển của hình thức học trực tuyến (e- learning), dường như học ngoại ngữ trực tuyến luôn thu hút đông nhất số người quan tâm tham gia.
TS Phan Thế Công (ĐH Thương mại, Hà Nội) cho rằng: E- learning là một phương pháp hiệu quả và khả thi, tận dụng tiến bộ của phương tiện điện tử, Internet để truyền tải các kiến thức, kĩ năng đến những người học là cá nhân hay tổ chức ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, tại bất kỳ thời điểm nào. Với các công cụ đào tạo truyền thống phong phú, cộng đồng người học online và các buổi thảo luận trực tuyến, e- learning giúp mọi người mở rộng cơ hội tiếp cận với các khóa đào tạo, nhưng lại giúp giảm chi phí. Trong chúng ta không ai còn xa lạ với những thiết bị di động như điện thoại, iPod, máy tính bảng, laptop, netbook, iPad và các thiết bị lưu trữ dữ liệu như USB... Kết hợp tiện ích của những thiết bị này cho mục đích học tập bạn sẽ có Mobile Learning.
Tại Việt Nam thời gian qua đã triển khai kết hợp ứng dụng CNTT vào tất cả mọi cấp độ giáo dục, nhằm đổi mới chất lượng học tập trong các môn học, đồng thời trang bị cho thế hệ trẻ đầy đủ các công cụ và kỹ năng trong kỷ nguyên thông tin. Bên cạnh việc xây dựng thêm trường, lớp phục vụ cho hoạt động học tập theo phương thức truyền thống, thì Việt Nam cũng đã “cập nhật” xu thế mới của thế giới về phương thức đào tạo, đã có nhiều cơ sở đào tạo kết hợp đào tạo trực tuyến với phương thức đào tạo truyền thống, nhằm cung cấp dịch vụ đào tạo đa dạng và hiệu quả hơn cho người dân. Đáng chú ý là nhiều trường ĐH đã mạnh dạn đưa phương thức đào tạo từ xa e- learning vào hoạt động đào tạo.
Xuất phát từ nhu cầu có thực
Chị N.T.Hợp (Minh Khai, Hà Nội) cho biết: “Trước đây cứ mỗi hè tôi lại cho con trai đăng ký học đủ các kiểu trung tâm, lớp học ngoại ngữ khác nhau. Thậm chí, sốt ruột với trình độ tiếng Anh của con, từ khi con học lớp 8 tôi đã cho con học với gia sư người Mỹ, mỗi buổi luyện tiếng Anh một thầy một trò như vậy 800.000 đồng tiền học, tuần một buổi. Chi phí cho con học tiếng Anh tốn kém ngang ngửa chi phí đóng học phí ở trường tư thục của con. Bây giờ con lên lớp 10 thì tôi đang đổi hướng cho con tự học tiếng Anh trên mạng xem có khả quan hơn không, tạm thời thì thấy chi phí học qua mạng thấp hơn chi phí học gia sư hay học trực tiếp ở trung tâm ngoại ngữ, con cũng có vẻ thích học ở nhà với máy tính, tai nghe, quan trọng là chủ động về thời gian và thấy khả năng phát âm tiếng Anh của con cũng tiến bộ. Tôi cần để ý tới cách học trực tuyến này thêm một thời gian nữa để đánh giá hiệu quả đối với con”.
Xu hướng hội nhập quốc tế cũng thúc đẩy GD- ĐT, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra lực lượng lao động đủ về số lượng và đáp ứng về chất lượng, nhằm góp phần giúp mỗi quốc gia tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Việc xã hội hóa giáo dục, đưa GD đến tận nhà, tận văn phòng làm việc hay đến các phân xưởng sản xuất, lên các phương tiện giao thông, hay thậm chí vào tận các khu vui chơi, nghỉ mát trở nên cần thiết và ngày cần gần gũi. “Kết hợp với dịch vụ Internet, các tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo đã tìm được giải pháp để giải quyết các vấn đề trên. Hiện nay, một phương pháp học trực tuyến rất được chú trọng đó là phương pháp tương tác bảng điện tử, các bài giảng được các giáo sư, giáo viên trình bày thông qua phương pháp giảng dạy tại lớp và được ghi hình làm tư liệu giảng dạy một cách sống động cho HS ở khắp nơi, phương pháp này giúp HS được tiếp thu bài giảng một cách nhanh chóng mọi lúc, mọi nơi.
Theo TS Phan Thế Công, ở Việt Nam hiện nay, chương trình học trực tuyến chủ yếu ứng dụng trong đào tạo tin học, ngoại ngữ. Trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều trang mạng đào tạo trực tuyến. Dù được thành lập chưa lâu, nhưng nhiều trang mạng đang được người học, đặc biệt là giới trẻ hào hứng tiếp nhận. Vẫn những kiến thức thông thường và chuyên sâu như hình thức đào tạo truyền thống nhưng học trực tuyến đã vận dụng được tối đa sức mạnh của công nghệ thông tin, nhằm mang đến các giá trị tối đa cho người học. Đa số các chương trình học rất trực quan, có tính tương tác cao, hấp dẫn người học. Nắm bắt xu hướng này, các trường ĐH trên đây của Việt Nam đã triển khai đào tạo trực tuyến e- learning và việc ứng dụng phương thức đào tạo mới này mạng lại những lợi ích cho cả người học, người dạy và người quản lý đào tạo.
Giáo sư Vũ Quốc Phóng (Giáo sư Toán học, ĐH Ohio, Mỹ) cho rằng: “Một sinh viên dù có học ở trường lớn đến đâu chăng nữa, kể cả đó là ĐH Harvard hay Yale, thì cũng phải biết áp dụng cách học từ xa, áp dụng e- learning”. E- learning đã tạo nên một xu thế học tập, đào tạo hiệu quả, không chỉ trên thế giới mà còn có một lực hút khá ấn tượng tại Việt Nam hiện nay (bên cạnh phương thức giáo dục- đào tạo truyền thống quen thuộc).