Vậy trong tương lai, MOOC có còn là mối đe dọa đối với phương thức giáo dục truyền thống hay không?
Cuộc cạnh tranh vẫn chưa bắt đầu?
Năm năm trước, vào thời điểm mà các nhà giáo dục cảnh báo sự xuất hiện của mô hình giáo dục sẽ thay đổi cấu trúc cơ bản của nền giáo dục hiện nay, mọi sự chú ý đều hướng đến MOOC. Mô hình đào tạo trực tuyến mà sinh viên không cần phải đến trường, nhà trường không cần phải xây dựng các cơ sở giảng dạy quy mô, MOOC lúc bấy giờ thật sự là mối đe dọa có thể khiến mô hình giáo dục truyền thống trở thành phương pháp thứ cấp.
Không đặt ra nhiều luật lệ phức tạp, cũng như giúp cho người học chủ động về thời gian, địa điểm học tập, MOOC đã hứa hẹn tạo ra một cuộc cách mạng, giúp cho giáo dục có thể đến được với tất cả mọi người, cho dù ở đâu, thuộc lứa tuổi nào…như đúng với mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc đặt ra cho các nhà lãnh đạo giáo dục trên toàn thế giới.
Điều này càng trở nên rõ ràng hơn, khi các cường quốc giáo dục hay những trường đại học hàng đầu trên thế giới, như Đại học Harvard cũng vào cuộc và xây dựng cho mình một mô hình MOOC riêng để đi theo xu hướng giáo dục mà họ cho rằng sẽ là lá cờ đầu trong giáo dục tương lai.
Không dừng lại tại đó, một số tập đoàn công nghệ cũng đặt một chân vào giáo dục, lĩnh vực tưởng chừng không mấy liên quan đến hoạt động của mình, bằng cách cung cấp những khóa học trực tuyến về kỹ thuật xây dựng một hệ thống MOOC hiệu quả.
Vào thời điểm ấy, dù hiệu quả chưa được kiểm chứng nhưng sức hút của MOOC là điều không thể không thừa nhận. Đơn cử như Udacity, một trong những nhà cung cấp MOOC hàng đầu hiện nay, ngay trong 2 tuần ra mắt đã có hơn 56.000 học viên đăng ký khóa học đầu tiên về trí thông minh nhân tạo.
Sau đó, khóa học được xem là kén người học và không đáp ứng nhu cầu phổ thông của Udacity đã có đến 160.000 sinh viên đăng ký, một con số kỷ lục đáng mơ ước đối với một khóa học tại trường đại học.
Trước sự xuất hiện và “tấn công” mạnh mẽ của MOOC, các trường đại học gần như không có động thái gì đáng kể ngoài việc quan sát và ghi nhận các số liệu về mô hình được xem là mối de dọa lớn nhất của mình này.
Với sự xuất hiện của MOOC, mọi người nhận thấy mô hình giáo dục đại học truyền thống, tức thông qua các trường đại học, cao đẳng không đáp ứng được nhu cầu được trau dồi kiến thức của con người cùng với chi phí học tập đắt đỏ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các trường đại học phải thật sự sẵn sàng để bước vào cuộc đua trên phương diện giáo dục trực tuyến nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Năm năm sau, dù các trường đại học có nghiên cứu và tạo ra một số mô hình tích hợp giáo dục trực tuyến nhưng nhìn chung thì mô hình giảng dạy truyền thống vẫn không có nhiều thay đổi. Thế nhưng các dự báo từ trước dường như vẫn không có nhiều tác động đến các trường đại học và minh chứng là số lượng sinh viên đại học xét trên mặt bằng chung vẫn tăng trưởng qua từng năm và không có dấu hiệu chuyển sang các khóa học trực tuyến MOOC.
Điều này cũng đồng nghĩa dự báo về cuộc cách mạng kỹ thuật số sẽ khiến cho MOOC thay thế các trường đại học truyền thống đã không hề xảy ra.
Tuy vậy, theo đánh giá của những chuyên gia trong cuộc, những người đang áp dụng mô hình giảng dạy trực tuyến thì sự chuyển đổi chưa xảy ra ở giai đoạn hiện tại, không đồng nghĩa với việc nó sẽ không diễn ra trong thời gian tới.
Theo Patrick Brothers, Giám đốc phát triển của Navitas, một trong những nhà cung cấp giáo dục lớn nhất tại Úc, thì việc không có nhiều sự thay đổi có thể rõ ràng nhận thấy kể từ năm 2012 đã khiến cho các nhà giáo dục truyền thống xem thường sức mạnh và tầm ảnh hưởng của các mô hình MOOC.
“Mọi người vẫn đang lầm tưởng rằng MOOC đã và đang phát triển theo một hướng khác, hoàn toàn độc lập và sẽ không đi trên một con đường với giáo dục truyền thống. Tuy nhiên đó là một quan niệm vô cùng sai lầm. Đối với chúng tôi, việc phát triển mô hình giáo dục trong tương lai cần phải có hai phân nhánh, tức bên cạnh phương thức giảng dạy truyền thống cần có một lộ trình để phát triển giáo dục trực tuyến. Điều này giúp chúng tôi có thể chạy theo xu hướng giáo dục hiện tại, mà tại đó, giáo dục trực tuyến kỹ thuật số sẽ đóng vai trò thống trị”, Patrick Brothers chia sẻ.
Mooc vẫn đang dần thay thế giáo dục đại học truyền thống?
Để trả lời cho câu hỏi liệu có phải chúng ta đang tiến gần đến điểm giới hạn, nơi mà giáo dục truyền thống sẽ bị thống trị bởi các kỹ thuật công nghệ mới, thì vẫn chưa ai đám khẳng định. Đứng đầu tổ chức giáo dục hàng đầu thế giới Navitas, nhưng Brothers vẫn không thể đưa ra dự đoán khi nào và bằng cách nào MOOC sẽ thay thế các trường đại học trong tương lai.
Tuy nhiên, một điều có thể dễ dàng nhận thấy là những mô hình MOOC đã trở lại với một số cải tiến mới cũng như đang tiến hành thương mại hóa mạnh mẽ và sẵn sàng phát huy những điểm mạnh của mình cho cuộc chiến thật sự của giáo dục đại học.
Trước đây, một khóa học MOOC giống như một chương trình truyền hình miễn phí, nó không tốn chi phí, nhưng một học viên buộc phải sắp xếp thời gian theo chương trình học đã đặt ra. Vì thế dù được chủ động về không gian, được lựa chọn khung giờ nhưng học viên khó có thể thay đổi những yếu tố khác như thời gian bắt đầu, thời lượng môn học v.v...
Giờ đây, với mô hình MOOC thế hệ mới, việc học sẽ có thể tùy biến hoàn toàn theo thời gian của học viên. Một người có thể bắt đầu khóa học bất cứ khi nào họ muốn và học nhanh hay chậm là do những học viên này hoàn toàn quyết định.
Một sự thay đổi đáng kể khác, đó là MOOC hiện tại không còn là một mô hình miễn phí như trước đây mà thay vào đó sẽ có một khoản học phí khác nhau đối với từng nhà cung cấp. Mức học phí cho các khóa học rơi vào khoảng 100 - 300 USD, một khoản tiền không phải là nhỏ nhưng vẫn rẻ hơn rất nhiều so với các hệ đào tạo hoặc khóa học tại trường đại học hay trung tâm giáo dục tương đương.
Tuy nhiên, mức học phí này lại mang đến cho các học viên rất nhiều những lợi ích mà ngay cả các trường đại học cũng không hề cung cấp.
Theo đó, những mô hình MOOC như Coursera, edX hay Lynda sẽ cung cấp cho các học viên những kỹ năng xây dựng và định hướng nghề nghiệp như kỹ thuật bảo mật thông tin trực tuyến, tiếp thị kỹ thuật số, quản lý và phân tích kinh tế hay kỹ năng mở rộng quan hệ doanh nghiệp.
Những kỹ năng này không chỉ giúp cho các học viên của MOOC có thể dễ dàng tìm được việc làm như mong muốn đồng thời mở rộng mối quan hệ phục vụ cho công việc nếu muốn khởi nghiệp.
Tuy nhiên cải tiến được xem là bước đi chiến lược của các chương trình MOOC chính là việc ra mắt hệ thống bằng cấp và chứng nhận hoàn toàn mới. Hệ thống chứng nhận này cho phép các học viên MOOC được cấp những chứng chỉ ngắn hạn sau khi kết thúc một khóa học trực tuyến kéo dài khoảng vài tháng.
Những chứng chỉ này được cấp phép dưới dạng chứng chỉ bộ môn chính thống và được công nhận bởi hầu hết các trường đại học, từ đó giúp cho học viên của MOOC có thể đăng ký học tập các khóa chuyên sâu của bộ môn này tại các trường đại học chính quy nếu muốn bổ sung theo kiến thức và kỹ năng thực hành tại phòng thí nghiệm.
Hệ thống chứng chỉ này sẽ thay thế những bằng cấp tập trung, vốn chỉ được cấp sau khi trải qua 2 đến 4 năm học tập tại trường đại học, và giúp cho các học viên có thể bổ sung thêm vào phần điểm mạnh trong lá đơn xin việc của mình.
Theo các nhà cung cấp MOOC thì hiện nay đã có 40 khóa học, bộ môn được cấp chứng chỉ này như quản lý chuỗi cung ứng, quản lý khách sạn, quản lý dự án và vẫn đang xin giấy phép cấp chứng chỉ cho các bộ môn khác trong khuôn khổ đào tạo của chương trình.