Học trò tập làm đầu bếp

GD&TĐ - Nhằm trang bị cho học sinh (HS) có thêm kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, từ đầu năm học 2017 - 2018, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) đã khuyến khích tất cả các em HS khối 12 học nấu ăn. Theo đó, mỗi tuần 2 tiết, các em được tự tay chuẩn bị các nguyên vật liệu, chế biến và thưởng thức các món ăn do mình làm ra.

Học trò tập làm đầu bếp

Nấu ăn không dễ

Việc vào bếp, nấu những món ăn thông thường có lẽ là điều quá đỗi bình thường với các em HS ở nhiều nơi với độ tuổi 17, 18, nhưng với nhiều HS ở các thành phố lớn… lại không hề dễ dàng. Bởi các gia đình có điều kiện, thuê người giúp việc, hoặc được chiều chuộng từ bé nên việc vào bếp với các em HS là điều “xa xỉ”.

Chính vì vậy, để chuẩn bị hành trang cho các em vào đời, việc nấu ăn, phục vụ bản thân, học các kỹ năng sống là điều được Ban giám hiệu nhà trường rất chú trọng.

Theo cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, thực tế có nhiều em học sinh gần như chưa bao giờ vào bếp. Khi các em kết thúc lớp 12, đi du học, ở kí túc xá với bạn bè, hay chẳng hạn khi mẹ có việc đột xuất… việc nấu một bữa ăn đơn giản cho chính các em, gia đình là điều rất cần thiết, tưởng chừng rất dễ nhưng không phải em nào cũng làm được.

Vì vậy, nhà trường chủ động khuyến khích các em học nấu ăn ngay từ bây giờ, trước mắt để có thể phục vụ bản thân, vừa giúp các em có thêm kỹ năng. Đó cũng là cách để các em có khoảng thời gian thư giãn, thoải mái sau những tiết học, tiết ôn tập kiến thức.

Chương trình học được tổ Công nghệ của trường cùng soạn thảo. Các em sẽ có 13 tuần để học, trong đó 3 tuần học lý thuyết và thời gian còn lại sẽ thực hành.

Bài học đầu tiên mà các em được học khi “nhập môn nấu ăn”, đó chính là kỹ năng sử dụng bếp, cách xử lý khi gặp sự cố. Tiếp theo, đó là cách chọn thực phẩm, bảo quản và sơ chế thực phẩm, học những mẹo hay nhà bếp.

Học xong phần lý thuyết, các món ăn như súp bắp cua, gà nấu nấm, chả giò, chả trứng, gỏi bò tái me ngũ sắc, tôm chiên bột hay chè chuối, bánh rán… đều được giáo viên hướng dẫn và chính tay học sinh thực hành.

Giờ thực hành thú vị

Giờ thực hành gói gọn trong 90 phút của học sinh lớp 12A11 với món súp bắp cua được các em chuẩn bị chu đáo. Các em nhận thực phẩm từ các giáo viên để quay về nhóm của mình và bắt đầu cho tiết thực hành.

Mỗi nhóm 6 bạn cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu, phân chia công việc cụ thể cho từng bạn từ khâu luộc trứng, thái hành, luộc gà, nấu... đến cả việc dọn dẹp vệ sinh, phân công rửa chén sau khi hoàn tất món ăn.

Thi thoảng các em có điều gì thắc mắc, cô giáo sẽ là người trực tiếp chỉ dẫn. Cô giáo Hồng Ngọc chia sẻ thêm, thực phẩm, nguyên liệu để chế biến cho các món ăn được các giáo viên trong tổ tính toán vừa đủ, hợp lý. Chúng được mua ở những đơn vị uy tín để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Em Lê Tuấn Vũ, lớp 12A11 cho biết, trước đây em biết phụ mẹ như luộc rau, nấu canh, nhưng sau vài tiết học nấu ăn đã biết cách chế biến nhiều món hơn và có thể tự phục vụ mình với những món ăn đã học. Hai tiết học vô cùng thoải mái, các bạn cùng trò chuyện, trao đổi nên Tuấn Vũ cảm thấy vui vẻ, xả được những căng thẳng trong học tập.

Được biết, nhà trường đang lên kế hoạch, dự kiến trong năm học tới, tổ Công nghệ sẽ tiếp tục triển khai đa dạng các món ăn hơn, nhất là chú trọng các món truyền thống của người Việt. Bên cạnh đó, để giúp HS “trổ tài” sau những tiết học thực hành, vào dịp Xuân tới đây, trường sẽ tổ chức hội thi khéo tay hay làm như thi gói bánh chưng, hay món ăn Việt để các em tham gia.

Cô giáo Ngô Thị Hồng Ngọc, người trực tiếp đứng lớp hướng dẫn các em cho hay: “Ban đầu có nhiều em rất lóng ngóng với việc phi hành mỡ, đập trứng… thậm chí có nhiều em chưa khi nào tự tay bật bếp gas. Sau một vài tiết, các em được bắt tay vào làm nên đã quen hơn, biết được cách sơ chế, chuẩn bị nguyên liệu đến nấu các món. Có một số em rất có năng khiếu, tỏ ra rất tích cực hỗ trợ các bạn khác”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ