Học trò góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Chứt

GD&TĐ - Tại Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc năm học 2018 - 2019, Hà Tĩnh có 4 trong 6 dự án dự thi đoạt giải. Dù chỉ ở giải Khuyến khích nhưng đề tài “Một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Chứt, Bản Rào Tre, xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh” đã gây ấn tượng mạnh tại cuộc thi lần này.

Em Lê Na và Anh Tuấn - nhóm tác giả của đề tài “Một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Chứt, Bản Rào Tre, xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh”. Ảnh: T.G
Em Lê Na và Anh Tuấn - nhóm tác giả của đề tài “Một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Chứt, Bản Rào Tre, xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh”. Ảnh: T.G

Để đưa đề tài bảo tồn văn hóadân tộc Chứt từ cấp tỉnh ra quốc gia dự thi là cả một quá trình nghiên cứu, cố gắng của nhóm tác giả Trần Anh Tuấn và Nguyễn Thị Ly Na (lớp 12A1, Trường THPT Phúc Trạch, huyện Hương Khê).

Nói về ý tưởng của đề tài, em Nguyễn Thị Lê Na cho biết: “Cơ duyên nhiều lần hoạt động tình nguyện lên vùng núi, vùng dân tộc Chứt, gặp gỡ, tiếp xúc với người dân nơi đây, chúng em thấy rằng nhiều nét bản sắc văn hóa đang dần bị mai một, lãng quên. Dân tộc Chứt đang tồn tại ở Hà Tĩnh nhưng thực tế khi được hỏi, rất nhiều người vẫn không biết về dân tộc này. Ý tưởng giới thiệu với cộng đồng trong và ngoài tỉnh, thậm chí thế giới về dân tộc Chứt trên các phương diện đã được hình thành từ đó”.

Hưởng ứng Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cho HS trung học, từ năm 2012 - 2013 đến nay, Trường THPT Phúc Trạch đã có 624 ý tưởng dự thi vòng sơ khảo, trong đó có 58 ý tưởng được chọn dự thi vòng trình bày sản phẩm cấp trường; 16 ý tưởng được lựa chọn tham gia cuộc thi cấp tỉnh, trong đó có 14 ý tưởng đoạt giải (2 giải Nhất, 5 giải Nhì, 3 giải Ba, 4 giải Khuyến khích). Đặc biệt, năm 2019 trường nhận giải Khuyến khích về đề tài khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia. 

“Suy nghĩ, mình là con em địa phương, được tiếp cận nhiều với bà con dân tộc Chứt, hiểu được đời sống văn hóa nơi đây, nên em mong muốn có một chút gì đó công hiến.

Để biến suy nghĩ thành hành động, em đã chia sẻ câu chuyện với bạn cùng lớp Anh Tuấn và cô giáo Lê Thị Thu Trang, giáo viên môn Giáo dục công dân, với mong muốn có tiếng nói chung. Thật may, cô và bạn đã đồng hành để đưa ra ý tưởng, cách làm cho đề tài” - Lê Na nói.

Cô Thu Trang cũng cho hay, “Sau khi lên ý tưởng, lập kế hoạch, đề tài chính thức được triển khai vào tháng 6/2018. Những ngày hè, cô trò lại miệt mài trên cung đường vào bản để sưu tầm các vật dụng phục vụ sinh hoạt đời thường và trong đời sống văn hóa tinh thần của bà con. Làm quen với nếp sinh hoạt của người dân và qua dòng hoài niệm của họ về những ngày tháng sống hoang dã giữa núi rừng, cô trò ngày càng hiểu để tái hiện một cách khá chi tiết về những phong tục, tập quán của bộ tộc Lá vàng”.

“Khi nghiên cứu đề tài, chúng tôi may mắn được sự ủng hộ của Viện Dân tộc học Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ngoài ra “Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh” cũng đang được tập trung triển khai càng làm cho cô trò chúng tôi có thêm quyết tâm để làm sao quảng bá những nét độc đáo trong đời sống văn hóa của người Chứt đến với cộng đồng” - cô Trang nói thêm.

Đề tài bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Chứt không chỉ tập trung ở việc sưu tầm, gìn giữ các sản vật như: Quần áo, gùi, giỏi, oi, khèn… gắn liền với những phong tục tập quán sinh sống, lễ hội mà còn được thực hiện qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, quảng bá tại trường học, các điểm văn hóa huyện, tỉnh.

Về cách thức để đề tài lan tỏa, Lê Na bật mí: “Chúng em đã đưa tất cả các sản phẩm văn hóa dân tộc Chứt về trưng bày trực tiếp tại phòng truyền thống nhà trường. Trong mỗi giờ ngoại khóa hay các đoàn đến thăm quan, kiểm tra trường đều được lãnh đạo nhà trường giới thiệu, quảng bá. Ngoài ra, trang www.banraotre.com, trang Facebook “Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Chứt Hà Tĩnh” của nhóm được đưa lên thường xuyên và chia sẻ rộng rãi với bạn đọc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.